Chính sách thị thực cản bước du khách quốc tế

05/10/2022 - 07:22

PNO - Theo Tổng cục Thống kê, trong chín tháng đầu năm 2022, có hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Kết quả này cao gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa có dịch COVID-19.

“Với diễn biến của dịch bệnh và tình hình kinh tế thế giới biến động như hiện nay, trong 5-10 năm tới, ngành du lịch cũng chỉ có thể đón từ 5-10 triệu lượt khách, khó đạt được 20 triệu lượt như năm 2019” - một chuyên gia du lịch nhận định như vậy với Báo Phụ Nữ TPHCM. Theo ông, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay phần lớn là những người sang thăm thân nhân, công tác, chưa có nhiều người đến du lịch.

Du khách quốc tế tham quan TP.HCM - ẢNH: MINH AN
Du khách quốc tế tham quan TPHCM - Ảnh: Minh An

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nếu chính sách cấp thị thực (visa), xin thị thực trực tuyến (E-visa), ứng dụng số không thay đổi, lĩnh vực du lịch sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Việc xin visa trực tuyến ở Việt Nam đang thuộc nhóm chậm nhất trong khu vực châu Á. Singapore hay Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) cho phép du khách khai báo thủ tục trực tuyến, nhận kết quả sau vài giây. Từ đó du khách có thể chủ động đặt vé, dịch vụ trong khi ở Việt Nam, du khách phải chờ nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Chính sách visa của Việt Nam cần thông thoáng hơn, rút ngắn thời gian làm thủ tục, duyệt hồ sơ.

“Khách du lịch quốc tế có xu hướng kết hợp đi nhiều nước. Chẳng hạn, họ đến Thái Lan, Singapore rồi qua Việt Nam nhưng nếu chính sách nhập cảnh không thuận lợi, họ sẽ chọn một quốc gia khác trong khu vực thay cho Việt Nam” - vị này nói. 

Vị chuyên gia du lịch này cũng góp ý, Việt Nam cần sớm đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Ở nhiều nước, khi đi taxi hay vào nhà hàng, du khách không cần hỏi giá hoặc yêu cầu thực đơn (menu) bởi tất cả đều có mã vạch (QR code) để khách kiểm tra, thao tác và thanh toán trực tuyến. Tại Singapore, du khách mua hàng miễn thuế ở các siêu thị, hàng được chuyển thẳng ra sân bay cho khách, khách chỉ cần visa, hóa đơn để nhận hàng. Mọi thứ được quản lý khoa học, rõ ràng, các doanh nghiệp cũng minh bạch hơn trong việc đóng thuế, hàng hóa cũng được đảm bảo chất lượng hơn.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc tế, Công ty Bến Thành Tourist - khách xin visa vào Việt Nam phải đóng tiền trước để làm thủ tục nhưng không biết có được duyệt hay không, đó cũng là lý do khiến họ ngại chọn du lịch Việt Nam. 

Một số lãnh đạo doanh nghiệp du lịch cho rằng, nếu lượng khách quốc tế đến Việt Nam trở lại mức như trước năm 2019 (20 triệu lượt/năm, tổng doanh thu gần 700.000 tỷ đồng) thì hoạt động du lịch sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, tăng thu nhập đáng kể cho các hộ kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ.

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - nhận định, để thu hút được khách quốc tế, chính sách visa phải cởi mở, thông thoáng. Một số du khách Mỹ đi theo đoàn, khi đến Việt Nam, họ muốn ở lại lâu hơn để trải nghiệm thêm nhưng thời hạn visa quá ngắn, chỉ có 15 ngày. Đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á có thời hạn thị thực 30 ngày và có thể gia hạn, trong khi Việt Nam chỉ cấp thị thực trong 15 ngày nên doanh nghiệp khó tổ chức những đoàn quy mô lớn. Ông đề xuất: “Chúng ta nên cấp thị thực 30 ngày cho du khách quốc tế, đồng thời mở rộng danh sách miễn thị thực cho các nước”. 

Cần có văn phòng đại diện du lịch ở các nước

Ông Lê Trương Hiền Hòa đề xuất, ngoài việc tạo thuận lợi trong thủ tục cấp thị thực, Việt Nam cần kéo dài thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ, như tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% không chỉ trong năm 2022 mà duy trì đến hết năm 2023. Ngoài ra, hiện nay, nhiều nước trên thế giới xem trọng ngành du lịch như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc đều đặt văn phòng đại diện về du lịch ở các thị trường trọng điểm và tiềm năng. Việc TPHCM hay Việt Nam chưa có văn phòng đại diện về du lịch ở các thị trường lớn là một trong những hạn chế đối với công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI