Chờ áo chiều 30

11/02/2021 - 17:21

PNO - Cha làm nghề may, con cái tự hào lắm, nhưng cha tôi có khi kể đầy ấm ức: "Con nhà hàng xóm có áo mới mặc tết, chứ con nhà thợ may chỉ mặc áo cũ thôi! Đó là chân lý rồi". Cái chân lý “con thợ may không bao giờ có áo mặc tết” ấy không ngờ tôi được trải nghiệm.

Ngày Ba mươi, tôi rất ngán những tiếng gõ gấp gáp vào cửa sổ. Đấy hẳn là một vị khách tới đòi áo quần. Chị tôi căng thẳng đạp máy khâu xành xạch phía trong. Từ sáng, chị đã nhắc tôi đóng cửa sổ, chỉ hé xem khách là ai và trả lời khách theo “hiệu lệnh” của chị.

Ảnh: Diễm Mi
Ảnh: Diễm Mi

“Có chưa?” - một người khách hỏi. Phía trong, chị tôi giơ hai ngón tay lên, tôi trả lời: “Ráng hai tiếng nữa cô nhé”.

Hai tiếng sau, vẫn tiếng người đàn bà gắt gỏng: “Có chưa? Nhà bao việc mà chầu chực thế này…”. Tôi đã cuống, nhìn vào trong chờ cánh tay chị gái: “Cô ơi, xong rồi, còn 30 phút nữa thôi”.

Đấy là công việc của tôi chiều Ba mươi nhiều năm học cấp II và cấp III. Tôi là người vô cùng quan trọng được chị chọn để không bị vây bủa bởi những lời mắng nhiếc, chửi bới vì chậm hẹn giao đồ.

“Cô chờ chị cháu, đang làm phần lai rồi”, “Bác ơi xong rồi, xong rồi, chị con ủi xong là con đơm nút ngay”, “Ông ơi, cái quần của ông chắc 10 giờ đêm mới xong. Con hứa mang qua nhà ông trước giao thừa”.

Không thể kể xiết bao nhiêu “cơn thịnh nộ” đã trút xuống đầu chị em tôi ngày cuối năm. Mùa tết là mùa thợ may nào cũng phải vùi mặt, còng lưng làm suốt ngày đêm cho kịp. Thường thì trước tết chừng 2-3 tuần, chị tôi đã đóng sổ, không nhận hàng. Nhưng có những gia đình bận rộn, sát tết mới nhớ ra việc đưa con đi may đo. Thợ nào nỡ từ chối khách, nhất là khách quen, thế là chị tôi lại cả nể xếp lịch. Kết cục là lại nợ nần, sai hẹn…

Nhớ về tết, tôi lại nhìn rõ hoạt cảnh chiều Ba mươi, năm nào cũng vậy. Những tốp khách tới lui gõ cánh cửa gỗ đòi, hối, chị em tôi bên trong tìm đủ cách giãn, lùi. 
Tiếng khẩn khoản, van nài từ hai phía - chủ nợ và con nợ. 

Chị tôi sợ mùa làm hàng tết lắm, vừa phải may gấp, lại không được may ẩu, đồ tết mà. Rồi phải tính toán vải vóc, thời gian, đối phó, đau hết cả đầu.

Chị gái tôi là hậu duệ đời thứ ba của nghề may. Thời ông nội tôi, cả làng chỉ có một máy may. Nếu không may đồ chỗ ông tôi, người dân ba làng liền kề phải đi bộ lên tận huyện, vì thời ấy mấy ai có xe đạp mà đi. Ông nội tôi là con nhà giàu, được học trường Tây, trưởng thành được ông bà cố tặng xe đạp để lên huyện vừa học chữ vừa học nghề. 

Ban đầu, nghề may dự tính chỉ là nghề phụ; sau kháng chiến, lại thành nghề chính của ông tôi, bên cạnh nghề nông. Ông là người tài hoa, lại thêm tính cẩn thận nên may đồ rất đẹp và bền. Trẻ con nông thôn cần nhất tấm quần tấm áo lê la cả ngày không tuột chỉ, không rách đũng, nên sau này, áo quần công nghiệp ra đời, rất nhiều người vẫn chỉ quen với đồ may thủ công.

Cha làm nghề may, con cái tự hào lắm, nhưng cha tôi có khi kể đầy ấm ức: “Con nhà hàng xóm có áo mới mặc tết, chứ con nhà thợ may thì chỉ mặc áo cũ thôi! Đó là chân lý rồi”. Cái chân lý “con thợ may không bao giờ có áo mặc tết” ấy, không ngờ tôi được trải nghiệm.

Cha tôi thoát ly đi làm công nhân ngành giao thông, tưởng nghề may đã đứt đoạn. Thế nhưng những năm bao cấp quá khốn khó, nhà thiếu ăn triền miên, cha tôi lên biên giới mua về chiếc máy khâu con bướm, rồi mua sách dạy may của cô Triệu Thị Chơi ở Sài Gòn về cặm cụi cập nhật mẫu mới.

Ông mày mò cắt bìa các-tông, bao xi măng tập may áo quần. Do sẵn nghề gia truyền từ ông nội, cha học rất nhanh, chẳng mấy chốc biết mổ trụ cổ tay, biết dựng cổ áo sơ mi, mở túi hậu… Tất cả là những thứ mục khó đặc biệt trong kỹ thuật may. 

Lại nói về nghề may ngày tết. Tôi từng một lần có áo mặc tết, phá lời nguyền “con thợ may không bao giờ có áo tết”. Năm đó, cha tôi quyết tâm may áo tết cho hai con gái. Mẹ tôi đi Sài Gòn mua được hai xấp vải kate. Tôi còn nhớ của tôi là chiếc áo sơ mi nền trắng, họa tiết những con thuyền. Tôi đã mặc chiếc áo ấy từ đêm Ba mươi, ngay trước phút giao thừa, hết ba ngày tết mới chịu cởi ra. Chiếc áo cổ sơ mi (hồi ấy còn gọi là cổ Đức) khẳng định tôi khác “đẳng cấp” so với bọn con nít ngày tết chỉ mặc cổ lá sen, cổ tròn, cổ thuyền… 

Chẳng biết có phải vì vậy không, mà tới tận giờ tôi vẫn mê mặc áo sơ mi. Và phải là sơ mi cổ Đức… 

Hoàng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI