Chính quyền ở đô thị chỉ nên 2 cấp

29/08/2013 - 08:10

PNO - PNO - PGS.TS Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng mô hình chính quyền ở đô thị nên là chính quyền 2 cấp, ở nông thôn là chính quyền 3 cấp; đơn vị hành chính ở hải đảo và đơn vị hành chính...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chinh quyen o do thi chi nen 2 cap

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (đứng) chủ trì tọa đàm.

 Ngày 28/8, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức tọa đàm về chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chủ trì tọa đàm.

Theo PGS.TS Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, một trong những bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có sự phân biệt một cách cơ bản sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và nông thôn. Các quy định pháp lý hiện hành còn quy định mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của HĐND, UBND áp dụng chung cho tất cả các chính quyền địa phương trong cả nước.

Hệ quả là có địa phương không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình; có địa phương thì lại không đủ điều kiện để thực hiện chuẩn chung. Đô thị và nông thôn là hai loại hình kinh tế - xã hội với những đặc trưng khác nhau về vị trí, vai trò, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, địa giới hành chính, dân cư, cơ cấu kinh tế, trình độ phát triển, lối sống, quản lý… vì vậy nội dung và hình thức tổ chức thực hiện quản lý nhà nước ở đô thị cũng cần phải có những đặc trưng khác rất nhiều với nông thôn.

“Theo tôi, mô hình chính quyền ở đô thị nên là chính quyền 2 cấp, ở nông thôn là chính quyền 3 cấp; chính quyền đơn vị hành chính ở hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo mô hình chính quyền 1 cấp và không tổ chức HĐND” - ông Phạm Minh Chính đề xuất.

Chinh quyen o do thi chi nen 2 cap

Đại biểu Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm.

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, cần thống nhất quan điểm tổ chức chính quyền địa phương chỉ có 2 cấp, với cơ chế phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách minh bạch. “Đã là một cấp chính quyền phải có đủ thẩm quyền quyết định những vấn đề an sinh của cộng đồng dân cư, quyết định, huy động các nguồn lực của cộng đồng dân cư địa phương. Do đó dưới cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức thêm chính quyền cơ sở có địa vị pháp lý giống nhau dù tên gọi khác nhau như thành phố, thị xã, thị trấn, xã” - TS. Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Theo ông, việc thay mô hình 3 cấp chính quyền địa phương hiện hành (nhưng không có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm) thành 2 cấp chính quyền nhưng có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, được quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình sẽ xóa được tình trạng dân chủ hình thức, bảo đảm được tính chất chính quyền của dân, do dân, vì dân. Mặt khác, việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tạo điều kiện tổ chức lại hệ thống chính trị tương ứng của mỗi cấp, tinh gọn bộ máy hành chính, tạo điều kiện để cải thiện tiền lương cho cán bộ, công chức.

Mô hình chính quyền đô thị TP.HCM - “Lòng dân đã chín muồi”

"Qua thực tiễn hoạt động của chính quyền từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, qua những yêu cầu, ý kiến, nguyện vọng của tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân mà thành phố đã và đang tổ chức lấy ý kiến trong thời gian gần đây, TP.HCM xác định điều kiện lòng dân đã chín muồi.

Nếu không sớm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng tổ chức chính quyền cơ sở với cơ quan đại diện của nhân dân có quyền hạn và trách nhiệm tương xứng với quyền làm chủ của dân theo Hiến pháp, có cơ chế tự chủ và trách nhiệm cao hơn, thì việc thí điểm không tổ chức HĐND ở tất cả các quận, huyện, phường trên địa bàn thành phố thời gian qua kết thúc mà không tạo ra được mô hình tổ chức mới hiệu quả hơn và dân chủ hơn".

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nêu bật những nội dung chính của Đề án xây dựng chính quyền đô thị TP.HCM. Trong đó nêu rõ, chính quyền đô thị TP.HCM được tổ chức dựa trên nguyên tắc chủ yếu: chính quyền địa phương có 2 cấp (bao gồm cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở). Cấp cơ sở bao gồm cấp thành phố trực thuộc TP.HCM và xã, thị trấn. Riêng địa bàn của 13 quận nội thành hiện hữu chỉ có 1 cấp chính quyền (vì có chung kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội). Như vậy, theo đơn vị hành chính thì quận, huyện, phường không tổ chức thành cấp chính quyền, mà ở đó chỉ có cơ quan đại diện hành chính của cấp trên.

Về quy định “Chính quyền địa phương là pháp nhân công quyền”, TS. Trần Du Lịch đồng tình với chế định này và xem đây là một đổi mới rất quan trọng về địa vị pháp lý của chính quyền địa phương. Ông lý giải: “Theo các quy định hiện hành, chúng ta sử dụng khái niệm nhà nước để chỉ cho trung ương lẫn địa phương trên tất cả các lĩnh vực như ngân sách, tài sản, thẩm quyền,… từ đó phân cấp, nên nó trở thành nguyên nhân của cơ chế xin - cho, thiếu địa chỉ rõ ràng, đặc biệt vô cùng phức tạp về thủ tục hành chính nhưng lại tạo quá nhiều kẽ hở để tiêu cực”.

Theo TS. Trần Du Lịch, khi xác định chính quyền địa phương là pháp nhân công quyền thì sẽ dẫn đến việc phân định rõ ràng giữa ngân sách quốc gia do chính quyền trung ương đại diện và ngân sách địa phương thuộc chính quyền địa phương (do HĐND quyết định). Ngân sách quốc gia trợ cấp cho địa phương dù 1 đồng cũng phải do Quốc hội quyết định và giám sát thực thi; ngân sách địa phương dù một trăm đồng vẫn thuộc thẩm quyền của HĐND địa phương mà Quốc hội không can thiệp. Tài sản quốc gia tọa lạc tại một địa phương do Chính phủ quản lý; tài sản của địa phương do chính quyền địa phương tự quản lý và tự chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương. Sự đổi mới này sẽ tạo cơ sở pháp lý để sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Quản lý nợ công, xây dựng dự thảo Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước…

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Chế định chính quyền địa phương có vị trí quan trọng trong các quy định của Hiến pháp ở nước ta, từ Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 đến Hiến pháp năm 1992. Trong nhiều năm nay, khi bàn về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, vấn đề tổ chức chính quyền địa phương luôn được quan tâm đặc biệt. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra, tìm phương án phù hợp để quy định trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp lần này.

Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là phù hợp với tình hình phát triển về mọi mặt của đất nước, tuy nhiên, quá trình sửa đổi phải tiếp thu cho được những tinh hoa của nhân loại, của chính chúng ta qua mấy lần sửa đổi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tọa đàm đã thu được nhiều ý kiến thiết thực, khoa học, có ý nghĩa, góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện chế định chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

4 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Chính phủ đề xuất 4 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương thuộc Chương “Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.

1/ Kế thừa đầy đủ phương án tổ chức chính quyền địa phương theo Nghị quyết số 26 của Quốc hội. Theo đó, chính quyền địa phương tổ chức ở tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, TP thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và xã; còn ở quận, huyện, phường chỉ tổ chức cơ quan hành chính do cơ quan hành chính cấp trên thành lập để thực hiện việc quản lý hành chính và cung cấp một số dịch vụ công trên địa bàn, bảo đảm tính thông suốt, gần dân, phục vụ dân của nền hành chính quốc gia. Điều này sẽ tạo cơ sở cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc.

2/ Kế thừa cơ bản phương án tổ chức chính quyền địa phương theo Nghị quyết số 26 trừ một điểm là ở huyện vẫn tổ chức chính quyền địa phương hoàn chỉnh (gồm HĐND và UBND); còn ở quận và phường chỉ có cơ quan hành chính.

3/ Tại các TP trực thuộc Trung ương tổ chức 2 cấp chính quyền gồm chính quyền TP trực thuộc Trung ương và chính quyền cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn). Chính quyền 2 cấp này thực hiện các nhiệm vụ phân cấp theo luật định và các nhiệm vụ riêng của địa phương theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước Trung ương ở địa bàn sẽ do các cơ quan nhà nước Trung ương đặt tại địa phương thực hiện. Các tỉnh còn lại tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp như đề xuất tại phương án 4 (như Hiến pháp năm 1992).

4/ Trên cơ sở phân định các đơn vị hành chính, mô hình chính quyền địa phương được giữ nguyên ở cả 3 cấp hành chính như Hiến pháp năm 1992: HĐND và UBND được thành lập ở tất cả các đơn vị hành chính là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TP trực thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện; xã, thị trấn và phường.


Trần Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI