Chịu đựng bà mẹ kỳ lạ

09/08/2023 - 10:53

PNO - Mẹ em đang trong thời gian làm quen dần, bà sẽ quen thôi. Mai này bà sẽ bận rộn nào con nào cháu đến không còn thời gian ấy chứ.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em năm nay 27 tuổi. Từ khi lớn lên, em đã muốn sống riêng nên chọn đi học xa và sống tự lập. Nay em đã lập gia đình, sắp sinh con đầu lòng. Mẹ em từ quê vô để giúp em sinh nở và chăm cháu, vì em không về nhà mẹ sinh con.

Gần 1 tuần rồi, sau những vui vẻ mừng rỡ ban đầu, giờ em lại thấy khó chịu với mẹ. Mẹ em còn khỏe, bà rất xông xáo làm đủ chuyện trong nhà, nhưng bà sống theo kiểu khác em.

Chuyện gì trong nhà em bà cũng có ý kiến, chê bai, cho rằng không đúng, không bằng nhà của mẹ ở quê. Đi chợ thì vật giá đắt đỏ, đi siêu thị thì rau không tươi, thịt cá đông lạnh; nấu ăn thì dầu ăn không ngon bằng dầu đậu phụng ở nhà mẹ.

Đặc biệt khó chịu là mẹ không tôn trọng phòng riêng của em. Bất cứ khi nào mẹ muốn là mở cửa vô, cái gì cũng xem, cũng coi, từ chai nước hoa cho đến quần áo lót. Em nói chuyện với ai đó trên điện thoại là ngay sau đó mẹ sẽ hỏi người đó là ai, chuyện gì, rồi nhận xét như là mình biết hết vậy.

Chồng em tôn trọng mẹ và cũng muốn mẹ đỡ đần cho em, nhưng em biết anh cũng rất khó chịu, không gian riêng của vợ chồng bị xâm phạm nghiêm trọng. Mẹ còn lân la với hàng xóm, kể lể đủ thứ nữa. Chung cư nhà em toàn dân đi làm, em biết nhiều lúc người ta cũng khó chịu nhưng chẳng lẽ lại quay lưng đóng cửa với bà.

Chỉ hơn tuần nữa em sinh, không biết làm sao để có thể chung sống hòa hợp, thoải mái với mẹ. Em cũng muốn có mẹ ở lại trong thời gian sinh nở, nhưng nếu bà cứ như thế này, em không thể bình thường, vui vẻ được. Xin chị cho em lời khuyên.

Mi Phương (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Mi Phương thân mến, 

Không gian của mình, do mình tạo lập nên, là một phần gắn liền với bản thể của mình. Em đã kiến tạo nên mọi thành phần của không gian gia đình mình, tổ chức nó theo thói quen, tính cách của vợ chồng em. Vì vậy, khi thêm 1 người nữa vào, không gian ấy chắc chắn sẽ bị xáo trộn, mình sẽ khó chịu.

Dù đó là mẹ đẻ, là người mình yêu thương, nhưng với không gian ấy, bà là yếu tố mới, một yếu tố lạ lẫm. Em thấy khó, chắc chắn mẹ em cũng thấy khó. Nhưng thay đổi tính cách của một người khó hơn thay đổi đặc tính của một không gian. Mình phải chủ động tìm cách sắp xếp, bố trí lại, chấp nhận một số thay đổi thì mẹ mới ở lại chăm lo cho em được.

Mặt khác, sinh nở mẹ tròn con vuông, gia đình em cũng sẽ có thêm thành viên mới: đứa bé. Mà thành viên mới này thì không nghe lời ai đâu nhé, mọi chuyện khác sẽ phải xoay xung quanh bé thôi. Nói vậy để em thấy mình không muốn thay đổi cũng không được.

Em sắp xếp phòng riêng hay không gian riêng cho mẹ. Chú ý xem bà thích gì, thích xem ti vi, gọi điện thoại hay làm việc gì riêng thì bố trí trong phòng bà để bà được tự do tập trung vào việc mình thích.

Rảnh rỗi, em đưa bà xuống khu sân vườn, công viên chung cho mẹ đi bộ, thể dục nhẹ nhàng để mẹ thoải mái đầu óc, có không gian thoáng đãng. Tránh việc bắt bà tù chân ru rú cả ngày trong nhà, bà bức bối khó chịu thì cái gì cũng không vừa mắt.

Chuyện bà so sánh, nhận xét, em bỏ qua đi. Ở với con gái thì so sánh, chê bai vậy thôi; mai kia bà về nhà, bà sẽ lại tự hào kể cho hàng xóm láng giềng bao nhiêu cái hay cái tốt ở thành phố, ở nhà con gái.

Hãy thông cảm cho nỗi nhớ nhà và sự lạ lẫm của mẹ. Khi người ta lạ lẫm, phản ứng so sánh và thích những thứ quen thuộc hơn là chuyện tất nhiên. Mẹ em đang trong thời gian làm quen dần, bà sẽ quen thôi. Mai này bà sẽ bận rộn nào con nào cháu đến không còn thời gian ấy chứ.

Giờ em hãy tập trung vào con và chuẩn bị cho cuộc sinh nở sắp tới. Chúc em có mẹ bên cạnh để lần vượt cạn đầu tiên được vuông tròn suôn sẻ nhé.

Hạnh Dung 

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI