Chịu đựng dẫn đường cho bạo lực

26/02/2020 - 09:42

PNO - Nạn bạo hành gia đình với những người chồng xuống tay hành hạ vợ mình đến thương tích đầy cơ thể, lắm khi tổn thương nội tạng, tan nát con tim… đã hiện diện trong đời sống chúng ta tự bao giờ?

Tháng 11/2019, người vợ tên M. (ngụ xã Suối Dây, H.Tân Châu) bị chồng đánh, và quăng vợ xuống hồ, thậm chí dùng tay nhấn đầu vợ xuống nước. Sau khi vợ trèo được lên bờ, anh ta còn tiếp tục đánh vợ ngay trước mặt đứa con hai tuổi.

Nhờ có camera ghi lại nên vụ việc mới bị vỡ lỡ. Nếu không, chẳng biết đến bao giờ chị M. mới thoát khỏi người chồng hung thần này. Sự bạo hành của anh ta, không chỉ gây thương tích cho người vợ đầu ấp tay gối, mà còn là một vết thương hằn sâu vào tâm hồn đứa con nhỏ của họ. May mắn là chị M. đã thoát được cuộc hôn nhân này, với quyết định ly hôn và mức án ba tháng tù giam cho hành vi “cố ý gây thương tích” của người chồng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những tâm sự của chị tại phiên tòa thấm đẫm nước mắt: “Phụ nữ lập gia đình, ai cũng mong mình hạnh phúc, được chồng yêu thương trân trọng, cùng nhau kiếm tiền nuôi con, cùng nhau gánh vác và chia sẻ khó khăn. Nhưng em không may mắn có được điều đó.
Anh làm thì anh cất tiền riêng, nhà thiếu gì thì anh tự mua. Em coi sóc hồ bơi gia đình, mua bán thêm ít quà bánh lặt vặt, và dùng tiền đó chi tiêu cho cuộc sống gia đình. Lắm khi vợ chồng bất hòa, nhưng đâu dám làm phiền cha mẹ, vì ai cũng bận rộn với cuộc sống của họ. Hơn một năm nay, tụi em không còn tiếng nói chung cũng từ tiền bạc, quan hệ xã hội, bạn bè... Vợ chồng chung nhà mà cứ như xa lạ, không ai nói với ai tiếng nào. Ai về trước ăn cơm trước. Người về sau hết cơm thì đi ăn tiệm. 

Cứ nghĩ là vợ chồng giận nhau lâu, cứ im lặng thì bất hòa sẽ hết. Nhưng không phải vậy. Em ước gì thời gian quay lại, để không có một ngày phải đối diện nhau tại tòa như hôm nay”.

“Vợ chồng giận nhau thì cứ im lặng rồi bất hòa sẽ hết”, không chỉ là quan niệm của riêng chị M. mà còn là cách nghĩ của nhiều phụ nữ. Bởi ai cũng có lòng tự trọng và tự ái của riêng mình. Nếu mình bắt chuyện trước, sợ bên kia sẽ cho rằng mình xuống nước, mình cần họ. Đàn ông cũng nghĩ như vậy. Lòng tự trọng và tính tự ái của họ có khi còn cao hơn cả phụ nữ. Cứ như vậy, vợ chồng im lặng nhìn nhau và "thi gan” xem ai sẽ mở miệng làm hòa trước. 

Chị P.N.N. (ngụ tỉnh An Giang) cũng là nạn nhân của bạo hành, nhưng là bạo hành tinh thần. Sau khi lấy chồng, chị phải đưa tiền lương của mình cho mẹ chồng giữ hết. Chị lao động cật lực, tăng ca liên tục mới đủ tiền nuôi sống gia đình gồm mẹ chồng, chồng, bản thân và đứa con mới sinh. Lương của chồng, mẹ anh bảo: “Để làm việc lớn”. Và đau đớn thay, việc lớn của anh chính là nuôi một cô bồ nhí khi đứa con chung của họ vừa tròn một tuổi. N. nhờ mẹ chồng can thiệp thì bà nói ráo hoảnh: “Đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường. Con cứ yên tâm ở nhà với mẹ, đi làm nuôi con. Chồng con chơi chán thì tự khắc quay về thôi”. Mấy tháng sau, chồng quay về thật, nhưng là quay về để… lấy tài sản đem đi mất biệt. Ngay cả chiếc xe máy mà chị N. mua trả góp để làm chân đi làm cũng bị chồng “mượn” không hẹn ngày trả. Gọi vào máy anh thì luôn trong tình trạng “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…”.

Chị N. chưa ly hôn vì cho rằng con mình còn quá nhỏ, mẹ ruột rất nghèo, không thể về nương tựa, nên nấn ná ở lại với mẹ chồng để có bà phụ nuôi con. Thế rồi bồ nhí của chồng tìm tới bảo chị N. “nhường chồng” bằng những lời lẽ vô cùng khó nghe và đầy thách thức. Đau đớn vì chồng phụ bạc ít hơn vì tình nhân của chồng nhục mạ, nên chị N. kiên quyết ly hôn khi đứa con đã hơn bốn tuổi. 

Mẹ chồng lại mang điệp khúc “đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường…” ra để níu kéo chị N. Uất quá, chị N. hỏi lại: “Vậy chồng của mẹ cũng năm thê bảy thiếp thì mẹ có đồng ý không?”. Bà mắng chị N. hỗn hào, mất dạy nên… không thèm níu kéo nữa.
Nhờ vậy mà chị N. mới được ly hôn. Giờ chị N. sống bình an bên mẹ ruột, chị không đi làm công nhân nữa mà nhận quần áo về may gia công, vừa được gần con, vừa có thu nhập ổn định.

Chuyện của chị S. thì lại khác. “Nhà chồng có dịch vụ karaoke, nên hễ có tiếp viên nữ xinh đẹp là chồng em lại đứng ngồi không yên. Nhiều lần em tỏ ý ghen tuông thì bị chồng đánh, vì dám can thiệp vào chuyện riêng của anh”.

 “Con em còn quá nhỏ, em phải nín nhịn để còn được ở nhà chồng, có điều kiện tốt để nuôi con, thân em chịu cực chịu nhục sao cũng được, miễn con em được đầy đủ. Nhưng đến ngày 8/2 vừa rồi, sau trận đòn dã man của chồng bằng dây nịt và những cú đấm, đá như trời giáng thì em không nhịn được nữa”. chị S. vừa kể vừa rưng rưng lau nước mắt.

Thì ra, cánh cửa cho bạo hành tiến sâu vào hôn nhân chính là sự nín nhịn vô lý của người vợ. Ông bà ta có câu “được đằng chân, lân đằng đầu”, nên chỉ một lần nín nhịn vô lý, để một nắm đấm vung lên, thì sẽ là tiền lệ xấu cho những lần sau.

Chấm dứt nạn bạo hành phụ nữ là một mơ ước còn lâu lắm mới thành hiện thực. Nhưng để giảm thiểu số vụ bạo hành trong gia đình, thì ngay từ bây giờ, người phụ nữ phải có ý thức tự bảo vệ chính mình. Đừng nín nhịn, im lặng và chờ đợi mọi thứ sẽ qua đi. Sẽ chẳng có gì qua đi đâu, ngoài thanh xuân và hạnh phúc của chính bạn. 

Trang Đào

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thu 26-02-2020 22:19:25

    Sao kg ai nghĩ đến việc bắt buộc phụ nữ học võ trước khi lấy chồng, phải biết võ mới được lấy chồng? Đâu cần đai đỏ đai đen gì, chỉ cần vài cú né đòn, quật (loại võ tự vệ như Judo, Aikido) là đủ. Cứ thử tưởng tượng ông chồng vừa tát vợ và vợ lấy thế quật 1 cú té cho ê ẩm là xong phim ngay. Đố ông nào dám đánh lần thứ 2. Sẽ tránh được cả cảnh cả nhà chồng xúm lại đánh con/em dâu...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI