Chính thức công bố Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương – TPP 11

21/02/2018 - 15:46

PNO - Phiên bản cuối cùng của thỏa thuận cắt giảm rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế ở Châu Á Thái Bình Dương vừa được công bố vào thứ Tư 21/2.

Hơn 20 quy định đã bị đình chỉ hoặc thay đổi trong văn bản cuối cùng trước lễ ký kết chính thức vào tháng 3/2018, bao gồm các quy tắc về sở hữu trí tuệ vốn nằm trong yêu cầu của Mỹ.

Thỏa thuận ban đầu với quốc gia 12 thành viên nhanh chóng rơi vào khủng hoảng hồi đầu năm 2017, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước nhằm bảo vệ nguồn việc làm cho người dân Mỹ.

Từ đó, 11 nước còn lại, do Nhật Bản dẫn đầu đã hoàn thành một hiệp định thương mại sửa đổi vào tháng 1/2018, gọi là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dự kiến ​​sẽ ký kết tại Chilê vào ngày 8/3.

Thỏa thuận giúp giảm mức thuế quan giữa các nền kinh tế thành viên hiện tại là Úc, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Khu vực chiếm tổng số hơn 13% GDP toàn cầu (10 nghìn tỷ USD).

Chinh thuc cong bo Hiep dinh thuong mai xuyen Thai Binh Duong – TPP 11
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Xuất khẩu New Zealand, David Parker nói chuyện với các phóng viên trong cuộc họp báo về văn bản sửa đổi của Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa thông qua tại Wellington, New Zealand, ngày 21/2/2018. (Ảnh: Reuters)

Những thay đổi lớn nhất của TPP 11 là việc đình chỉ hầu như toàn bộ các điều khoản vốn được đưa vào TPP 12 theo yêu cầu của Mỹ, chẳng hạn như các quy tắc tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ cho dược phẩm, có thể sẽ làm tăng chi phí thuốc men.

Sự thành công của thỏa thuận này được các quan chức Nhật Bản và nhiều nước thành viên khác đánh giá là đòn bẩy tích cực, nhằm thôi thúc Washington quay lại bàn đàm phán.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand, David Parker nói: "CPTPP trở nên quan trọng hơn, vì hiệu quả của các quy định từ Tổ chức Thương mại Thế giới dần giảm sút trước những mối đe dọa mới".

Tháng 1/2018, Tổng thống Trump phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ rằng Washington có thể sẽ xem xét lại hiệp ước nếu đạt thỏa thuận tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Parker cho biết hôm thứ Tư rằng triển vọng Mỹ quay lại bàn đàm phán trong hai năm tới là "rất khó xảy ra".

Thậm chí ngay cả khi Washington bày tỏ mong muốn gia nhập CPTPP, không có gì đảm bảo rằng các thành viên khác sẽ chấp thuận lại những điều ước đã đình chỉ.

Ông Parker hy vọng thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc trong nửa đầu năm 2019.

Tấn Vĩ (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI