Chính quyền Tổng thống Trump quyết không 'đầu hàng' vấn đề nhập cư

03/06/2017 - 06:00

PNO - Chính phủ Mỹ hôm 1/6 yêu cầu Toà án Tối cao phục hồi sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi - cấm nhập cảnh đối với công dân 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số - sau thất bại ở các tòa cấp dưới.

Trong đơn của mình, chính phủ yêu cầu tòa án cấp cao nhất phán quyết về tình trạng pháp lý sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Donald Trump, thường được gọi là lệnh cấm đi lại đối với người Hồi giáo, kháng cáo phán quyết của Tòa án liên bang khu vực 4  đã đình chỉ thực thi sắc lệnh này trên toàn quốc.

Chinh quyen Tong thong Trump quyet khong 'dau hang' van de nhap cu
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hôm 1/6 đã đề nghị Tòa án Tối cao Hoa Kỳ phục hồi sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi đang bị các tòa án liên bang đình chỉ - Ảnh: AFP

Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ, bà Sarah Isgur Flores, nói: "Chúng tôi đã yêu cầu Toà án Tối cao xem xét vụ việc quan trọng này và tin tưởng rằng sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump nằm trong thẩm quyền hợp pháp của ông nhằm đảm bảo cho quốc gia an toàn và bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ khủng bố”.

Bà Flores khẳng định: "Tổng thống không cho phép nhập cảnh những người từ các nước tài trợ hoặc che chở cho những kẻ khủng bố, cho đến khi ông xác định được rằng họ đã được kiểm tra cẩn thận và không gây nguy hiểm cho Hoa Kỳ”.

Chính quyền Tổng thống Trump nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao chỉ một tuần sau khi phán quyết của Tòa án liên bang khu vực 4, như một đòn đánh mới giáng vào nỗ lực của chính phủ.

Tòa án liên bang nói rằng biện pháp nêu đích danh tên nước trong sắc lệnh là Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, và giải thích điều này “liên quan đến an ninh quốc gia nhiều hơn là thực hiện một lệnh cấm Hồi giáo” là “không thuyết phục”.

Tòa nói thêm, không rõ mối quan tâm an ninh của chính phủ “có nặng ký hơn” những quan ngại của nguyên đơn về sự kỳ thị hay không.

Tổng thống Trump ký sắc lệnh nhập cư đầu tiên vào tháng 1/2017, đưa ra những biện pháp cấm công dân từ 7 quốc gia có đa số là người Hồi giáo không được nhập cảnh Hoa Kỳ trong vòng 90 ngày tính từ ngày xin thị thực và đình chỉ chương trình tị nạn 120 ngày.

Sắc lệnh này đã bị các thẩm phán liên bang nhanh chóng đình chỉ thực hiện.

Tháng 3/2017, chính quyền Trump công bố sắc lệnh nhập cư đã sửa đổi để đối phó với các vấn đề bị thẩm phán liên bang bác bỏ, theo đó, xóa tên Iraq khỏi danh sách cấm và dỡ bỏ lệnh cấm vô thời hạn đối với những người tị nạn Syria.

Tuy nhiên, sắc lệnh mới vẫn bị chỉ trích nặng nề, và bị một tòa án ở Maryland phán quyết đình chỉ thực thi, đồng thời đưa vấn đề này lên Tòa án liên bang khu vực 4.

Chinh quyen Tong thong Trump quyet khong 'dau hang' van de nhap cu
Lệnh cấm nhập cảnh đối với người Hồi giáo của chính quyền Trump đã dấy lên làn sóng biểu tình phản đối khắp nước Mỹ - Ảnh: Reuters

Trong khi chờ đợi phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, chính quyền Trump đã áp dụng một số biện pháp mới đối với người xin thị thực vào Mỹ, trong đó có bảng câu hỏi dành cho người nộp đơn, được đánh giá là gây thêm phiền phức, mất thời gian cho quá trình xét duyệt.

Chính phủ Mỹ hôm 31/5 đã ban hành mẫu phỏng vấn mới xin cấp visa, trong đó có yêu cầu người xin thị thực kê khai lịch sử dùng mạng xã hội trong vòng 5 năm và các thông tin cá nhân trong vòng 15 năm.

Thông tin cá nhân bao gồm các số hộ chiếu cũ, địa chỉ email, số điện thoại, địa chỉ cư trú, nghề nghiệp và thông tin đi lại.

Việc áp dụng bộ câu hỏi mới xin thị thực được coi là một phần trong nỗ lực siết chặt kiểm soát những người muốn nhập cảnh vào Mỹ.

Tăng cường kiểm soát an ninh đối với những người nhập cảnh vào Mỹ là một trong những cam kết mạnh mẽ nhất của Tổng thống Donald Trump.

Cùng với sắc lệnh nhập cư nhắm vào công dân các nước có người Hồi giáo chiếm đa số, chính phủ Mỹ còn áp dụng các biện pháp như tăng thêm ngân sách cho cơ quan di trú và xây dựng bức tường ngăn biên giới Mỹ – Mexico.

Thanh Vân (theo CNN, AFP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI