Hơn 7.500m2 đất công do UBND phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương quản lý “không cánh mà bay”... vào tay một doanh nghiệp bất động sản, bị “xẻ thịt” bán thu tiền tỷ.
Trong 4 năm, hơn 7.500m2 đất công do UBND phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương quản lý “không cánh mà bay” nhưng dường như chính quyền không biết. Khi vụ việc bị phát hiện, số đất công này đã lọt vào tay một doanh nghiệp bất động sản, bị “xẻ thịt” bán thu tiền tỷ.
“Xẻ thịt” hơn 7.500m đất công, doanh nghiệp không tốn một xu
Vụ việc chỉ bị phát giác khi khách hàng tiến hành xây nhà ở và gặp trở ngại từ cơ quan cấp giấy phép.
Theo bà Trần Thị X. (ngụ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế), khoảng đầu tháng 4/2019, thông qua giới thiệu của Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Xây dựng địa ốc Kim Oanh (Công ty Kim Oanh), bà ký thỏa thuận đặt cọc mua lại lô đất của ông M. với giá 911 triệu đồng ở khu dân cư Mỹ Phước 4 (phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát), diện tích 100m2. Sau đó, bà X. cùng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi, chủ đầu tư dự án khu dân cư Mỹ Phước 4) ký hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở hình thành trong tương lai.
Khoảng một tháng sau, Công ty Thuận Lợi ký biên bản bàn giao đất cho bà X. Nhận được đất, bà X. lập hồ sơ thiết kế xây nhà ở, mới phát hiện lô đất bà mua là đất công, đang quy hoạch đất trồng cây lâu năm.
Bà X. bức xúc phản ánh đến chủ đầu tư nhưng Công ty Thuận Lợi không đả động gì đến chuyện bán đất công cho khách hàng mà lại đổ thừa: “Theo quy định trong hợp đồng, trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày bàn giao đất, khách hàng phải thuê đơn vị xây dựng có chức năng và hoàn tất việc xây dựng công trình nhà ở trên đất hoặc ký phụ lục xây dựng với Công ty Thuận Lợi để thực hiện và hoàn tất việc này. Tuy nhiên, khách hàng đã tự ý chọn, ký hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu và xây dựng trái phép. Hành vi của khách hàng là vi phạm pháp luật xây dựng, gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và hoàn thiện dự án...”.
Tương tự, theo ông A. (ngụ tại tỉnh Bến Tre), khoảng đầu năm 2019, cũng trên cơ sở môi giới của Công ty Kim Oanh, ông đã ký hợp đồng đặt cọc với ông D. nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 100m2 đất thuộc dự án khu dân cư Mỹ Phước 4. Sau đó, ông A. ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở hình thành trong tương lai với Công ty Thuận Lợi. Khoảng đầu tháng 5/2019, Công ty Thuận Lợi bàn giao đất cho ông A. Chưa kịp mừng vì sắp có nơi an cư, ông A. phát hiện lô đất của mình mua thuộc đất công, không được phép xây dựng.
Cả ông A. và bà X. đều đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty Thuận Lợi đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương nhưng đến nay, vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Trong khi đó, theo điều tra của chúng tôi, chủ đầu tư dự án đã thâu tóm tổng diện tích đất công của nhà nước là 7.551,1m2 mà không tốn một xu tiền đất.
Buông lỏng quản lý hay tiếp tay cho doanh nghiệp?
Theo điều tra của chúng tôi, có nhiều cơ sở cho thấy, các cơ quan quản lý biết rõ vụ thâu tóm đất công nhưng không có biện pháp ngăn chặn.
|
Khu đất công này sau khi đã bị biến thành dự án, mới bị UBND tỉnh Bình Dương phát hiện |
Cụ thể, khoảng giữa tháng 12/2016, khi Công ty Thuận Lợi triển khai dự án khu dân cư Mỹ Phước 4, đã bị Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương lập biên bản về hành vi xây hạ tầng trái phép, phạt 40 triệu đồng và yêu cầu trong vòng 60 ngày phải lập thủ tục cấp phép xây dựng.
Đến khoảng giữa tháng 3/2017, Công ty Thuận Lợi triển khai lại dự án. Lúc này, UBND phường Mỹ Phước ra văn bản đề nghị công ty tạm ngưng thi công do khu dân cư có một phần đất công do phường quản lý, nhưng Công ty Thuận Lợi vẫn tiếp tục thi công, còn UBND phường Mỹ Phước không có giải pháp nào ngăn chặn.
Đáng nói, hơn ba tháng qua, khi vụ việc bại lộ, đáng lẽ các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phải thu hồi số đất công này, xử lý những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng thì lại có dấu hiệu tìm cách hợp thức hóa số đất này cho chủ đầu tư.
Trong cuộc họp khoảng đầu tháng 4/2019 giữa các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương để tìm phương án giải quyết, UBND phường Mỹ Phước không đả động gì đến trách nhiệm của mình khi làm mất đất công mà chỉ đề nghị: “Hoán đổi khu đất vị trí khác, diện tích tương ứng cho địa phương” (để quản lý tiếp).
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bến Cát thì cho rằng: “UBND phường Mỹ Phước không còn nhu cầu sử dụng khu đất trên; kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh đấu giá quyền sử dụng đất hoặc giao đất, cho thuê đất”.
Trong khi đó, đại diện UBND thị xã Bến Cát thì nói địa phương rất cần quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế, nhu cầu công cộng của người dân. Thế nhưng, đại diện đơn vị này lại đề nghị đền bù cho phường Mỹ Phước một thửa đất khác có diện tích và giá trị ngang bằng với thửa đất công mà Công ty Thuận Lợi đã chiếm. Trường hợp các ngành chức năng thẩm định giá trị thửa đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề nghị chủ đầu tư nộp số tiền trên vào ngân sách địa phương, để UBND thị xã Bến Cát xây dựng công trình cho phường Mỹ Phước.
Trước các ý kiến trên, Công ty Thuận Lợi nói ngắn gọn: “Công ty không có khả năng thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất hoặc giao đất, cho thuê đất đối với khu đất trên. Đề nghị các ngành chức năng xem xét, hỗ trợ công ty nộp tiền sử dụng đất để hoàn thành dự án”.
Ngày 16/7/2019, UBND tỉnh Bình Dương hợp thức hóa phần diện tích đất công trên bằng văn bản số 3457/UBND chấp thuận thu hồi 7.551,1m2 đất công ở phường Mỹ Phước giao cho Công ty Thuận Lợi thực hiện dự án; chủ đầu tư sẽ bồi thường, hỗ trợ bằng một quỹ đất tương đương để địa phương đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi.
Tuy nhiên, đến ngày 25/7/2019, ông Mai Hùng Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - bất ngờ ký văn bản số 3635/UBND thu hồi văn bản 3457/UBND. Đáng nói, trong văn bản này, UBND tỉnh Bình Dương chỉ giao UBND thị xã Bến Cát kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng (nếu có). Riêng việc xử lý trách nhiệm làm mất đất công của những tổ chức, cá nhân liên quan thì không thấy đề cập.
Theo luật sư Nguyễn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong Luật Đất đai năm 2013, không có quy định nào cho phép hoán đổi đất công với phần diện tích đất khác dù được xác định có giá trị ngang bằng. Để đảm bảo tài sản công không bị thất thoát, cần phải đấu giá quyền sử dụng đất. Để thất thoát đất công là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, cần được điều tra, xử lý nghiêm. Việc chủ đầu tư tự ý chiếm đất công, phân lô bán nền rõ ràng là chiếm dụng và bán một tài sản không phải của mình, đây là hành vi xâm chiếm tài sản công và có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. |
Nhóm Phóng viên