Chính phụ nữ phải biết đấu tranh

15/03/2023 - 06:32

PNO - “Bản thân phụ nữ phải đấu tranh, tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình”.

Trong cuốn Phụ nữ miền Nam với Bác Hồ do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ ấn hành năm 2014, có bài viết của bà Nguyễn Thị Thập - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 1956-1974. 

Trong bài viết, bà kể, ngay từ năm 1959, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Bác Hồ thường kiểm tra, nhắc nhở việc thi hành luật. Bác rất buồn khi biết còn tệ đánh vợ. Đến các địa phương, Bác thường hỏi cán bộ, đảng viên: “Ở đây còn tệ đánh vợ không?”.

Thấy tệ đánh vợ còn phổ biến, Bác viết một bài đăng trên Báo Nhân dân ngày 28/12/1962, tựa đề Phải thật sự bảo đảm lợi quyền của phụ nữ, ký bút danh T.L. Cán bộ hội phụ nữ liền đưa bài báo đó đến các xã, đề nghị những cán bộ, đảng viên còn đánh vợ phải đọc và kiểm điểm để làm gương cho quần chúng.

Trong bài báo nêu trên, Bác viết: “Nói chung thì đồng bào ta đều theo đúng pháp luật. Nhưng vẫn còn một số người làm sai. Thí dụ: khinh rẻ phụ nữ, và dã man nhất là thói đánh vợ. Trong nhân dân và trong một số cán bộ, đảng viên, vẫn còn cái thói xấu ấy. Thậm chí, có cán bộ và đảng viên đánh vợ bị thương nặng khi vợ ở cữ. Mẹ chồng và chị em chồng đã không can ngăn thì chớ, lại còn tham gia “thượng đấm tay, hạ đá chân”. Điều đáng trách nữa là, trước những hành động xấu xa và phạm pháp đó, chi bộ, chính quyền và nhân dân địa phương thường nhắm mắt làm ngơ.

Từ nay, đảng bộ, chính quyền và đoàn thể quần chúng (trước hết là đoàn thể phụ nữ và thanh niên) cần phải ra sức tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình sâu rộng hơn nữa và phải chấp hành thật nghiêm chỉnh. Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ phải đấu tranh, tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình”.

“Tệ đánh vợ” nay được khái quát thành “nạn bạo lực gia đình” mà phụ nữ thường là nạn nhân. Năm 2020, Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) công bố một nghiên cứu cho biết, 62,9% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời, khoảng 50% số phụ nữ bị bạo lực chưa từng kể với ai việc mình bị bạo lực và 90,4% chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng…

Xét ở phạm vi rộng, nạn nhân của bạo lực gia đình có cả nam giới nhưng phụ nữ - chủ yếu là người vợ - vẫn là nạn nhân phổ biến. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng trong cán bộ, đảng viên, vẫn tồn tại các hình thức bạo lực gia đình và có thể phần lớn nạn nhân cũng là phụ nữ.

Trên thực tế, nếu nạn nhân không lên tiếng, tố cáo, các hành vi mang tính bạo lực gia đình thường ít được phát hiện hoặc bị xử lý. Trong gia đình cán bộ, đảng viên, trí thức, nạn nhân là phụ nữ thường có xu hướng im lặng, nhẫn nhịn vì không muốn ảnh hưởng đến hình ảnh gia đình, đến con cái. Do đó, khi một người được coi là nạn nhân, có thể người này đã chịu sự bạo hành trong một thời gian dài trước đó.

Trong điều kiện hiện nay, để ngăn chặn nạn bạo lực gia đình nói chung và bạo hành đối với phụ nữ trong gia đình nói riêng, phải thực hiện đồng thời, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần sự tự giác của đàn ông và sự tự bảo vệ mình của phụ nữ, như Bác Hồ đã chỉ ra: “Bản thân phụ nữ phải đấu tranh, tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình”. 

Tổ chức Đảng, đoàn thể, chính quyền địa phương hay người dân ở nơi cư trú có thể tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, báo với cơ quan chức năng… nhưng không thể bảo vệ phụ nữ mọi lúc, mọi nơi khỏi bạo hành.

Trên nền tảng luật pháp, việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ phải được tất cả các chủ thể thực hiện thường xuyên, liên tục và chính phụ nữ phải không ngừng đấu tranh cho mình.

Nguyễn Minh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI