Chính sách đặc thù của TPHCM vượt trội cả nước

06/09/2024 - 12:27

PNO - Tại Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” năm 2024 do Ngân hàng UOB tổ chức sáng 6/9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, ASEAN là khu vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế toàn cầu và tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Ông nhận định, kinh tế Đông Nam Á và Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng. Dù thế giới có nhiều biến động song định hướng xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam và TPHCM là theo đuổi xu hướng hòa bình, hợp tác với các đối tác để cùng phát triển.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM có nội lực kinh tế bởi hiện đóng góp 16% GDP cả nước và đóng góp 26% cho ngân sách quốc gia.

Chủ tịch Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, TPHCM được thừa hưởng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn mức mặt bằng thể chế của cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm tài chính quốc tế, đầu tư nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghệ mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch, điện tử, điện tử linh hoạt, chip, pin công nghệ mới… "Đây là những lĩnh vực mà chúng tôi có cơ chế, chính sách vượt trội hơn mặt bằng chung của cả nước dành cho các nhà đầu tư chiến lược" - ông khẳng định.

Ngoài ra, TPHCM có cơ chế đặc thù trong xây dựng hạ tầng giao thông liên kết vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL; có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, giúp hình thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa cho khu vực; có nhiều cải thiện cơ sở hạ tầng, năng lực xử lý hàng hóa, góp phần đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia có nền kinh tế năng động.

Đặc biệt, TPHCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đi vào hoạt động và đang chuyển đổi theo hướng công nghệ cao tích hợp công nghiệp dịch vụ để hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Các chuyên gia, diễn giả tham dự hội nghị
Các chuyên gia, diễn giả tham dự hội nghị

TPHCM còn có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Ông cho biết, TPHCM hiện có gần 400.000 doanh nghiệp, chiếm 23% doanh nghiệp cả nước. Các doanh nghiệp này có liên kết chặt chẽ với các địa phương, có mối quan hệ quốc tế, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng ASEAN.

Một yếu tố quan trọng khác, đó là Việt Nam đang tham gia nhiều FTA, trong đó có 16 FTA có hiệu lực với hơn 60 đối tác kinh tế trên thế giới. Đây là thị trường lớn để hoạch định chiến lược kinh doanh.

Từ những yếu tố trên, ông khẳng định TPHCM sẽ là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư và thành phố luôn sẵn sàng chào đón, đồng hành, hợp tác.

Cũng tại hội nghị này, các chuyên gia thảo luận về các lợi thế của Việt Nam trong khu vực. Với vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và làn sóng “Trung Quốc+1”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia ASEAN thứ ba mở cửa thương mại, sau Singapore và Thái Lan. Do đó, Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng thương mại, đặc biệt là thông qua các FTA như RCEP và EVFTA.

Sau đại dịch COVID-19, đã có sự thay đổi đáng kể hướng tới khả năng phục hồi, đa dạng hóa và an ninh của chuỗi cung ứng. Sự dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia gần, trong đó có Việt Nam, đã thách thức vị thế của nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Xu hướng tích cực này cho thấy sự tin tưởng vào khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI