Chính sách khuyến sinh không thể mơ hồ

04/06/2024 - 06:00

PNO - Dù đông dân nhất nước nhưng TPHCM lại có mức sinh thấp nhất. Về lâu dài, tình trạng này chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Dường như đang xuất hiện một “thế hệ phụ nữ ngại đẻ” do họ phải đối mặt với nhiều áp lực phía trước như chi phí nuôi dạy con nhiều, bỏ lỡ cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, mất tự do cá nhân, không còn thời gian cho thú vui riêng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kể từ năm 2005 đến nay, trừ năm 2007, TPHCM luôn đứng cuối cả nước về tỉ suất sinh, chỉ 1,24 đến 1,68 con, thấp hơn nhiều so với 2,1 con - mức sinh trung bình để duy trì dân số ổn định.

TPHCM luôn đứng cuối cả nước về tỉ suất sinh - Ảnh minh họa
TPHCM luôn đứng cuối cả nước về tỉ suất sinh - Ảnh minh họa

Mức sinh thấp dẫn đến nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động trẻ, tỉ lệ người cao tuổi gia tăng, tốc độ già hóa dân số bị đẩy nhanh hơn, tạo ra áp lực lớn lên các chính sách dân sinh, xã hội.

Nhưng không chỉ TPHCM mà nhiều tỉnh, thành khác trong nước cũng có mức sinh thấp. Mức sinh thấp cũng là câu chuyện của cả thế giới chứ không chỉ của Việt Nam. Thậm chí ở nhiều nước và vùng lãnh thổ, mức sinh còn thấp đến mức “báo động đỏ” như 0,87 con/phụ nữ ở Đài Loan (Trung Quốc), 0,81 con/phụ nữ ở Hàn Quốc vào năm 2022.

Nhiều giải pháp khuyến sinh được các nước đặt ra, chủ yếu tập trung vào các chính sách thân thiện gia đình (family-friendly policies) như thưởng tiền cho phụ nữ sinh con, trợ giúp các bà mẹ nuôi con cái, kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ… nhưng nhìn chung, các giải pháp này đều không thành công.

Chính sách khuyến sinh không nên máy móc, rập khuôn mà phải tính đến yếu tố văn hóa, xu hướng xã hội và những khó khăn đặc thù cản trở việc sinh đủ 2 con ở từng địa phương hay quốc gia.

Giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long - giảng viên Trường đại học Kinh tế quốc dân - từng nói: “Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ sẽ ngày càng đắt đỏ, chưa tính đến chi phí cơ hội về sự nghiệp, việc làm. Nếu hỗ trợ bằng tiền thì liệu bao nhiêu cho đủ và ngân sách chúng ta có đáp ứng nổi?”. Theo ông, các thành phố lớn nên ưu tiên ngân sách để cải thiện hạ tầng, giáo dục, nhà ở, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đó mới là cách khuyến sinh căn cơ.

Trong cuốn sách Love, Money, and Parenting: How Economics Explains the Way We Raise Our Kids (tạm dịch là Tình yêu, tiền bạc và làm cha mẹ: kinh tế học giải thích thế nào về cách chúng ta nuôi dạy con cái), 2 tác giả Matthias Doepke và Fabrizio Zilibotti cho rằng, suy nghĩ “không thể có được cuộc sống tiện nghi nếu không có được giáo dục chất lượng hàng đầu” đã khiến các bậc phụ huynh ganh đua mạnh mẽ. Nói nôm na, việc đầu tư cho con học trường chất lượng cao đã tạo ra một áp lực lớn cho nhiều người khiến họ ngại lập gia đình, muốn có ít con.

Một số chuyên gia còn nói đến tình trạng “cha mẹ trực thăng” (helicopter parenting), đó là những ông bố, bà mẹ suốt ngày lượn lờ quanh con cái để giám sát và bảo vệ chúng do sợ chúng thua sút bạn bè.

Thật ra trong vài năm qua, chính quyền TPHCM đã bàn đến những giải pháp khuyến sinh. Dự thảo về chính sách dân số tại TPHCM đến năm 2030 đang được lấy ý kiến của nhiều ngành, nhiều giới. Đó là sự thận trọng cần có, bởi mọi chính sách cần được xem xét một cách khoa học, thấu đáo để khi ban hành thì có tính khả thi cao và bền vững, mang lại hiệu quả.

Nhưng điều nhất thiết phải có đối với mọi chính sách, đó là tính cụ thể. Phải có những chính sách rất cụ thể để các gia đình thấy rõ quyền lợi của họ, từng người thấy rõ quyền lợi của mình khi sinh con, từng cặp vợ chồng thấy được các điều kiện chăm sóc trẻ được bảo đảm, họ mới mạnh dạn sinh. Chỉ riêng mối băn khoăn “gửi con ở đâu để cha mẹ đi làm”, nếu không được giải đáp thỏa đáng thì chắc chắn nhiều cặp vợ chồng trẻ không dám đẻ bởi năm nào cũng rộ lên những vụ bạo hành trẻ ở trường mẫu giáo, nhóm lớp mầm non.

Phan Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI