Chính phủ yêu cầu tháo gỡ vấn đề giáo viên dạy môn học mới

21/03/2024 - 18:25

PNO - Bộ GD-ĐT được giao tập trung đào tạo sư phạm, đào tạo đủ nguồn giáo viên dạy các môn học mới, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán.

Tại Nghị quyết 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT, kiểm tra việc quản lý, sử dụng biên chế giáo viên được bổ sung theo Quyết định sổ 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Giờ học STEM của cô và trò Trường tiểu học Ngọc Lâm (TP Hà Nội). Ảnh minh họa
Giờ học STEM của cô và trò Trường tiểu học Ngọc Lâm, TP Hà Nội (Ảnh minh họa)

Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành nghị định mới về hợp đồng và chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó có giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để bảo đảm phù hợp thực tiễn.

Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách luân chuyên giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm; đào tạo đủ nguồn giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT hoàn thành Đề án đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2024. Yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT bảo đảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo theo quy định, ưu tiên bố trí ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

2 bộ đề xuất hình thức hỗ trợ ngân sách từ trung ương cho địa phương nhằm bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại địa phương; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo quy định; tiếp tục tuyển dụng bảo đảm đủ số biên chế được giao và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo lộ trình.

M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI