PNO - 'Thấy con vừa chào đời đã chịu khổ, tôi đặt cho con tên Bình. Bình trong bình yên, vui vẻ. Tôi thà làm kiếp gà trống chứ 100 triệu cũng không bán con mình'.
Vừa nói, anh Trương An Thuận (37 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) vừa nhấc bổng bé Trương Thị Bình (8 tuổi) lên để dỗ dành. Anh Thuận cười, cuộc sống có lúc vui lúc buồn, anh không quá bận lòng khi vợ đi theo người khác. Anh chỉ tội đứa con gái nhỏ, vừa chào đời đã bị mẹ bỏ rơi.
Nhìn sang hướng khác, anh như trút hết nỗi lòng: “Ban đầu tôi cũng hận lắm, con gái chưa bú được một giọt sữa mẹ, nằm trong lồng hấp, nó cứ khóc ngằn ngặt. Nó bị sinh non, khờ lắm... thế mà người ta lại nỡ lòng bỏ con. Nhưng khi bình tĩnh lại thì thấy mình quá nghèo, con vừa sinh ra lại nhiều bệnh, người ta bỏ đi cũng không trách được”.
Với anh Thuận, có con là một niềm hạnh phúc vô bờ.
Vợ bỏ đi khi con còn đỏ hỏn
Khi vợ anh mang thai bé Bình thì lên cơn suyễn, chị bị suyễn quá nặng dẫn đến thai nhi bị ảnh hưởng phải sinh non. Vợ vào phòng sanh, anh cứ thấp thỏm, đến khi biết cả hai an toàn, anh đứng trước cửa phòng chờ khóc lớn như một đứa trẻ.
“Tài sản của tôi chỉ có vợ con nên tôi rất lo sợ, tôi không muốn mất đi ai cả. Khi biết con ra đời bình yên, tôi hạnh phúc quá quên hết xung quanh. Biết là con thiếu tháng phải nằm lồng kính, vợ chồng sẽ vất vả hơn, nhưng kệ, nó sống là mừng lắm rồi”, anh Thuận xúc động.
Vì bị sinh non, bé Bình gặp nhiều di chứng như bệnh tim, chậm phát triển,...
Tính anh hay quên trước quên sau, nhưng những ký ức về đứa cón gái bé bỏng thì anh chưa bao giờ làm rơi rớt một mảng nào. Con gái anh, chỉ ở trong bụng mẹ được 6 tháng 18 ngày.
Vừa chào đời, bé 'đã biết làm nũng' với mọi người, khi chỉ nặng có 800 gam với nhiều biến chứng về tim, não,… khiến anh và các bác sĩ phải canh lồng hấp của bé suốt ngày đêm.
Một lần, con khóc quá nhiều anh không chịu nổi, đi ra giường vợ tìm chút sự an ủi, nào ngờ chiếc giường đã bỏ trống từ bao giờ. Ngồi trên giường bệnh, anh cay đắng nghĩ về con.
Từ lúc chào đời, bé chưa từng được mẹ ủ ấm, chưa biết hơi mẹ thơm như thế nào. Anh thẫn thờ bước vào bên con, đứa bé dường như biết được phận mình, ngằn ngặt khóc.
Trong mọi câu chuyện anh Thuận luôn nhắc về Bình như một báu vật vô giá.
Anh Thuận cười buồn: “Lúc đó có người thương tình, kêu tôi tặng con gái cho họ. Họ nói con tôi sinh non sẽ rất khó nuôi và tốn kém. Tôi mới làm cha lần đầu, chưa từng biết chăm một đứa trẻ ra sao, nhưng tôi tin mình sẽ làm tốt. Mình tạo ra nó thì phải lo cho nó chứ. Thấy con vừa chào đời đã chịu khổ, tôi đặt cho con tên Bình. Bình trong bình yên, vui vẻ.
Từ khi con gái được sinh ra, tôi đã nghĩ rằng cuộc đời mình không có gì quý giá hơn nữa. Ai bỏ con thi bỏ còn tôi thì thà làm kiếp gà trống chứ 100 triệu cũng không bán con mình. Cha con tôi có cháo ăn cháo, có rau ăn rau”.
Chạy loanh quanh học cách chăm con
28 ngày bé Bình nằm trong lồng hấp để chiến đấu số phận thì đủ 28 ngày anh Thuận đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình trước việc chăm sóc, bồng bé một đứa trẻ.
Anh đi hỏi các bác sĩ để biết cách chăm sóc con, bình sữa phải rửa như thế nào, để sữa bao nhiêu thì vừa, khi nào thì bé bị bệnh, bệnh thì làm gì....
Bác sĩ bận thì anh đi dọc hành lang bệnh viện, thấy ai bế em bé thì đến hỏi họ cách bế ra sao, phải làm sao để ru bé ngủ, đút bé ăn có khó hay không…
Anh Thuận chỉ thương con còn nhỏ mà chịu nhiều thiệt thòi, anh cố gắng kiềm nén khi nhắc về bệnh tim của con.
Ngày đầu tiên được bế con, anh lúng túng, vụn về siết chặt, bé bật khóc khiến anh vừa vui vừa xúc động: “Nó nhỏ quá, chỉ có 1,2 ký thôi, tôi sợ làm rớt nó nên cứ gồng người, gồng bế nó một chút mà bắp tay cứng hết trơn. Sau này bác sĩ thương tình, quấn khăn to lên nên dễ bế lắm. Chứ nó có 1,2 ký, còn nhỏ hơn con cá lóc tôi câu được ngoài sông…”.
Về nhà, hễ con có dấu hiệu lạ, anh lại tất tả bế con chạy hết nhà này đến nhà kia trong xóm để hỏi thăm. Những người phụ nữ nơi đây chỉ biết thở dài xót xa cho người đàn ông vụng về.
Anh ngậm ngùi, mẹ anh mất sớm, vợ lại bỏ đi, không nhờ hàng xóm anh biết nhờ ai. Anh nói ngại nhất là những lần ẵm con chạy hỏi mà gặp mấy ông bạn nhậu, họ cười ầm ầm khi anh phải… làm công việc của đàn bà.
Mặt bé Bình bị nhiều lang ben do lây từ cha mình bởi vui, buồn hay thích chí, bé đều thích dụi đầu vào ngực cha.
Để tiện chăm sóc con, anh bỏ làm ruộng, để đi phụ mổ heo với giờ giấc linh hoạt hơn. 3 giờ sáng, anh đã thức, ủ sữa cho con gái, anh quấn con vào hai lớp chăn, cột con lên vai, chạy dọc trên đoạn đường khuya vắng. Tới nơi, anh mắc vội chiếc võng, thả con gái vào bên trong, vừa làm vừa đưa con ngủ.
Những mảng lang ben của tình yêu thương
Đứa con gái bé bỏng không mạnh mẽ bằng cha, sương gió đêm khuya khiến nó cứ bị viêm phế quản, viêm phổi, ho sốt suốt một thời gian dài. Con gái nóng sốt, con gái tè dầm, hay khóc lóc đòi ăn chiếm hết thời gian của 'kiếp gà trốn'g. Vì vậy anh cũng đỡ tủi thân với những câu đùa giỡn ác ý của vài người bạn.
Anh nói một hai năm nữa phải xây cái phòng cho Bình ngủ riêng, bé lớn rồi không cho quấn ba nhiều nữa.
Anh Thuận xoa xoa hai bàn tay, mặt cúi gầm cười gượng: “Bình bị hở van tim hai lá, đợi khi sức khỏe nó ổn định, tôi mua thuốc cho nó uống tạm rồi dẫn nó về quê, đi làm để dành tiền rồi quay lên trị cho nó. Biết bệnh này khó, nó vào khám mà tôi ngồi ngoài tim cứ đập thình thịch, sợ lắm.
Người ta thấy nó dễ thương cũng xin hoài đó nhưng hai cha con tôi thủ thỉ quen rồi. Tôi không xa con được, thôi để ráng đi làm chữa bệnh cho con”.
Bé Bình như cỏ dại ven đường, lây lất lớn lên theo những giọt mồ hôi cùng hơi ấm không có gì thay thế được của cha. Càng lớn cô bé càng quấn lấy cha mình, mỗi lần bé ngượng ngùng, quấy khóc hay đơn giản gặp điều gì thích chí, bé đều ôm cha thật chặt.
Anh Thuận thà ăn rau, ăn cháo với con chứ ai đưa anh 100 triệu anh cũng không cho con mình.
Anh Thuận cười gượng: “Tại tôi bị lang ben mà không chịu phòng cho con, cứ để nó dụi mặt vào. Nó bị lây lang ben, tôi cũng bực bội mình lắm. Mặt con nhỏ cứ lốm đốm mà nói hoài nó cũng không nghe, cứ hở ra là dụi mặt vào ngực tôi thôi.”
Có thể bé Bình cảm nhận được ngực cha là nơi bình yên nhất trong cuộc đời mình, nên con bé cứ dụi vào mãi không thôi. Để những mảng lang ben của tình yêu thương cứ ngày một nhiều lên trên gương mặt thơ trẻ. Khen bé đẹp, bé lại ngượng ngùng, lại úp mặt vào ngực cha, cười khúc khích.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.