PNO - Tiền của doanh nghiệp đóng góp cho dân trong quá trình làm dự án bị chính quyền đòi tịch thu sung công quỹ vì cho rằng, người dân phải có trách nhiệm tự nguyện đóng góp tiền để làm đường.
Trong khi đó, con hẻm này trước đó đã được xác định là “sử dụng nguồn vốn UBND TP.HCM cấp cho UBND Q.Tân Phú”.
Tiền dân đàm phán được, chính quyền đòi tịch thu
Trong đơn gửi Báo Phụ Nữ TP.HCM, người dân ở khu dân cư Tân Thành Lập (khoảng 70 hộ) thuộc khu phố 4, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM phản ánh, khoảng năm 1999, khu dân cư Tân Thành Lập được hình thành bằng hợp đồng liên kết đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với Công ty TNHH và Xây dựng nhà Tân Thành Lập (Công ty Tân Thành Lập). Thời điểm này, mỗi hộ dân đều phải nộp tiền cho Công ty Tân Thành Lập để xây dựng hệ thống hạ tầng và thoát nước chung của khu dân cư.
Năm 2016, ông Nguyễn Văn Minh - chủ sở hữu một lô đất có diện tích gần 1.800m2 ở cạnh khu dân cư trên - muốn phân thành 14 lô đất nền để bán nhưng không có đường đi ra. Trong khi đó, theo quy định, phải có đường kết nối giao thông thì lô đất của ông Minh mới được chính quyền địa phương duyệt thi công. UBND Q.Tân Phú cũng không có đất để ông Minh làm đường và cũng không thể buộc người dân phải cho ông Minh kết nối vào hạ tầng hiện hữu của khu dân cư. Để tìm lối ra cho dự án, ông Minh cử người đại diện đến thỏa thuận với người dân trong khu phố xin kết nối khu đất vào hạ tầng giao thông khu dân cư.
Hẻm 74 Nguyễn Quý Anh dù đã làm xong và đưa vào sử dụng nhưng chính quyền Q.Tân Phú vẫn đòi thu hồi tiền của dân để đóng góp vào kinh phí làm đường.
Kết quả, người đại diện của ông Minh đồng ý đóng góp cho khu phố 1,1 tỷ đồng với hai mục đích: một là để trả phần tiền trước đây các hộ dân đã bỏ ra làm đường và hệ thống thoát nước; hai là “được đóng góp vào công trình làm đường” nhưng không nêu cụ thể là công trình nào, vì lúc đó Nhà nước chưa duyệt kế hoạch cụ thể.
Ngoài ra, đại diện của ông Minh còn đồng ý nộp cho 14 hộ dân trong khu phân lô với tổng số tiền là 210 triệu đồng để sau này nếu Nhà nước làm đường mà cần dân ủng hộ thì tổ dân phố sẽ nộp luôn. Tất cả số tiền trên được gửi vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) do ba ông Trần Trung Thảo, Vũ Trọng Khôi và Nguyễn Sỹ Nộp đứng tên.
Cuối năm 2016, UBND Q.Tân Phú nâng cấp hẻm 74 Nguyễn Quý Anh, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú (cạnh khu dân cư) nhưng không tổ chức họp dân, không huy động tiền đóng góp tự nguyện của dân.
Thế nhưng, sau khoảng một năm, công trình thực hiện xong bằng kinh phí 100% vốn nhà nước và đã đưa vào sử dụng thì bất ngờ chính quyền địa phương yêu cầu người dân phải nộp lại toàn bộ số tiền trên cho Nhà nước với mục đích đóng góp làm đường. Người dân không đồng ý thì quận tổ chức lập đoàn thanh tra.
Đến khoảng giữa năm 2018, Thanh tra Q.Tân Phú chính thức ra quyết định buộc người dân phải nộp lại toàn bộ số tiền trên vào ngân sách nhà nước. “Họ làm đường nhưng không thông báo, bàn bạc với chúng tôi. Vì thế, người dân chúng tôi hiểu rằng, công trình không phải thuộc hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Còn trường hợp Nhà nước cần huy động tiền đóng góp của dân thì phải trên cơ sở đóng góp tự nguyện chứ không thể ép buộc người dân chúng tôi phải tự nguyện theo yêu cầu của quận được” - một người dân nói.
Dân phải có trách nhiệm đóng góp tự nguyện?
Chủ tịch UBND P.Tân Sơn Nhì phải chịu trách nhiệm
Theo ông Nguyễn Tiến Lực - Chánh thanh tra Q.Tân Phú - trong việc UBND phường không báo cáo, công khai, thông báo, hướng dẫn người dân trong việc đóng góp kinh phí, trách nhiệm thuộc về bà Phạm Thị Thanh Hương - Chủ tịch UBND P.Tân Sơn Nhì - và ông Đỗ Lê Duy - nguyên Phó chủ tịch UBND P.Tân Sơn Nhì.
Thanh tra quận đã kiến nghị Chủ tịch UBND Q.Tân Phú giao Phòng Nội vụ tổ chức kiểm điểm, xác định hình thức kỷ luật đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc người dân phản ánh chính quyền địa phương không công khai, minh bạch ngay từ đầu dự án là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, năm 2016, khi UBND Q.Tân Phú ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư hẻm 74 Nguyễn Quý Anh, P.Tân Sơn Nhì thì vốn đầu tư dự án đã được xác định là “sử dụng nguồn vốn UBND TP.HCM cấp cho UBND Q.Tân Phú từ nguồn vượt thu tiền sử dụng đất”. Vốn đầu tư dự án được xác định là 4.712.733.431 đồng. Tuy nhiên, khi nhận được quyết định này, UBND P.Tân Sơn Nhì đã không thực hiện việc công khai, minh bạch để người dân nắm bắt chủ trương, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn...
Cũng trong khoảng thời gian này, người dân từng có cuộc họp bàn về việc hỗ trợ kinh phí làm đường, có sự tham dự của lãnh đạo UBND P.Tân Sơn Nhì nhưng UBND phường cũng không có ý kiến hay hướng dẫn người dân về việc đóng góp kinh phí làm đường.
Thế nhưng, kết luận của Thanh tra Q.Tân Phú vẫn cho rằng, đại diện người dân gồm ba ông Vũ Trọng Khôi, Nguyễn Sỹ Nộp, Trần Trung Thảo không nộp số tiền trên cho UBND phường để phường hạch toán các khoản đóng góp theo quy định mà mang gửi vào ngân hàng là không đúng quy định pháp luật.
Theo ông Khôi, ông Nộp và ông Thảo, sau khi quận thực hiện xong việc thanh tra, UBND P.Tân Sơn Nhì và Thanh tra Q.Tân Phú liên tục yêu cầu các ông này phải giao nộp tiền. Thậm chí, trong cuộc họp ngày 14/3/2019, ông Huỳnh Thanh Hiệp - Trưởng công an P.Tân Sơn Nhì - còn có dấu hiệu đe dọa ông Thảo: “Vụ việc có cơ sở để chuyển sang hình sự vì đã có quyết định thanh tra và quyết định này không sai. Quyết định yêu cầu anh nộp tiền mà anh không nộp. Nếu vụ việc chuyển sang hình sự thì anh và gia đình anh là người chịu ảnh hưởng trực tiếp”.
Ông Thảo quá lo sợ nhưng không dám trái lòng bà con khu phố nên phải đi tìm luật sư trợ giúp pháp lý. Còn ông Nộp và ông Khôi không chịu nổi áp lực nên đã bán nhà, dọn đi nơi khác sinh sống.
Việc đóng góp là tự nguyện, không thể ép buộc dân
Theo luật sư Nguyễn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM), thông tư 85/1999 của Bộ Tài chính quy định, để huy động sự đóng góp của người dân cho các công trình phúc lợi xã hội, UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo cho dân về thời hạn đóng góp, địa điểm, mức đóng góp đối với từng đối tượng trong từng lần huy động. Trường hợp UBND cấp xã ủy quyền cho các trưởng thôn, bản, khu phố thu các khoản đóng góp của nhân dân thì trưởng thôn, bản, khu phố sẽ nhận biên lai thu từ ban tài chính xã để thu các khoản đóng góp. Ban tài chính xã có trách nhiệm hướng dẫn cho các trưởng thôn, bản, khu phố về việc quản lý và sử dụng biên lai, chứng từ thu được.
Trong trường hợp trên, số tiền do người dân và doanh nghiệp thỏa thuận được là giao dịch dân sự, không thể xem là hình sự. Nếu lãnh đạo UBND P.Tân Sơn Nhì không công khai thông báo, hướng dẫn người dân đóng góp thì không thể xem là lỗi của người dân. Bên cạnh đó, căn cứ vào tính chất thi công và tình hình thực tế của mỗi công trình, người dân có thể đóng góp theo nhiều hình thức: tiền, hiện vật, ngày công lao động. Việc đóng góp là tự nguyện và căn cứ vào thu nhập bình quân của người dân, không thể ép buộc dân đóng góp.