Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Huế. Ở vùng đất có bề dày lịch sử hình thành và phát triển gần 720 năm, trong tâm khảm người dân, Huế luôn là niềm tự hào. Và nay, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương còn là niềm tự hào của người dân cả nước.
|
Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương |
Ông Bùi Ngọc Long (phường Trường An TP. Huế) hàng ngày vẫn theo dõi theo thông tin từ kỳ họp. Ngoài những nội dung trọng đại của đất nước quan tâm đến kỳ họp khi Quốc hội tập trung thảo luận Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án).
“Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, ĐBQH tán thành rất cao Đề án và cũng đánh giá cao quá trình nỗ lực phấn đấu của tỉnh, đặc biệt trong công tác bảo tồn di sản. Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, tôi vô cùng phấn khởi và tự hào”, ông Long tâm sự.
|
Quốc Hội đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, với tỷ lệ 95,62% đại biểu quốc hội tán thành |
Trước đó, tại các phiên thảo luận ở hội trường tại kỳ họp của Quốc hội về Đề án, nhiều ĐBQH đã khẳng định thời điểm chín muồi để đưa Huế “lên Trung ương”.
Tại phiên giải trình ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ: “Tôi cảm nhận trong ý kiến phát biểu của các ĐBQH có những cảm xúc vui, phấn khởi, tự hào về đất nước Việt Nam, về tương lai phát triển của thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam, đó là Huế.
Ý kiến phát biểu các đại biểu chất chứa tất cả những suy nghĩ, mong muốn, kỳ vọng và đề xuất những nội dung để Huế xứng đáng là một thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương; đồng thời làm sao để Huế phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm với mong đợi của Quốc hội, của ĐBQH, của Bộ Chính trị, của Trung ương và của dân tộc Việt Nam”.
|
TP Huế hiện tại được chia thành 2 quận Phú Xuân, Thuận Hoá |
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có diện tích 4.947,11 km2, dân số 1.236.393 người; 9 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); 133 ĐVHC cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02%.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt 11.350 tỉ đồng; chi ngân sách 10.487 tỉ đồng; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 73.230 tỉ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng (2.665 USD/người), tăng 9,5% so cùng kì, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27%; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng: Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế (91,06%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31.000 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2022.
|
TP Huế sẽ phát triển hài hoà dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản |
Đề án không chỉ giúp người dân hình dung về đô thị di sản đặc biệt, mà đã cụ thể hoá các định hướng phát triển kinh tế của thành phố Huế. Điển hình như tập trung phát triển mạnh công nghiệp về chiều rộng và chiều sâu theo hướng hiện đại; phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số; hình thành các khu đô thị cảng biển quốc tế, khu khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực; phát triển ngành dịch vụ thương mại và kết cấu hạ tầng thương mại của tỉnh theo hướng hiện đại hóa; phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đến thời điểm hiện tại, TP Huế là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì tên gọi tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ đổi thành thành phố Huế và TP Huế hiện tại được chia thành 2 quận Phú Xuân, Thuận Hoá.
Sau khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương được thành lập, đề nghị Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục có biện pháp cải thiện và nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nguồn vốn đầu tư đa dạng trên địa bàn, thúc đẩy quá trình phát triển ổn định.
Bảo đảm cân đối, hài hoà dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố Huế.
Định hướng mô hình tổ chức đơn vị hành chính thành phố Huế Giai đoạn từ năm 2025 - 2030: Thành phố Huế trực thuộc Trung ương với các ĐVHC cấp huyện gồm: 3 quận (quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa, thành lập quận Hương Thủy trên cơ sở thị xã Hương Thủy), 2 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và các huyện. Xây dựng đô thị Chân Mây (gồm khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng đến thị trấn Phú Lộc, các xã ven biển huyện Phú Lộc hiện hữu) đạt tiêu chí đô thị loại III. Giai đoạn từ năm 2030 - 2045: Thành phố Huế trực thuộc Trung ương với các ĐVHC cấp huyện gồm: 4 quận (quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa, quận Hương Thủy, quận Hương Trà), 1 thành phố (Chân Mây), 1 thị xã là Phong Điền và các huyện. Xây dựng huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu trở thành thị xã. Giai đoạn từ năm 2045 đến năm 2065: Thành phố Huế trực thuộc Trung ương ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận là quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa, quận Hương Thủy, quận Hương Trà; 1 thành phố (Chân Mây); các thị xã và các huyện. |