Chính phủ sẽ lắng nghe đề xuất của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài

20/08/2018 - 06:58

PNO - Trong cuộc gặp ngày 19/8, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 và sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài phát huy kiến thức, kinh nghiệm.

Đất nước chỉ hưng thịnh khi khơi dậy được lòng yêu nước, quy tụ được người tài đức dốc lòng vì nước - đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp mặt các chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài. Những “hiền tài” đó đã về nước tham dự chương trình “kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018“.

Chinh phu se lang nghe de xuat cua cac nha khoa hoc Viet Nam o nuoc ngoai
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài

Trong cuộc gặp ngày 19/8, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 và sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài phát huy kiến thức, kinh nghiệm.

Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ là tinh hoa của đất nước đang làm việc tại nước ngoài đã hội tụ tại trụ sở Chính phủ. Trong cuộc gặp, Thủ tướng phát biểu: “Đọc danh sách về thành tích, sự nghiệp của các bạn ngồi đây, tôi rất tự hào, đúng như câu người ta hay nói “tuổi trẻ tài cao”. Các bạn là những chuyên gia giỏi làm ở nhiều tổ chức, nhiều doanh nghiệp, trường đại học danh tiếng đã có mặt hôm nay”.

Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia có dân số đứng thứ 13 thế giới nhưng nền kinh tế mới xếp thứ 48. Nên mục tiêu lớn nhất lúc này là phải phát triển kinh tế nhanh, bền vững để thu hẹp khoảng cách với các nước. Và cách mạng công nghiệp 4.0, nền tảng là dữ liệu lớn, robot và trí tuệ nhân tạo, sẽ giúp nâng cao được hiệu quả cũng như hiệu suất của nền kinh tế.

Để không lỡ mất cơ hội này, Việt Nam cần phải kết hợp được sức mạnh, nhất là sức mạnh trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Và nguồn lực quan trọng nhất - yếu tố con người chính là việc hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày hôm nay.

Nhiều ý kiến, góp ý về các lĩnh vực đã được nêu. Riêng ý kiến về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, robot, tự động hóa; các chuyên gia, nhà khoa học trẻ đều có cùng một nguyện vọng, một mục tiêu là hướng về Tổ quốc. Giáo sư Nghiêm Đức Long (Australia) đã phát biểu rất xúc động: “Tôi cam kết đồng hành, đóng góp cho Chính phủ trong xây dựng hệ sinh thái 4.0 mà không cần Chính phủ trả thù lao”.

Hay tiến sĩ Phạm Quang Cường, giảng viên Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) rất mong Chính phủ có chính sách tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt ở nước ngoài có cơ hội đóng góp cho Tổ quốc. Tiến sĩ Cường đang làm việc trong lĩnh vực robot và tự động hóa nên ông rất mong được hợp tác, tham gia vào các dự án, nhà máy công nghiệp tại Việt Nam để cùng phát triển những robot “made in Việt Nam”.

Tiến sĩ Trịnh Toàn (Hoa Kỳ) thì bày tỏ mong muốn thúc đẩy liên kết giữa các nhà khoa học trong nước và ngoài nước để cùng kết nối tri thức, chung tay giải các bài toán phát triển đất nước.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia cho rằng: không ai hiểu người Việt Nam bằng người Việt Nam, nên cần sử dụng trí thức Việt để phát triển công nghệ cho người Việt, bởi rất nhiều công nghệ ở nước ngoài về Việt Nam không hoạt động được, hay muốn hoạt động thì phải dựa vào chuyên gia nước ngoài.

Và không chỉ sẵn sàng tham gia trực tiếp vào các hoạt động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những “hiền tài”  ấy sẵn sàng tham gia vào việc đào tạo nhân lực khoa học công nghệ cho đất nước; sẵn sàng đem những kiến thức, kinh nghiệm tiếp thu được ở các nước phát triển về truyền lại trong nước.

Trước những tâm huyết ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ rất trân trọng, tiếp thu và mong muốn các chuyên gia, trí thức tiếp tục đóng góp xây dựng thành công Chính phủ điện tử để chỉ đạo, điều hành của Chính phủ hiệu quả hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng trong Chính phủ phải kết nối để lắng nghe các đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực mà mình quản lý, phải tạo ra được môi trường thuận lợi nhất để các nhà khoa học ở trong và ngoài nước kết hợp được kinh nghiệm và tri thức cho phát triển đất nước.

Chiều cùng ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ công bố chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018” - Vietnam Innovation Network.

Chương trình "kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều cơ quan, đơn vị, một số  địa phương. Chương trình diễn ra từ ngày 18-24/8/2018 với thành phần nòng cốt là hơn 100 người Việt trẻ tiêu biểu đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài. 

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI