Chớ ăn nấm dại!

18/06/2023 - 07:41

PNO - Mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm sinh sôi. Các bác sĩ cảnh báo người dân không nên tự ý hái, ăn những loại nấm mọc tự nhiên để tránh nguy cơ bị ngộ độc.

 

Vừa qua, ở Tây Ninh đã có trường hợp  tử vong do ăn nấm trứng gà - ẢNH: INTERNET
Vừa qua, ở Tây Ninh đã có trường hợp tử vong do ăn nấm trứng gà - Ảnh: Internet

Hiểm họa từ trào lưu ăn nấm dại

Rủ nhau đi hái nấm sau mỗi trận mưa không phải là hoạt động xa lạ đối với người dân nông thôn, sống cạnh khu vực rừng núi. Theo anh N.H.M. (ngụ xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), một người quen của tôi, khi trời vừa mưa xong, nấm mọc lên rất nhiều. Nấm kaki và nấm trứng được coi là món ăn dân dã của người dân địa phương nơi đây. Tuy nhiên, trong rừng có rất nhiều loại nấm độc, nếu không có kinh nghiệm rất dễ hái nhầm. Ăn hoặc chạm phải chúng cũng có thể gây nguy hiểm.

Anh M. kể, ở xã mình từng có người hái và ăn nhầm nấm cười, sau đó bị ảo giác không kiểm soát được nhận thức và cảm xúc. Người dân nơi đây hay hái nấm kaki, nấm trứng gà về xào với rau răm. Tuy nhiên, làm sao để phân biệt được các loại nấm ăn được và nấm có độc không hề dễ. Anh M. khuyên rằng du khách và những người không am hiểu về nấm không nên tự hái nấm, mạo hiểm ăn chúng kẻo mất mạng.

Chị N.T.T.H. (42 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) cho biết chị vừa đặt mua 2 kg nấm mối qua mạng. Nấm đã được giao tới nhà nhưng chị vừa đọc báo thấy có nhiều ca ngộ độc do ăn nấm tự hái nên lo lắng, không dám chế biến số nấm mới mua cho gia đình ăn. 

Nấm độc ký sinh trên xác ve sầu được gia đình bé T. mang tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 - ẢNH: N. T.
Nấm độc ký sinh trên xác ve sầu được gia đình bé T. mang tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: N.T.

Trước đó, chị H. nghe nói nấm mối rất bổ dưỡng, có giá trị dinh dưỡng cao. Lướt mạng xã hội, chị thấy một người ở Gia Lai rao bán các loại nấm (trong đó có nấm mối) tự hái mỗi ngày ở rừng. Nghĩ rằng mua nấm hái ngoài tự nhiên sẽ tươi, nhiều giá trị dinh dưỡng và rẻ hơn trong siêu thị nên chị đặt về. Vậy nhưng, khi nhận hàng, chị lại phân vân không biết đây có phải nấm mối thật, lỡ ăn phải nấm độc thì cũng không biết người bán ở đâu mà bắt đền.

Chị P.T.D. (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cũng chia sẻ rằng chị thấy rất nhiều loại nấm lạ đang được rao bán trên mạng xã hội. Có những loại lần đầu tiên chị nghe tên, được quảng cáo là đặc sản rừng của khu vực Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai. Những loại nấm này (nấm tràm, nấm trứng ngỗng…) chị chưa bao giờ thấy bán trong siêu thị. Trung bình mỗi ký nấm được rao bán trên mạng với giá từ 60.000-80.000 đồng. Ngoài ra, nấm bụng dê được bán với giá rất cao và… vô chừng (từ vài trăm ngàn đồng đến hơn chục triệu đồng/kg). Nấm được đựng trong các túi ni lông, miệng túi cột chặt bằng dây thun.

Nhìn chung đây hoàn toàn là hình thức buôn bán tự phát, không có ai kiểm định về chất lượng cũng như độ an toàn của những loại nấm này. Việc mua bán nấm tự hái như trên ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, lỡ không may ăn trúng nấm độc thì hậu quả khôn lường. 

Liên tiếp xảy ra những ca ngộ độc nấm dại

Mới đây, liên tiếp xảy ra các trường hợp thương tâm vì ăn phải nấm độc. Vừa qua là câu chuyện thương tâm của 2 mẹ con ở Đồng Nai. Cụ thể, vào chiều tối 6/6, bé T.T. hái một loại nấm mọc trên xác ve sầu từ ngoài rẫy về chế biến món ăn. Bé T. và mẹ đã cùng ăn loại nấm nói trên. Bé T. ăn 5 cái nấm, còn mẹ bé ăn 2 cái. Kết quả, sau khi ăn, cả hai mẹ con đều đau quặn bụng, nôn ói, được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện gần nhà. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng của bé T. trở nặng nên đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong bệnh cảnh rối loạn nhịp tim, tổn thương gan, thận và hôn mê. Hiện nay, T. đang được thở ô xy, truyền dịch và theo dõi sát sao.

Căn cứ trên mẫu nấm còn sót lại được người nhà bệnh nhân mang tới, bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết đây chính là nấm độc Gyrommitrin ký sinh trên thân ve sầu. Khi trời mưa xuống, loại nấm này gặp môi trường thuận lợi sẽ sinh sôi, phát triển. Người dân hay nhầm lẫn loại nấm độc trên với đông trùng hạ thảo. Hiện chất độc Gyrommitrin chưa có thuốc đặc trị. Bệnh nhân ngộ độc Gyrommitrin chỉ có thể điều trị triệu chứng và nâng đỡ thể trạng. Do đó, mọi người cần hết sức thận trọng khi ăn những loại nấm lạ, chưa thông dụng trên thị trường. Nấm độc Gyrommitrin có hình dáng giống nhung hươu, màu đỏ thẫm, đầu nấm có hình cầu trông rất đẹp mắt.

Đặc biệt, chất độc có trong nấm Gуrommitrin không hề bị mất đi trong quá trình sơ chế và đun nấu bằng nhiệt. Triệu chứng của nạn nhân ngộ độc nấm Gуrommitrin là nôn ói, chân tay co giật, mất ý thức, hôn mê sâu, thậm chí tử vong nếu ăn nhiều.

Nấm bụng dê đang được rao bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng 1kg. Đây là 1 trong 4 loại nấm quý hiếm bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm rất dễ nhầm lẫn - ẢNH: INTERNET
Nấm bụng dê đang được rao bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng 1kg. Đây là 1 trong 4 loại nấm quý hiếm bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm rất dễ nhầm lẫn - Ảnh: Internet

Không riêng mẹ con bé T. ăn phải nấm độc ký sinh trên xác ve sầu. Vừa qua, chỉ trong 3 ngày, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có 9 người nhập viện vì ngộ độc nấm. Cụ thể, ngày 4/6, một người đàn ông đã hái nấm trứng gà về nấu ăn. Người này và vợ cùng con gái đã được đưa đi cấp cứu. Nạn nhân đã tử vong, vợ và con gái ông đang nguy kịch. Tiếp đến, ngày 7/6, cũng tại Tây Ninh, một nhóm 6 người bị ngộ độc sau khi hái nấm về nấu ăn cùng nhau. May mắn, sau khi được điều trị tích cực, cả 6 bệnh nhân đã ổn định, 3 người đã được xuất viện.

Tình trạng đồn đoán, kháo nhau về các loài nấm dại bổ dưỡng là vô cùng nguy hiểm. Hiện nay, trên một số trang mạng xã hội đang có các thông tin về một loại nấm màu vàng nhạt, cọng dài, mọc hàng loạt ngoài vườn, trên nương rẫy… sau cơn mưa. Nhiều ý kiến vào bình luận, cho rằng đó là đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, một số người đã khuyên không nên ăn hay đụng vào vì đó là nấm độc. Bên cạnh đó, một số người còn chia sẻ kinh nghiệm rằng muốn biết đó có phải nấm độc hay không thì dựa trên màu sắc (nấm độc thường có màu sặc sỡ, đẹp mắt). Ngoài ra, cứ lấy cho gà ăn thử, nếu gà không sao thì ăn được.

Bác sĩ Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cảnh báo tuyệt đối không được ăn thử nấm dại. Những kinh nghiệm nhận biết theo màu sắc của nấm là chưa chính xác vì có những loại nấm độc có màu trắng muốt. Có một số chất độc phản ứng chậm ở cơ thể vật nuôi nên ta không thể dùng cách cho vật nuôi ăn để thử độc nấm. Tốt nhất là không nên tự hái nấm dại về ăn. Để đảm bảo an toàn, chỉ nên ăn những loại nấm phổ biến được nuôi trồng, có nguồn gốc rõ ràng, bày bán trong các cửa hàng, siêu thị, đã được kiểm định về chất lượng.

Vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận 3 trường hợp liên quan tới ngộ độc nấm dại. Dù nhiều vụ việc thương tâm do ngộ độc nấm xảy ra nhưng bà con vùng nông thôn vẫn duy trì thói quen đi hái nấm sau cơn mưa. Theo bác sĩ Vũ Hiệp Phát, tại những vùng sâu, vùng xa, cơ quan chức năng địa phương cần tuyên truyền cho người dân để tránh việc tự hái nấm ăn. 

Được biết, Việt Nam có khoảng 100 loài nấm độc. Những loại nấm độc này được phân loại theo 4 nhóm. Thứ nhất là nấm độc chứa amatoxin. Độc tính amatoxin trên nấm rất cao. Khi ăn phải, chất độc này sẽ phá hủy tế bào, đặc biệt là tế bào gan khiến nạn nhân bị suy gan cấp. Triệu chứng khi ngộ độc nấm chứa amatoxin thường xuất hiện từ 6 - 24 giờ kể từ lúc ăn. Nạn nhân sẽ đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, vàng da và hôn mê. Tiếp đến là nhóm nấm độc chứa muscarin. Chất muscarin có trong nấm gây ra các triệu chứng thần kinh (toát mồ hôi, hôn mê, co giật, ảo giác, kích động, suy nhược, liệt cơ kết tràng). Thứ ba là nhóm nấm chứa độc tố làm rối loạn tiêu hóa. Nạn nhân sẽ bị nôn ói, đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn nấm khoảng 20 phút. Cuối cùng, là nhóm nấm psilocybe. Ăn phải nấm này, nạn nhân sẽ bị rối loạn tâm thần, nảy sinh ảo giác. 

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI