Trong lúc vụ việc đang tranh chấp tại tòa án, bất ngờ bà Kiều cho “vệ sĩ” đến yêu cầu người dân giao nhà. Họ khóa cửa, trấn giữ, xô xát, hủy hoại tài sản, bắt dân rời khỏi nơi cư trú hợp pháp. Khó tin hơn, với lý do “hòa giải”, UBND phường ra sức thúc ép dân “xem xét” đề nghị của phía vi phạm pháp luật.
|
Ảnh 1: Công an đang “giải thích” cho ông Phan Tấn Phát biết vì sao ông và các thành viên trong gia đình phải ở bên ngoài nhà 6/28 Tân Hoá vào sáng 23/1. Ảnh: Quốc Ngọc |
Ngang nhiên xâm phạm chỗ ở, đập phá từ đường
Sáng 23/1, chúng tôi có mặt tại nhà số 6/28 Tân Hóa, P.1, Q.11 (TP.HCM), chứng kiến lực lượng công an đang “khám nghiệm hiện trường”. Tại đây, khoảng 9g, một nhóm người đã ập đến, tông đổ cổng sắt, dùng vũ lực khiêng đồ đạc, xô đẩy gia đình này ra khỏi chỗ ở. Nghiêm trọng hơn, nhóm này đã đập phá luôn nhà từ đường, bàn thờ của gia đình. Đây là hành động nối tiếp việc vây hãm, uy hiếp những người trong nhà đã diễn ra từ bốn ngày trước đó.
“Chúng tôi đã nhiều lần cầu cứu công an phường và gọi cảnh sát 113. Công an phường có mặt nhưng chỉ đứng canh cửa mà không ngăn cản hay xử lý gì đối với nhóm người này. Đến giờ, gia đình tôi đã bị lực lượng này cưỡng chế, đẩy ra khỏi nhà, đập phá tài sản và chiếm giữ nhà” - ông Phan Tấn Phát, 57 tuổi, ngụ tại địa chỉ trên, nói.
|
Ông Phan Ngọc Hùng (62 tuổi) bị cho ra khỏi nhà trong tình trạng không giày dép. Ảnh: Quốc Ngọc |
Theo ông Phát, khoảng đất có căn nhà trên do tổ tiên tạo lập từ năm 1953. Năm 1985, khi bà nội qua đời, cha của ông là ông Phan Văn Hòa (đã mất), là con duy nhất, tiếp tục sinh sống tại đây. Năm 1989, ông Hòa cùng vợ là bà Bùi Thị Ngọ (88 tuổi) xây dựng lên căn nhà số 6/28 và cùng sống với con cháu đến nay.
Năm 2004, xuất hiện hợp đồng tặng cho nhà từ ông Hòa cho ông Phan Ngọc Hiệp (em trai ông Phát). Nhưng thời điểm này, ông Hòa đã mắc bệnh tâm thần và cả nhà không hề hay biết gì về hợp đồng tặng cho. Với hợp đồng tặng cho ấy, ông Hiệp thực hiện hợp đồng mua bán nhà 6/28 Tân Hóa với bà Đồng Thị Mỹ Hạnh.
Năm 2009, biết chuyện, bà Ngọ cùng gia đình đã khởi kiện ông Hiệp. Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) Q.11, sau đó, đã bị bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM tuyên hủy vì nội dung sai trái và vi phạm thủ tục tố tụng.
Trong buổi làm việc ngày 17/12/2015 tại TAND TP.HCM, gia đình ông Phát lại phát hiện bà Hạnh đã ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà 6/28 Tân Hóa cho bà Trần Thị Thanh Kiều (32 tuổi, thường trú P.8, Q.6, TP.HCM). Vụ việc đang có tranh chấp, tòa án đang giải quyết, nhưng giao dịch này vẫn có thể hoàn tất (?) và bà Kiều đang đứng tên căn nhà. Gia đình bà Ngọ, ông Phát yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho nhà giữa ông Hòa và ông Hiệp, hủy hợp đồng mua bán giữa ông Hiệp và bà Hạnh, cũng như hủy giao dịch mua bán giữa bà Hạnh và bà Kiều.
Ngày 19/1 vừa qua, TAND TP.HCM triệu tập các đương sự trong vụ án “tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở và quyền sở hữu nhà” tại số 6/28 Tân Hóa để thông báo kết quả giám định lần hai về tình trạng sức khỏe tâm thần của ông Hòa. Theo kết luận, tại thời điểm ký hợp đồng cho tặng nhà ngày 29/3/2004, ông Hòa bị mất trí, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Có nghĩa những yêu cầu của gia đình ông Phát là có cơ sở.
Nhưng bất ngờ, ngay trong chiều 19/1, hàng chục “vệ sĩ”, do bà Kiều thuê, đã kéo đến nhà 6/28 Tân Hóa, ngang nhiên dùng sức mạnh xua đuổi tất cả những người đang ở trong nhà, khiêng đồ đạc ra khỏi nhà, khóa cửa, gắn camera, mang mỏ hàn tới hàn cửa và vây hãm suốt đêm.
“Chúng tôi đã báo công an phường nhưng công an giữ người lại, bảo viết lời khai. Khoảng 15g, công an đến, nhưng không mời nhóm người lạ ra khỏi nhà mà mời gia đình tôi lên để làm biên bản thỏa thuận giao nhà (?). Gia đình không đồng ý vì phải chờ quyết định của tòa án” - ông Phát nói.
|
Nhiều người lạ mặt quay phim chụp ảnh xung quanh nhà 6/28 Tân Hoá sáng 23/1. Ảnh: Quốc Ngọc |
Mãi đến chiều 20/1, sau 27 tiếng đồng hồ chiếm nhà bất hợp pháp, nhóm “vệ sĩ” mới rút đi. Tuy nhiên, đến 18 giờ, ngày 22/1, bà Kiều tiếp tục cho “vệ sĩ” và một số phần tử hung hăng ập vào nhà.
“Họ khống chế và cô lập người trong gia đình. Một số tên, trong đó có ông Long (chồng bà Kiều), hung hăng tấn công, đánh người, xô đạp phụ nữ và uy hiếp cụ già 88 tuổi là mẹ tôi, đạp đổ xe cộ, vật dụng trong nhà. Chúng tôi lại cầu cứu công an phường. Công an có mặt nhưng chỉ ở bên ngoài, không có hành động gì ngăn chặn” - ông Phát kể.
Và điều khủng khiếp - bị đập phá nhà từ đường - đã xảy đến với gia đình ông Phát vào sáng 23/1.
Phường buông lỏng quản lý, làm việc thay tòa án?
Trong suốt nhiều ngày xảy ra hành vi coi thường pháp luật của phía bà Kiều, Chủ tịch UBND P.1 - Tăng Thị Hằng và lực lượng công an đã tỏ ra thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ người dân cũng như hành xử không đúng pháp luật. Bà Hằng liên tục lấy lý do ảnh hưởng “an ninh trật tự” để thúc ép phía gia đình ông Phát phải “thỏa thuận” giao nhà cho bà Kiều.
Bà Hằng lập luận, do bà Kiều có đứng tên chủ quyền nhà và có hộ khẩu thường trú tại số 6/28 Tân Hóa nên được quyền “vào ở” như những người hiện đang sống trong nhà (?).
|
Lực lượng do bà Kiều thuê tới chiếm giữ nhà 6/28 Tân Hoá chiều 19/1. Ảnh do gia đình cung cấp |
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, hành động của phía bà Kiều là hoàn toàn trái pháp luật, lộng hành, cần phải bị nghiêm trị. Một vụ việc đang tranh chấp, đang do tòa án giải quyết thì mọi vấn đề liên quan đều phải chờ quyết định của tòa. Hành vi của “nhóm cưỡng chế” này có dấu hiệu của tội “xâm phạm chỗ ở của công dân” và “hủy hoại tài sản” theo quy định tại Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Phúc, lãnh đạo phường không thể lấy lý do bà Kiều đứng tên nhà và có hộ khẩu để hành xử như vừa qua, bởi hồ sơ vụ án cho thấy, bà Kiều hiểu rõ quyền sở hữu của bà đối với căn nhà bị khiếm khuyết, vì thiếu mất phần quyền quản lý, sử dụng. Bà Kiều cũng đang đòi hỏi pháp luật trả lại cho bà quyền quản lý sử dụng căn nhà trên.
Ông Phúc cũng cho biết, hộ khẩu là hình thức quản lý việc cư trú, thường trú của công dân. Còn giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà là hình thức quản lý việc đăng ký sở hữu. Hai lĩnh vực quản lý khác nhau. “Bà Kiều không sinh sống thực tế một ngày nào trong căn nhà trên nhưng lại được đăng thường trú và cấp hộ khẩu là trái pháp luật” - ông Phúc khẳng định.
Không phải thẩm quyền của địa phương
Luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, UBND và công an không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp này. Do đó, Chủ tịch UBND P.1 (Q.11, TP.HCM) không có quyền yêu cầu gia đình ông Phát phải thỏa thuận, hòa giải với bà Kiều.
“Lẽ ra, với vai trò giữ gìn trật tự an ninh tại địa phương, công an phường phải yêu cầu giữ nguyên hiện trạng chờ phán quyết cuối cùng của tòa án. Công an phường phải lập biên bản hành vi vi phạm pháp luật của công ty bảo vệ tham gia cưỡng chế, đập phá tài sản của người dân” - ông Sơn nói.
“Khi chưa có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì hành vi ngang nhiên dùng vũ lực cưỡng bức giao nhà hay yêu cầu mở cuộc hòa giải giao nhà tại UBND phường là trái quy định pháp luật”. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Ngay khi diễn biến căng thẳng khởi phát vào chiều 19/1, phóng viên Báo Phụ Nữ đã liên lạc với bà Hằng. Bà cho biết, đã bố trí lực lượng chức năng túc trực quanh nhà ông Phát. Nhưng các lực lượng này ở đâu khi sự xâm nhập, uy hiếp diễn ra lần thứ hai vào đêm 22/1 và diễn biến đập phá nhà dân sáng 23/1?
Quốc Ngọc