Chịu đựng vì con?

06/12/2019 - 14:00

PNO - Các căn nhà xung quanh đều lố nhố bóng người đứng trên lầu nhìn ra, nửa tò mò nửa ái ngại. Thời điểm này nhà nhà đã bớt đèn, đi ngủ, sao vẫn còn cảnh xô xát ầm ĩ thế này?

Giữa khuya, đâu đó bỗng lao xao ồn ào, chẳng biết có hỏa hoạn hay điều gì bất trắc nữa. Tôi mở cửa, lo lắng chạy ra ban-công trong tiếng la hét ngày càng lớn. Hai đứa con tôi lập tức bám theo mẹ, cùng ngó nghiêng xuống đất. Giờ thì đã nhận ra giọng của vợ chồng hàng xóm kề bên, cùng với bà mẹ chồng mới từ quê vào ở chung được ít tháng.

Các căn nhà xung quanh đều lố nhố bóng người đứng trên lầu nhìn ra, nửa tò mò nửa ái ngại. Thời điểm này nhà nhà đã bớt đèn, đi ngủ, sao vẫn còn cảnh xô xát ầm ĩ thế này?

Chiu dung vi con?
 

Tim tôi thắt lại khi nghe tiếng bé Su nhà đó kêu thét hoảng loạn. Âm thanh của dao kéo, đánh đấm nhau huỳnh huỵch. Bà nội con Su khóc to. Giọng đàn ông gầm thét trong cơn điên dại, hòa với tiếng riết róng của mẹ con Su… Tất cả tạo thành một mớ âm thanh hỗn độn thê thảm, xóa tan mọi yên bình của con phố. Một ai đó nói to: “Gọi công an ngay đi, lỡ có gì…”.

Tôi giật mình ngó xuống, thấy con gái nhỏ đang níu chặt lấy tay mình. Mắt nó rơm rớm vì sợ. Su học chung trường với con gái tôi, hai đứa thi thoảng cũng qua nhà chơi đồ hàng với nhau. Ngay lúc đó, giọng bé Su gào lên thất thanh: “Ba ơi, đừng chém mẹ!”.

Tôi vội vàng lùa hai đứa con mình trở lại phòng ngủ. Tay chân của mẹ lẫn con đều run bắn, dẫu chẳng liên quan gì tới mình. Đối với bọn trẻ con mà nói, tuy không tận mắt chứng kiến, nhưng âm thanh từ ngôi nhà sát vách kia vọng sang chắc cũng đủ để chúng trằn trọc đêm nay rồi. Tôi thật cũng chưa nghĩ ra, mình nên vỗ về an ủi con ra sao cho phải, chỉ biết trấn an: “Không sao, có mẹ đây, chút nữa là xong thôi, các con ngủ đi…”.

Đây nào phải lần đầu tiên cha mẹ bé Su gây gổ cãi cọ. Cũng không phải là cặp đôi duy nhất trong xóm này choảng nhau tới mức người ngoài biết được. Thời buổi mỏi mệt áp lực, ai nấy đều khó kiềm chế bản thân hơn thì phải. Cảnh “đóng cửa bảo nhau” ngày càng hiếm hơn. Chẳng còn mấy đôi vợ chồng lịch sự hẹn nhau ra quán xá công viên tranh cãi, tránh để con cái nhận thấy mà buồn phiền.

Chiu dung vi con?
Ảnh minh họa

Tôi nằm thao thức đợi tiếng khóc tiếng la dần lắng xuống. Nghĩ thương bé Su. Những đêm như thế này sẽ ám ảnh con bé cả đời. Nghĩ thương bà nội nó. Nãy nghe bà nức nở: “Sao con làm mà không nghĩ tới mẹ cha, con cái vậy hả con?”, thật đau lòng. Chẳng biết hôm nay ba con Su có uống nhiều rượu bia không mà hành xử côn đồ đến mức đòi giết người. Mẹ của Su từng nói với tôi rằng: “Vì con nên mới còn ở lại”, nhưng luôn kiếm chuyện thách thức mỗi khi chồng say xỉn. Kết quả, nhà họ cứ ba bữa lại quậy tung một trận tưng bừng…

Nhớ ngày tôi còn nhỏ, ba tôi cũng hay đi nhậu. Mỗi lần ba về trễ là lũ con nơm nớp. Chẳng biết điều gì sẽ xảy ra khi ma men dẫn lối ba về nhà... Ba má tôi cũng hay cãi nhau, thậm chí đánh nhau trong mấy năm chị em tôi thơ bé. Từng có một lần, trong cơn phẫn uất, đứa em trai kế tôi đã buông một câu hằn học: “Sao ba má không bỏ nhau luôn đi, cho tụi con đỡ khổ!”.

Đó là bởi, má tôi hay viện dẫn lý do “sống vì con”, hoặc “tôi vì thương con mới cắn răng chịu đựng cảnh này” mỗi khi đấu khẩu với ba. Nghe thì tội nghiệp, nhuốm màu hy sinh thiệt thòi. Nhưng khi chúng tôi trưởng thành, thâm tâm đều nghĩ, giá như cha mẹ chọn một lối đi khác, dứt khoát hơn, thì chắc cuộc đời chúng tôi đã chẳng chênh vênh tổn thương thế này.

Tôi nhiều lần nhìn cảnh vợ chồng chửi mắng xúc phạm nhau, đánh đấm nhau không ra gì, phản bội, sỉ nhục nhau. Lúc đó, họ hầu như quên mất, con mình mới là nạn nhân thật sự của cảnh sống ấy. Xong rồi lại hay viện dẫn lý do “vì con” để giải thích cho việc vẫn duy trì cuộc hôn nhân tạm bợ, nửa vời đó. Miệng nói “vì con” nhưng hành xử thì bất chấp, không ai muốn chịu thua, toàn đặt cái tôi to lớn của mình lên trên hết. Cuối cùng, chỉ mấy đứa trẻ con là gánh đủ… 

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI