Tại buổi tiếp xúc với tiểu thương lấy ý kiến về dự thảo hợp đồng mới tại chợ An Đông chiều ngày 24/6, Đại diện Ban quản lý (BQL) Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (thường được gọi là Chợ An Đông 1) cho hay, đơn vị này sẽ nhận ý kiến từ phía tiểu thương đến hết ngày 30/6 để hoàn thiện hợp đồng Sử dụng điểm kinh doanh giai đoạn 2019-2028. Việc triển khai ký kết hợp đồng mới sẽ được tiến hành ngay sau đó.
Trước buổi tiếp xúc này, từ ngày 10/6-14/6 BQL chợ đã mời hơn 1.300 tiểu thương trong tổng số 2.305 quầy sạp dự triển khai dự thảo Hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh. BQL chợ đã gửi toàn bộ dự thảo hợp đồng, biên bản thỏa thuận, biên bản thanh lý hợp đồng cũ, kèm theo phiếu góp ý để tiểu thương có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu.
Cho đến buổi tiếp xúc chiều hôm qua vẫn còn có những ý kiến trái chiều giữa một bộ phận tiểu thương đưa yêu cầu họ có quyền sở hữu quầy sạp. Những tiểu thương này đưa ra lập luận, thời điểm xây dựng chợ họ đã đóng góp tiền với chủ đầu tư (công ty Việt Hoa) để xây dựng chợ nên họ có quyền sở hữu.
Bà Lý Cẩm Vân, tiểu thương kinh doanh tại chợ rằng, trong các cuộc hợp trước đây, lãnh đạo Sở Công thương và đại diện UBND quận 5 cũng đã khẳng định An Đông là chợ truyền thống loại 1 của thành phố. Và khẳng định chợ truyền thống thì không thu tiền thuê quầy sạp mà chỉ thu phí và lệ phí (?)
Là một trong khoảng 700 người kinh doanh tại chợ ngay khi chợ mới được xây dựng (1990-1991), bà Vân muốn được quyền sử dụng không thời hạn 8 sạp hàng của mình tại An Đông như tiểu thương chợ Rạch Ông (quận 8) hay chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh).
|
Nhiều chủ sạp tại chợ An Đông muốn sớm có hợp đồng để yên tâm buôn bán (Ảnh chụp trong lần đối thoại giữa tiểu thương chợ An Đông với UBND quận 5) |
Tuy nhiên, theo lời một tiểu thương cũng là một trong số 700 người kinh doanh tại chợ giai đoạn chợ mới hoàn thành, thời điểm đó tiểu thương chia làm 10 lần. Nhưng tiền đó là đóng tiền thuê quầy sạp chứ không phải tiền góp vốn xây dựng nên không thể đòi hỏi quyền sở hữu quầy sạp này. Đồng thời bà này cũng khẳng định, hợp đồng cũ bất lợi cho tiểu thương.
Một số tiểu thương thậm chí còn tìm đến các luật sư để lấy ý kiến tham vấn. Chiều ngày 25/6, bà Thái Trang, tiểu thương kinh doanh quần áo tại lầu 1 cho hay, ban đại diện tự phát của tiểu thương đã đem thắc mắc và được luật sư Trần Đình Triển, Văn phòng luật Vì Dân (Hà Nội) giải đáp.
Theo đó, trước việc UBND TP.HCM ra quyết định cho tiểu thương chợ An Đông hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh (thời hạn 10 năm). Nhưng có một số tiểu thương đòi quyền sở hữu vĩnh viễn. Đồng thời yêu cầu UBND quận 5 cấp giấy chứng nhận vốn. LS Trần Đình Triển cho rằng, hợp đồng bà con ký với công ty Việt Hoa là hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh, thời hạn 20 năm, tiền thuê trả trước làm nhiều đợt. Việc bà con tiểu thương đòi quyền sở hữu đất, sở hữu sạp vô thời hạn là không đúng pháp luật và hợp đồng đã ký trước đây. Văn bản hợp đồng vừa rồi cho bà con ký tiếp 10 năm, theo giá cho thuê của UBND Thành phố quy định và nhiều nội dung khác trong hợp đồng là đúng pháp luật.
Với việc một số tiểu thương yêu cầu quận 5 cấp giấy chứng nhận góp vốn giống chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), Rạch Ông (quận 8) vì cùng thời điểm năm 1989 Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh đứng ra kêu gọi tiểu thương góp vốn xây dựng chợ, còn tiểu thương An Đông ký với Việt Hoa. Luật sư Triền cho rằng, căn cứ nghị định 02 của Chính phủ về quản lý chợ thì có những hình thức đầu tư là: Nhà nước bỏ 100% vốn đầu tư xây dựng cải tạo chợ, BQL chợ ký hợp đồng cho thuê với tiểu thương; Hình thức đầu tư là Nhà nước và nhân dân cùng làm, hoặc đóng cổ phần (như chợ Bà Chiểu)
Hình thức giao doanh nghiệp đầu tư 100% vốn hoặc doanh nghiệp và tiểu thương cũng góp vốn. Đầu tư và kinh doanh theo theo thời hạn giấy phép hoặc hợp đồng (Chợ An Đông đầu tư theo hình thức này). Nhưng vì Việt Hoa có sự cố nên nhà nước tiếp quản và tạo điều kiện cho tiểu thương kinh doanh 28 năm nay. Nay chính quyền tiếp tục tiếp tục ký hợp đồng cho tiểu thương thuê tiếp 10 năm là thấu tình đạt lý.
BQL chợ khẳng định, không có chuyện vội vàng trong việc soạn thảo và thông qua hợp đồng mới. Hợp đồng trên cơ sở nguyện vọng của chính bà con tiểu thương. Hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh thời hạn là 10 năm, nội dung triển khai hợp đồng xuất phát từ các kiến nghị của tiểu thương trước đó. Nhằm đáp ứng cho bà con tiểu thương ổn định nơi buôn bán, kinh doanh lâu dài.
“Đây là hợp đồng dân sự dựa trên thỏa thuận giữa hai bên và sẽ thống nhất trước khi ký. Tiểu thương có quyền đóng góp ý kiến trực tiếp tới dự thảo hợp đồng thông qua các cuộc họp hoặc thông qua phiếu góp ý. Tiểu thương cũng có thể gặp trực tiếp Ban quản lý chợ để góp ý. Có giá trị dân sự tiểu thương có thể dùng để thế chấp vay vốn để kinh doanh”, vị đại diện BQL cho hay.
Bên cạnh đó một số tiểu thương gần đây sử dụng hợp đồng để vay vốn ngân hàng , một số bị từ chối hặc giảm bớt hạn mức vay do liên quan đến thời hạn cũ của hợp đồng. Các dự thảo hợp đồng được xây dựng trên cơ sở quy định của pháp luật, có gửi đến các cơ quan liên quan để lấy ý kiến và đã tham khảo ý kiến các luật sư.
Không ít ý kiến tiểu thương tán thành việc triển khai ký kết hợp đồng mới để có thể. Tiểu thương nào không muốn ký mà muốn đòi hỏi quyền sở hữu hay sử dụng vô thời hạn thì tiếp tục tiến hành các thủ tục pháp lý đòi hỏi quyền lợi của mình. Không nên vì lý do này khiến hàng trăm, hàng ngàn tiểu thương khác không có hợp đồng, điều mà họ mong mỏi nhiều năm qua.
Thư Hùng