PNO - Chính quyền TPHCM đang sắp xếp lại 80 phường ở 10 quận thành 41 phường mới, qua đó giảm 39 phường. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính chắc chắn gây xáo trộn về địa chỉ, giấy tờ khiến người dân lo lắng. Đại diện chính quyền các địa phương cho hay, đã chuẩn bị nhiều phương án để hỗ trợ dân cập nhật, chỉnh sửa các loại giấy tờ có liên quan.
Bà Nguyễn Thị Nhung (phường 4, quận Gò Vấp) tỏ ra lo lắng khi nghe tin 3 phường 1, 4 và 7 sẽ được nhập thành 1 phường: “Tôi lo mình phải đi cập nhật thông tin cá nhân trên các giấy tờ quan trọng. Mọi giấy tờ của tôi như căn cước công dân, giấy tờ nhà đất, hộ khẩu đều ghi địa chỉ phường 4. Tôi không rõ khi tên phường thay đổi, mình có phải sửa lại toàn bộ thông tin trên giấy tờ hay không, sửa dễ hay khó”.
Chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp) cũng nằm trong diện sẽ thay đổi địa chỉ do sáp nhập phường
Nhà bà Nhung buôn bán nhỏ nên bà còn lo rằng, việc thay đổi địa chỉ sẽ ảnh hưởng đến việc định vị, giao và nhận hàng. Bà mong chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ cụ thể để giảm thiểu các rắc rối phát sinh cho người dân. Anh Lê Hoàng Minh (phường 3, quận Phú Nhuận) thì lo rằng, việc điều chỉnh giấy tờ sẽ mất nhiều thời gian, gây phiền hà và tốn kém chi phí, gây khó khăn khi giao dịch hay làm các thủ tục pháp lý trong thời gian giao thoa cũ, mới: “Tôi không rõ việc nhận trợ cấp, hỗ trợ xã hội có bị ảnh hưởng gì không”. Anh Minh cũng trăn trở về những tác động đến đời sống khi đổi tên phường. Trong khi đó, nhiều cán bộ ở các phường sẽ sắp xếp cũng lo lắng, không biết mình sẽ “đi đâu, về đâu”. Sau 13 năm làm việc, chị Ngô Thị Mỹ Linh - cán bộ phụ trách mảng lao động, thương binh và xã hội phường 4, quận Gò Vấp - nói: “Cách đây nửa năm, khi nghe tin phường sẽ sáp nhập, tôi hoang mang. Những cán bộ bán chuyên trách như tôi đều lo mình sẽ bị cho nghỉ việc”. Đặc biệt, thời điểm dự sinh của chị là trước lúc sáp nhập phường đúng 5 ngày nên chị không rõ nên làm thủ tục hưởng chế độ thai sản ở phường cũ hay phường mới. Nếu nộp hồ sơ ở phường cũ, thủ tục sẽ được giải quyết nhanh hơn, nhưng nếu chuyển sang phường mới, có thể phải chờ nhân sự mới ổn định. Chị Linh âu lo: “Sau thời gian nghỉ thai sản, tôi không biết mình sẽ làm ở đâu, công việc gì. Đối với cán bộ bán chuyên trách, khối lượng công việc sau khi sáp nhập phường dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần, mà mình lại phải vừa chăm con nhỏ, vừa thích nghi với công việc mới”. CHÍNH QUYỀN SẼ CHỦ ĐỘNG CẬP NHẬT GIẤY TỜ CHO DÂN Ông Dương Văn Kim - Chủ tịch UBND phường 4, quận Gò Vấp - nhận định, việc sáp nhập đơn vị hành chính là bước tiến tích cực nhằm tinh gọn bộ máy quản lý và tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân: “Trước đây, mỗi phường có 35 cán bộ, khi nhập 3 phường thành 1 phường, số cán bộ chắc chắn sẽ giảm, tinh gọn hơn theo định hướng chung”. Theo ông, một trong những mối lo ngại phổ biến nhất của người dân là việc thay đổi địa chỉ nhà đất khi thay đổi tên phường. Tuy nhiên, ông trấn an: “Cách đây 1 năm, khi có thông tin sáp nhập phường, chúng tôi đã tổ chức các buổi họp để tuyên truyền, giải thích rõ ràng cho người dân”. Ông cho hay, theo đề án 06 (đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia) của Chính phủ, mọi thủ tục hành chính sẽ được số hóa. Việc thay đổi tên phường hay địa chỉ sẽ do chính quyền tự động cập nhật khi người dân cung cấp hồ sơ và không bắt buộc phải đổi ngay. Chính quyền sẽ hỗ trợ tối đa, bàn giao đúng hạn đối với các thủ tục như xin giấy phép xây dựng, hoàn công hay cập nhật giấy tờ. Do vậy, người dân không nên lo lắng. Ông cho biết, UBND quận cũng đã tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở các phường sẽ sáp nhập, kịp thời định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong suy nghĩ, tạo điều kiện để họ an tâm công tác. 10 quận ở TPHCM sẽ sắp xếp lại phường gồm quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận. Ông Nguyễn Đông Tùng - Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận - cho biết, quận có 4 phường sẽ sắp xếp thành 2 phường, dự kiến có khoảng 40.000 người cần thay đổi địa chỉ trong các loại giấy tờ hành chính (từ phường 3 thành phường 4, từ phường 17 thành phường 15). UBND quận và các phường đã tổ chức thông tin, tuyên truyền, trao đổi với dân, với cán bộ, công chức từ cách đây gần 1 năm - trong đó có cả cách thức thay đổi giấy tờ hành chính - và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao. Do đó, người dân, cán bộ ở 2 phường này cũng không quá lo lắng về vấn đề sắp xếp lại phường. Ông Nguyễn Đông Tùng cũng cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chú trọng cập nhật, điều chỉnh giấy tờ cho người dân song song với việc giải quyết các thủ tục hành chính khi người dân có các giao dịch hành chính khác và không thu bất kỳ khoản phí nào liên quan đến việc điều chỉnh giấy tờ, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh hay xáo trộn đời sống của người dân.
Thanh Tâm
Chuyển đổi số để việc sáp nhập phường hiệu quả
Việc sáp nhập phường sẽ khiến quy mô dân số và diện tích địa giới hành chính của mỗi phường tăng lên, trong khi số lượng công chức không tăng hoặc tăng ít hơn mức tăng của dân số và diện tích. Thực tế, trước khi sáp nhập, công chức đã phải chịu áp lực công việc rất lớn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc chuyển đổi số và số hóa dịch vụ công quốc gia sẽ phục vụ hiệu quả việc sáp nhập. Việc số hóa dữ liệu dân cư và áp dụng hệ thống quản lý điện tử có thể giảm tải các công việc hành chính có tính lặp đi lặp lại, giúp công chức tập trung vào các nhiệm vụ mang tính quản lý và phát triển. Các giải pháp chuyển đổi số như cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ số sẽ tăng năng suất và giảm thời gian xử lý hồ sơ.
Tuy vậy, sự không đồng đều về trình độ công nghệ số giữa các công chức có thể ảnh hưởng đến khả năng áp dụng các giải pháp số hóa. Do đó, cần tăng cường đào tạo chuyên sâu về kỹ năng sử dụng công nghệ số cho đội ngũ công chức. Song song đó, chính quyền TPHCM cần tăng cường triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ trực tuyến, từ đó giảm tải lượng công việc cho cán bộ cấp phường; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu, giải đáp tự động các câu hỏi của người dân và dự đoán nhu cầu dịch vụ; xây dựng nền tảng quản lý liên thông giữa phường và quận để đồng bộ hóa dữ liệu, giảm thủ tục hành chính, hợp nhất các dịch vụ hành chính liên quan.
Chính quyền thành phố cần đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho UBND các phường như máy tính, máy quét tài liệu, đường truyền internet tốc độ cao, hướng tới ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT), AI và dữ liệu lớn để quản lý giao thông, an ninh và các dịch vụ công; phát triển các quầy dịch vụ tự phục vụ ở trụ sở UBND phường, giúp người dân tự tra cứu và hoàn thành các thủ tục hành chính cơ bản.
Thạc sĩ Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM