Chỉnh sửa gen kháng HIV ở Trung Quốc có thể ‘vô tình’ tăng cường trí não

22/02/2019 - 14:00

PNO - Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ cho thấy thí nghiệm chỉnh sửa gen gây tranh cãi ở Trung Quốc nhằm giúp trẻ em kháng HIV có thể “vô tình” tăng cường khả năng học tập và hình thành trí nhớ.

Theo các nhà khoa học, bộ não của cặp bé gái song sinh Lulu và Nana, được chỉnh sửa gen và chào đời năm ngoái ở Trung Quốc, có thể đã thay đổi theo hướng tăng cường nhận thức và trí nhớ.

Cặp song sinh được một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc do tiến sĩ Hạ Kiến Khuê đứng đầu thực hiện chỉnh sửa gen bằng một công cụ có tên là CRISPR. Mục tiêu của thí nghiệm là làm cho các bé gái này miễn nhiễm với HIV, loại virus gây ra căn bệnh AIDS.

Chinh sua gen khang HIV o Trung Quoc co the ‘vo tinh’ tang cuong tri nao
Tiến sĩ Hạ Kiến Khuê (phải) đang thực hiện thí nghiệm chỉnh sửa gen - Ảnh: Getty Images

Tân Hoa Xã hôm 21/1 đưa tin, điều tra sơ bộ cho thấy Tiến sĩ Hạ Kiến Khuê đã vi phạm quy định, tự làm thí nghiệm cho ra đời những đứa trẻ được chỉnh sửa gen và ngụy tạo các tài liệu đánh giá. Nhà chức trách Trung Quốc buộc nhà khoa học này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vì đã tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới. Sau khi ông Hạ công bố thông tin về hai trẻ chỉnh sửa gen ra đời tháng 11/2018, chính quyền đã vào cuộc điều tra những sai phạm của ông ta.

Giờ đây, nghiên cứu mới cho thấy sự thay đổi đưa vào DNA của các bé gái, xóa đi một gen có tên CCR5, không chỉ giúp chuột thông minh hơn mà còn cải thiện khả năng phục hồi não của con người sau đột quỵ và có thể liên quan đến kết quả học tập tốt hơn ở trường.

Alcino J. Silva, nhà sinh học thần kinh Đại học California, Los Angeles (Mỹ), người đã phát hiện ra vai trò mới quan trọng của gen CCR5 trong trí nhớ và khả năng hình thành những kết nối mới của não nói rằng: “Câu trả lời là có và sự chỉnh sửa ảnh hưởng đến bộ não con người”.

Trước đó, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ hạ Kiến Khuê thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam ở Thâm Quyến tuyên bố họ đã sử dụng công cụ chỉnh sửa CRISPR để xóa CCR5 khỏi phôi người, một số phôi sau đó được dùng để thụ thai. Gen CCR5 là cầu nối để HIV xâm nhập vào tế bào máu của con người.

Thí nghiệm đã bị lên án rộng rãi là vô trách nhiệm và ông Hạ đang bị điều tra tại Trung Quốc. Tin tức về những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên cũng gây ra suy đoán về khả năng một ngày nào đó công nghệ CRISPR có thể được sử dụng để tạo ra con người siêu thông minh, có lẽ sẽ trở thành một phần của cuộc đua công nghệ sinh học giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chinh sua gen khang HIV o Trung Quoc co the ‘vo tinh’ tang cuong tri nao
Tiến sĩ Hạ Kiến Khuê tiến hành chỉnh sửa gen người nhằm loại bỏ gen CCR5 gây bệnh AIDS - Ảnh: AP

Các nhà khoa học Mỹ cho rằng, mặc dù ông Hạ không bao giờ tham vấn ý kiến ​​các nhà nghiên cứu não bộ, nhưng ông ta chắc chắn nhận thức được mối liên hệ giữa CCR5 và nhận thức. Vấn đề này được trình bày lần đầu tiên vào năm 2016 bởi hai nhà nghiên cứu Zhou và Silva với phát hiện việc loại bỏ gen CCR5 khỏi chuột giúp cải thiện đáng kể trí nhớ của nó. Nhóm nghiên cứu đã xem xét hơn 140 thay đổi di truyền khác nhau để tìm ra cách làm cho chuột thông minh hơn.

Tác giả Silva cho biết trong quá trình nghiên cứu, đôi khi anh ta tương tác với các nhân vật ở Thung lũng Silicon và Trung Quốc, nơi dường như có mối quan tâm “không lành mạnh” đến việc cho ra đời những em bé có bộ não ưu việt. Đó là lý do tại sao khi có tin cặp song sinh chào đời ngày 25/11/2018 tại Trung Quốc ông đã tự hỏi liệu có phải đó là một nỗ lực cho loại thay đổi theo hướng này không, và cảm thấy ghê tởm.

Sau đó, khi gặp tiến sĩ Hạ tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà khoa học chỉnh sửa gen ở Hong Kong,  Silva đã trực tiếp hỏi ông Hạ về vấn đề này và nhận được câu trả lời: “Tôi chống lại việc sử dụng chỉnh sửa bộ gen với mục đích tăng cường (trí não)”.

Thanh Hiền (Theo MITTR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI