Tại hội nghị sơ kết hoạt động của Tổ công tác đầu tư, diễn ra ngày 19/3, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, 97,8% doanh nghiệp (DN) của TPHCM là vừa và nhỏ. Các DN có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm số lượng khoảng 2,2% nhưng lại chiếm hơn 70% tổng số vốn đăng ký. “Điều này đặt ra yêu cầu là phải hình thành những DN đầu đàn theo mô hình đàn sếu bay, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong bối cảnh hội nhập” - ông Phong nói.
|
Nếu hạ tầng giao thông ngày càng được cải thiệ n, TPHCM sẽ càng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ hơn. Trong ảnh: cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến hợp long trong năm 2021 sẽ hỗ trợ giảm áp lực giao thông của thành phố, tăng tốc kết nối khu vực - Ảnh: Đông Quân |
Ông Nguyễn Thành Phong đánh giá cao việc góp ý của DN để UBND TPHCM bổ sung, hoàn thiện kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư trong năm 2021. Bên cạnh việc nhất trí với các giải pháp do Tổ công tác đầu tư đề xuất trong kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư năm 2021, ông Phong nhấn mạnh một số giải pháp thiết thực: nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản cho DN thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan; chỉ thanh tra, kiểm tra DN không quá một lần/năm; khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho DN, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần thiết đối với mỗi bộ hồ sơ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ; nghiên cứu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của DN so với quy trình hiện nay; trên 80% chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn từ 96%, mỗi năm tiếp theo phải tăng 1%; trên 60% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố đủ điều kiện để được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
“UBND TPHCM mong muốn các DN kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của chính quyền thành phố và sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng để tất cả DN cạnh tranh lành mạnh, cùng thành phố phát triển đi lên” - ông Phong nói.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - cho biết, bản kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM năm 2021 đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm cải cách thủ tục hành chính, công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn TPHCM, tiếp cận nguồn lực đất đai, chuyển đổi số và khoa học công nghệ, đầu tư công, quy hoạch và xây dựng, đào tạo nguồn lao động, tiếp cận nguồn lực tài chính, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, khắc phục các tác động tiêu cực của COVID-19.
Nam Anh - Thanh Hoa
Mong muốn hạ tầng thuận lợi, chính sách nhất quán
Chuyên đề TPHCM cải thiện môi trường đầu tư - một yêu cầu cấp thiết được Báo Phụ Nữ TPHCM khởi đăng trên các số ra ngày 17 và 19/3 đã nhận được sự quan tâm lớn của độc giả. Thông qua Báo Phụ Nữ TPHCM, nhiều chuyên gia, doanh nhân đã đóng góp các ý kiến cụ thể, thiết thực về vấn đề này.
* Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO):
- Trước hết, các công ty Nhật Bản đánh giá cao khả năng lãnh đạo và quản lý rủi ro của chính quyền TPHCM. Thế nhưng, tôi muốn chia sẻ một cái nhìn. Chúng ta phải mất bao lâu để di chuyển từ trụ sở UBND TPHCM đến các tỉnh khác? Nếu nhìn vào bản đồ đầu tư Nhật Bản, trọng điểm chắc chắn nằm ở TPHCM và các tỉnh lân cận mà phần lớn phải mất ít nhất hai giờ để đến. Gần nhất là từ TPHCM đến các nhà máy ở tỉnh Bình Dương, nhưng không thể tránh khỏi tình trạng ùn tắc giao thông. Chúng tôi phải mất 90 phút hoặc lâu hơn mới đến nơi. Nếu có sự tăng cường kết nối về giao thông, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nữa vào TPHCM nói riêng và cả khu vực nói chung.
* Bà Mary Tanowka - Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham):
- Các công ty công nghệ ở Hoa Kỳ mong muốn đến Việt Nam để đầu tư những ngành nghề mới như công nghệ tài chính, công nghệ sạch, thành phố thông minh, chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng, để có một môi trường đầu tư được minh mạch, công bằng, chính sách thuế rất quan trọng. Ngoài ra, hiện vẫn còn tình trạng không nhất quán giữa các sở, ngành về việc cấp giấy phép lao động. Việc kéo dài thời gian làm thủ tục cấp giấy phép này khiến nhà đầu tư băn khoăn. TPHCM cũng cần triển khai nhanh hơn các dự án metro, năng lượng, cấp thoát nước, kế hoạch sử dụng quỹ đất. Cơ sở hạ tầng không hoàn thiện, hệ thống quản lý cảng và logistics hoạt động không hiệu quả, sẽ khó thu hút nhà đầu tư.
* Ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu (EuroCham):
- Các nhà đầu tư phải gửi yêu cầu đến các sở, ngành khác nhau và phải chờ đợi mất thời gian, trong khi Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM có thể làm đầu mối hướng dẫn cụ thể cho DN một lần. Ngoài ra, còn thiếu nhiều hướng dẫn chi tiết, diễn giải pháp luật trong nhiều lĩnh vực khiến thủ tục kéo dài. Ví dụ, có DN muốn nhập khẩu máy móc phục vụ sản xuất công nghệ cao nhưng sau đó mới biết, phải làm thêm thủ tục giải thích rõ mô hình quản lý sản xuất, mất thêm sáu tháng chờ đợi. Các nước khác không có quy định này.
* Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM:
- Đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp phụ trợ là giải pháp quan trọng để DN nội địa có cơ hội tăng tốc, đứng trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào TPHCM. Nhiều năm qua, công nghiệp phụ trợ của TPHCM vẫn phát triển ì ạch, trong khi các tỉnh khác đã đi được một chặng dài. Nhiều DN cho biết, thủ tục đầu tư vào các tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Dương nhanh hơn TPHCM rất nhiều. Đơn cử, năm 2017, TPHCM duyệt cho tám DN ngành cơ khí - điện đầu tư vào Khu công nghệ cao TPHCM. Thế nhưng, đến nay, chỉ có hai DN khởi công dự án, còn lại đứng im do vướng thủ tục thuê đất, chưa có giấy phép xây dựng.
DN đi lên đi xuống, bổ sung giấy tờ mấy năm chưa xong, nản quá, để yên đó rồi làm việc khác chứ không thể chạy theo “rừng” thủ tục mà các cấp quản lý yêu cầu được. Hiện các DN cơ khí - điện đang rất cần một cộng đồng DN phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này để cung cấp tại chỗ và xuất khẩu. TPHCM rất cần quy hoạch khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp cơ khí - điện để hỗ trợ đầu tư lĩnh vực quan trọng này.
* Ông Steve Powell - Nhà sáng lập Công ty AirSpeed Việt Nam, hoạt động sản xuất linh kiện điện tử:
- Việt Nam đã cải thiện tích cực môi trường kinh doanh nhưng vẫn chưa xứng tầm với một quốc gia có nền kinh tế phát triển lâu dài. Tuy luật pháp đã hỗ trợ DN nhưng thực tế không được như kỳ vọng. Quy trình đăng ký kinh doanh đã đơn giản hơn so với Trung Quốc nhưng các công ty có vốn nước ngoài luôn phải chi trả phí cho luật sư rất cao để họ tư vấn về đăng ký kinh doanh, áp dụng luật một cách hợp tình, hợp lý. Hệ thống thuế tuy đã được cải thiện rất nhiều nhưng muốn hiệu quả, cần bỏ hẳn quy định sử dụng hóa đơn đỏ như Hồng Kông.
Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu nguyên vật liệu thô từ nước ngoài, chiếm tới 75%. Điều đáng thất vọng là những vật liệu đơn giản cũng phải nhập khẩu. Thậm chí, nhà cung cấp bao bì đủ tiêu chuẩn về giấy chứng nhận chất lượng và bảo vệ môi trường cũng không có đủ hàng hay đủ khả năng để lên kế hoạch trữ hàng thích hợp. Việc thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu làm nản lòng các công ty nhỏ vì chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu ngày càng quá cao.
Nhóm Phóng viên
Giải bài toán nguồn nhân lực trình độ cao
Chính quyền TPHCM đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao. Nhân lực có trình độ cao để cung ứng cho các ngành này là vấn đề mà các nhà đầu tư luôn xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư.
|
Logistics là lĩnh vực mà TPHCM có lợi thế trong thu hút đầu tư - Ảnh: D.Đ.Minh |
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, tiến sĩ (TS) Burkhard Schräge (Trường đại học RMIT) nhận định, việc ưu tiên thu hút các dự án kỹ thuật, công nghệ cao là hướng đi đúng của TPHCM. Một ví dụ rõ nhất là Tập đoàn Intel đã tăng vốn đầu tư đạt 1,5 tỷ USD vào nhà máy đặt tại TPHCM.
Theo ông Schräge, các ngành công nghệ thông tin và công nghệ khác đang đòi hỏi nhiều lao động có kỹ năng cao và sáng tạo hơn hầu hết các ngành khác. Vì vậy, chắc chắn các nhà đầu tư tiềm năng sẽ xem xét sự sẵn có của lao động lành nghề này và trình độ, kỹ năng tổng thể của họ. Các nhà đầu tư nước ngoài thường bày tỏ quan ngại về kỹ năng mềm của lực lượng lao động Việt Nam, bao gồm khả năng làm việc nhóm hoặc giao tiếp hiệu quả.
Ông đặt vấn đề: “TPHCM đã đào tạo bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp công nghệ thông tin tính trên đầu người trong những năm qua? Có bao nhiêu chương trình đại học về khoa học vật liệu, công nghệ thông tin, tính toán lượng tử hoặc kỹ thuật sinh học? Vì vậy, TPHCM cần tạo ra lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng cao, đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ”.
TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - cho rằng lâu nay, chúng ta luôn lo thiếu nhân lực chất lượng cao, luôn tập trung giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo. Tuy nhiên, cho rằng chỉ giáo dục, đào tạo giải quyết bài toán thiếu nhân lực là chưa đúng. Chúng ta đang thiếu nhân sự sáng tạo và nghiên cứu chứ không phải nhân sự trình độ cao nói chung. Và với bài toán cụ thể này, đáp án không phải là tăng cường giáo dục, đào tạo. Trong thời đại toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, nhân sự sáng tạo, nghiên cứu có thể đến từ bất kỳ đâu, từ Thung lũng công nghệ Silicon (Mỹ) chẳng hạn.
Ông Hiển dẫn chứng: “Cách đây 15 năm, tôi từng chứng kiến một công ty dệt nhập dàn máy rất đắt tiền và đồng thời tuyển luôn bốn chuyên viên Hàn Quốc làm việc trên dàn máy đó. Sau ba năm, các chuyên viên này đã chuyển giao xong công nghệ, kỹ thuật cho các kỹ sư Việt Nam. Do vậy, chúng ta đừng quá lo. Một khi doanh nghiệp Việt Nam cần lao động sáng tạo, nghiên cứu, họ chỉ cần trả mức lương tương xứng, tạo một môi trường làm việc phù hợp thì sẽ tuyển dụng được các chuyên viên người Việt ở nước ngoài, các chuyên viên Mỹ, Nhật”. Theo ông, hiện các sinh viên Việt Nam đang được đào tạo về lý thuyết không hề thua kém so với nhiều nước trên thế giới. Đó là một nền tảng tốt, đủ để họ phát triển thành các chuyên viên sáng tạo, nghiên cứu nếu họ được đặt vào môi trường làm việc phù hợp.
Ở một khía cạnh khác, TS Schräge lưu ý vấn đề giữ chân các nhân sự trình độ cao: “Sức cạnh tranh nhân lực từ những nước khác rất lớn. Nếu một kỹ sư muốn sống, làm việc ở Singapore, họ có thể tìm được cơ hội chuyển đến đó. Vì vậy, để giữ chân các nhân sự trình độ cao ở lại TPHCM, một trong những giải pháp là tạo ra sự kết hợp giữa môi trường đô thị (đường phố, công sở) với môi trường tự nhiên (công viên, rừng), tạo ra một thành phố sôi động, đáp ứng nhu cầu hoạt động ngoài trời cùng các hoạt động nghệ thuật cho người dân”.
Nam Anh
|