Chính phủ thống nhất lùi việc thông qua Dự án Luật đặc khu sang kỳ họp Quốc hội cuối năm

09/06/2018 - 08:31

PNO - Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết: Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn. Dự án Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Chinh phu thong nhat lui viec thong qua Du an Luat dac khu sang ky hop Quoc hoi cuoi nam
Bắc Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: Lê Giang

Theo đó, tại kỳ họp này, sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. 

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đưa ra kỳ họp thứ 5 Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến băn khoăn, tranh luận về nhiều vấn đề, nhất là thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khi đưa ra dự án Luật về đặc khu, có nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân, của trí thức, của bà con Việt kiều với “khí thế hết sức sôi nổi, tinh thần yêu nước như thế chúng ta hết sức hoan nghênh”.

Thủ tướng nhìn nhận, một tinh thần yêu nước như vậy thì “chúng ta không lo mất nước, thể hiện qua công việc này”.

Theo thủ tướng, chúng ta phải tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh Luật, đảm bảo đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng phát triển bền vững, đảm bảo độc lập chủ quyền, tự do của đất nước một cách lâu dài, đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc một cách căn bản, xuyên suốt trong quá trình gìn giữ non sông đất nước.

Thủ tướng cho biết, tất cả ý kiến đều phải được lắng nghe, xem xét. Nếu có quy định 99 năm thì đó cũng là trường hợp đặc biệt, chỉ áp dụng đối với những cơ sở hạ tầng quan trọng mà phải đầu tư vốn rất lớn, phải thuê đất lâu dài.

Trước ý kiến của người dân về vấn đề này, Thủ tướng cho biết, “chúng tôi tiếp thu ý kiến của dư luận, trình Quốc hội, lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng điều chỉnh xuống, đảm bảo nguyện vọng của bà con một cách phù hợp”. Còn việc điều chỉnh xuống bao nhiêu năm thì Quốc hội sẽ xem xét.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải tạo thể chế, môi trường đầu tư tốt để có thể cạnh tranh được, các chính sách này tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc là tối thượng.

                                                                                                            Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI