Cho bán bia rượu trong giờ làm việc là điều xấu hổ

20/04/2018 - 06:30

PNO - Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia vừa được Bộ Y tế đưa ra, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới.

Bộ Y tế đưa ra 3 phương án về thời gian được bán và không được bán rượu, bia.

Phương án 1: Các đơn vị kinh doanh được bán rượu, bia trong các khoảng thời gian: từ 11 giờ - 14 giờ; và từ 17 giờ - 22 giờ hàng ngày; trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí du lịch.

Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6 giờ - 22 giờ.

Phương án 3: Thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.

Cho ban bia ruou trong gio lam viec la dieu xau ho
Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM tiêu hủy rượu không rõ nguồn gốc. Ảnh: Hiếu Nguyễn
 
Cho ban bia ruou trong gio lam viec la dieu xau ho
 

Bác sĩ Nguyễn Duy Tâm, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM: “Cho bán rượu bia buổi trưa không giống ai!”

Ở Việt Nam, hầu như giờ nào cũng có người uống rượu bia, ngay cả giờ nghỉ trưa, các hàng quán nhậu cũng nhộn nhịp. Trong khi ở nước ngoài, người ta ý thức được công việc buổi chiều nên chỉ uống nước  lọc, nước ngọt; dù trong tủ lạnh có sẵn rượu bia.

Nhiều người Việt khi sang nước ngoài công tác đã bị người bản xứ nhìn với thái độ không thiện cảm do uống bia rượu buổi trưa. Đã là thói quen, tật xấu thì không thể chờ ý thức mà cần phải ràng buộc bằng luật pháp.

Do đó, chỉ nên bán bia rượu theo phương án 1 nhưng chỉ chọn khung giờ từ 17 – 22 giờ; còn ở khu sân bay, khu du lịch... muốn bán ngoài khung giờ này thì chỉ bán cho khách nước ngoài.

Ở Việt Nam, luật ban hành sẽ khó thực hiện nếu như hình thức xử phạt không nghiêm túc, thiếu lực lượng xử phạt. Ở Singapore, nếu uống rượu bia sai quy định bị phạt tiền cả 20 triệu đồng, còn tái phạm số tiền cao gấp 2-3 lần, thậm chí phạt tù. Do đó, luật Việt Nam nên trao quyền hạn xử phạt nhiều hơn cho lực lượng cảnh sát, công an... với đối tượng uống rượu bia.

 
Cho ban bia ruou trong gio lam viec la dieu xau ho

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM: “Có lộ trình cụ thể để các luật khác sửa đổi theo”

Chẳng quốc gia nào cho phép uống rượu bia trong giờ làm việc, do đó Dự thảo luật cần phải bỏ khung giờ bán rượu bia buổi trưa. Nếu khung giờ này được thông qua sẽ xấu hổ cho luật Việt Nam. Uống rượu bia buổi trưa thể hiện tính kỷ luật lao động thấp, giảm năng suất lao động và gây tai nạn không đáng có.

Tôi nghĩ nên chọn khung giờ từ 17 – 22 giờ và hiện gần 70 quốc gia cấm bán rượu sau 22 giờ. Tuy nhiên, trước khi luật ban hành cần có lộ trình cụ thể, vì một số luật sẽ thay đổi theo, nếu không sẽ khó thực hiện.

Ví dụ, nếu cấm bán sau 22 giờ thì lực lượng quản lý thị trường sẽ giám sát các cơ sở bán rượu bia hay luật giao thông đường bộ sẽ chỉnh sửa phù hợp nếu bổ sung các biện pháp xử phạt với người uống bia rượu khi lưu thông như: tước vĩnh viễn bằng lái, thậm chí cảnh sát “hộ tống” đối tượng về đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng cho nhiều người khác.

Và nên bắt đầu thí điểm giờ giấc bán bia rượu ở nhà hàng, khách sạn, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi...

 
Cho ban bia ruou trong gio lam viec la dieu xau ho

Thạc sĩ bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Canada: “Lực lượng công an còn thờ ơ”

Dự luật này với mong muốn đem lại điều tốt đẹp cho đất nước Việt Nam, do đó rất cần thiết phải ra đời. Trước đây, Bộ Y tế từng có dự thảo luật chống bán bia rượu cho phụ nữ mang thai, cho trẻ dưới 18 tuổi... cũng bị phản ứng do tên gọi chưa chuẩn, do chưa quy trách nhiệm rõ ràng, cơ quan xử phạt, chứ không phải người dân không ủng hộ.

Do đó, dự thảo luật muốn trở thành luật phải có sự ràng buộc, quy định rõ trách nhiệm các cơ sở ban ngành cùng chung tay thực thi luật pháp. Luật này ra đời có thành công hay không phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước chứ không phải người tiêu dùng. Ví dụ như ở Bắc Kinh (Trung Quốc), dân số và tỷ lệ hút thuốc lá cao hơn Việt Nam nhưng họ thực hiện thành công vì họ biết chọn những nơi công cộng thí điểm, xử phạt nghiêm túc.

Hiện Việt Nam đã đứng thứ 29 trên thế giới về tỷ lệ dân số uống rượu bia, tỷ lệ bị ung thư, nghiện rượu bia, bạo hành, tai nạn giao thông cũng tăng cao; do đó cần phải có luật chống tác hại của rượu bia ra đời.

 
Cho ban bia ruou trong gio lam viec la dieu xau ho

Ông Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam: "Phải siết cả những nơi bán rượu nhà làm"

Ở Singapore, tất cả cơ sở mua bán rượu bia đều phải đăng ký và được kiểm soát chặt chẽ thông qua công nghệ thông tin, doanh thu... nên sẽ biết được giờ giấc bán bia rượu.

Hay ở Thái Lan, đã ban hành luật cấm rượu bia và xử phạt nặng người uống rượu bia do lái xe rất tốt. Trong khi ở Việt Nam, việc bán bia rượu tràn lan, thậm chí ở các tiệm tạp hóa nhỏ, “rượu nhà làm” cũng được bán vô tư nên khó quản lý hơn.

Tóm lại, tùy thuộc vào điều kiện văn hóa của từng nước mà sẽ có cách quản lý khác nhau. Nhưng luật thành công hay không lại phụ thuộc vào hệ thống cơ quan chức năng, phải quyết tâm làm.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thống kê: 80% nam giới và 36,5% nữ giới trong độ tuổi 14-25 ở Việt Nam sử dụng rượu bia.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng những người bắt đầu uống rượu trước 15 tuổi thì khả năng nghiện ngập cao gấp 4 lần, bạo lực gấp 6 lần và nguy cơ tai nạn xe cộ cao gấp 6 lần do uống rượu, bia so với người uống từ lúc 21 tuổi.

Thanh Khê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI