Chờ bản án từ TAND TPHCM để có hướng tu bổ, phục hồi nhà cụ Vương Hồng Sển

26/09/2024 - 17:09

PNO - Căn nhà đã xuống cấp nhiều năm qua nhưng vướng kiện tụng nên cơ quan chức năng chưa có phương án tu bổ, phục hồi.

Bên trong nhà cụ Vương Hồng Sển
Bên trong nhà cụ Vương Hồng Sển

Chiều 26/9, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế xã hội trên địa bàn TPHCM, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TPHCM đã có phản hồi về vụ việc liên quan ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển - công trình được UBND TPHCM ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố vào tháng 8/2003.

Mới đây, UBND quận Bình Thạnh (TPHCM) có quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả theo quyết định số 6200/QĐ-KPHQ (ngày 23/8/2023) của chủ tịch UBND quận Bình Thạnh đối với căn nhà số 11 (số cũ 9/1) đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh, TPHCM. Đây là nhà cụ Vương Hồng Sển sống lúc sinh thời.

Cụ thể, tại đây có phần công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị do xây dựng công trình không có giấy phép. Thời gian khắc phục hậu quả là 15 ngày, kể từ khi nhận được quyết định. Sự việc gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Vì đây là di tích nên nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ.

Sinh thời, cụ Vương Hồng Sển có để lại di chúc mong muốn thành lập bảo tàng tư nhân lấy tên Nhà Vương Hồng Sển. Những mong muốn của ông khi trao lại ngôi nhà cho TP gồm: phải mở cửa cho người dân tham quan; nếu có thu được phí thì trích một phần bảo dưỡng nghĩa trang họ Vương ở Sóc Trăng; Nhà nước nuôi những đứa cháu nội của cụ được học hành, có nghề nghiệp, bố trí chỗ ở phù hợp.

Tuy nhiên, sự việc gây lùm xùm suốt nhiều năm, bởi những người liên quan đến di tích này không chấp nhận. Họ vẫn sống tại đây, dù theo quy định không cho người ở, buôn bán trong không gian di tích.

Bên trong ngôi nhà có nhiều hoa văn được chạm trổ kỳ công. Tuy nhiên, hiện nhiều chỗ bị mối mọt tấn công.
Bên trong ngôi nhà có nhiều hoa văn được chạm trổ kỳ công. Tuy nhiên, hiện nhiều chỗ bị mối mọt tấn công

Từ năm 1996, các cá nhân liên quan đến di tích này đã liên tục gửi các đơn kiến nghị về việc thừa kế tài sản liên quan đến ông Vương Hồng Sển để được xem xét giải quyết.

Năm 2005, bà Vương Hồng Liên Hương (là cháu nội của ông Vương Hồng Sển) đã khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế đối với UBND TPHCM. Năm 2018, bà tiếp tục có đơn khởi kiện ra TAND TPHCM về tranh chấp quyền sở hữu tài sản, yêu cầu trả lại căn nhà trên cho những người thừa kế của cụ Vương Hồng Sển và vợ là Nguyễn Kim Chung.

Hiện nay, TAND TPHCM đang thụ lý vụ án và xét xử theo quy định. Sở VH-TT TPHCM đã cử nhân sự tham gia vụ kiện để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị khởi kiện. Bản án của TAND TPHCM là kết quả cuối cùng để các bên thực hiện.

Từ khi xác lập quyền sở hữu nhà nước và được xếp hạng di tích cho đến nay, sở chưa được nhận bàn giao đối với nhà này. Vì việc khiếu kiện, khiếu nại kéo dài nên không thể triển khai công tác tu bổ, phục hồi và trưng bày tại di tích theo quy định hiện hành.

Sau khi có bản án của TAND TPHCM (đang thụ lý vụ án để xét xử đối với vụ kiện vào năm 2018 của bà Vương Hồng Liên Hương), trong trường hợp di tích được giữ lại, Sở VH-TT TPHCM sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá, đề xuất chủ trương đầu tư, tính toán, xây dựng phương án đầu tư tu bổ, phục hồi di tích này theo quy định hiện hành.

Khoảng sân trước nhà cổ của học giả Vương Hồng Sển được trưng dụng làm quán ốc vào năm 2018
Khoảng sân trước nhà cổ của học giả Vương Hồng Sển được xây dựng, làm mái che cho một quán ăn

Sở cho biết hiện nay căn nhà đã xuống cấp. Việc tu sửa nhỏ để chống dột, xuống cấp (không thay đổi kiến trúc, kết cấu, vật liệu, màu sắc công trình di tích) là cần thiết. Từ khi xếp hạng đến nay, sở chưa nhận được các đề xuất, kiến nghị đề xuất tu bổ, phục hồi, tu sửa công trình di tích của các cá nhân, hộ gia đình đang cư trú trong công trình này.

Từ năm 1996 đến nay, sở phối hợp với các đơn vị liên quan nhiều lần xuống khảo sát tại di tích. Giai đoạn 2021-2023, sở cùng với Sở Xây dựng TPHCM và các đơn vị liên quan đều xuống khảo sát thực tế tại di tích, làm việc với các đồng thừa kế của cụ Vương Hồng Sển để tham mưu, báo cáo UBND TPHCM.

Trung Sơn

Ảnh: T.T.D

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI