Chỉnh sửa gen có thể ngăn chặn sự lây truyền virus SARS-CoV-2 trong tế bào người

15/07/2021 - 11:18

PNO - Theo một nghiên cứu được công bố hôm 13/7, các nhà khoa học Úc đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR để ngăn chặn thành công sự lây truyền virus SARS-CoV-2 trong các tế bào người nhiễm bệnh, kết quả này có thể mở đường cho một phương pháp mới để điều trị COVID-19.

Các nhà nghiên cứu ở Úc cho biết công cụ này có hiệu quả chống lại sự lây truyền của virus trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, họ hy vọng sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm trên động vật - Ảnh: AFP
Công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR ngăn chặn sự lây truyền virus SARS-CoV-2- Ảnh: AFP

Trong bài viết đăng trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu Úc cho biết công cụ CRISPR có hiệu quả chống lại sự lây truyền của virus trong các thử nghiệm thực hiện trong phòng thí nghiệm, họ hy vọng sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm trên động vật.

Công cụ chỉnh sửa gen CRISPR - cho phép các nhà khoa học thay đổi trình tự DNA và sửa đổi chức năng gen - cho thấy có nhiều hứa hẹn trong việc loại bỏ mã hóa di truyền dẫn đến sự phát triển của bệnh ung thư ở trẻ em.

Trong nghiên cứu hôm 13/7, các nhà khoa học đã sử dụng một loại enzyme có tên là CRISPR-Cas13b để liên kết với các trình tự RNA trong virus SARS-CoV-2 và làm suy giảm bộ gen nó cần để tái tạo bên trong tế bào người.

Tác giả chính của nghiên cứu, bà Sharon Lewin thuộc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty của Úc, nói với AFP rằng nhóm đã thiết kế công cụ CRISPR để nhận ra SARS-CoV-2, loại virus gây ra đại dịch COVID-19.

Bà Lewin nói: “Một khi virus được nhận dạng, enzyme CRISPR sẽ được kích hoạt và cắt nhỏ virus”.

"Chúng tôi nhắm mục tiêu vào một số bộ phận của virus - những bộ phận rất ổn định, không thay đổi và những bộ phận có khả năng thay đổi cao - và tất cả đều hoạt động rất tốt trong việc băm nhỏ virus”, bà Lewin cho biết.

Kỹ thuật này cũng thành công trong việc ngăn chặn sự nhân lên của virus trong các mẫu được gọi là "các biến thể đáng quan tâm" như biến thể Alpha của SARS-CoV-2.

Mặc dù đã có một số loại vắc xin COVID-19 trên thị trường, nhưng các lựa chọn điều trị sẵn có vẫn tương đối khan hiếm và chỉ có hiệu quả từng phần.

Bà Lewin nói rằng “cần có phương pháp điều trị COVID-19 tốt hơn” và khẳng định công cụ này có thể hữu hiệu trong việc điều trị căn bệnh, nhưng việc sử dụng kỹ thuật CRISPR rộng rãi trong y học có lẽ phải mất "vài năm, chứ không phải chỉ vài tháng".

Bà Lewin nói: “Chúng ta vẫn cần những phương pháp điều trị tốt hơn cho những bệnh nhân COVID-19  nhập viện, vì các lựa chọn hiện tại của chúng tôi ở đây còn có hạn chế và tốt nhất mới có thể giúp giảm nguy cơ tử vong xuống 30%”.

Bà cho biết phương pháp điều trị “lý tưởng” sẽ là một loại thuốc kháng virus đơn giản, một loại thuốc uống, được cấp cho bệnh nhân ngay sau khi họ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Điều này sẽ giúp họ tránh được tình trạng bệnh nặng lên và giảm bớt áp lực đối với các bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe.

"Cách tiếp cận này – bao gồm xét nghiệm và điều trị - sẽ chỉ khả thi nếu chúng ta có một loại thuốc uống kháng virus rẻ tiền và không độc hại. Đó là những gì chúng tôi hy vọng sẽ đạt được một ngày nào đó nhờ phương pháp chỉnh sửa gen của mình", bà Lewin nói.

Đồng tác giả Mohamed Fareh thuộc Trung tâm Ung thư Peter MacCallum nói rằng một lợi ích khác của nghiên cứu là khả năng áp dụng cho các bệnh khác do virus gây ra.

Ông Fareh nói: “Không giống các loại thuốc kháng virus thông thường, sức mạnh của công cụ này nằm ở tính linh hoạt trong thiết kế và khả năng thích ứng, khiến nó trở thành “một loại thuốc” phù hợp để chống lại vô số loại virus gây bệnh trong đó có bệnh cúm, Ebola và có thể cả HIV”.

Thanh Hải (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI