Chính phủ cùng gỡ khó để kinh tế TPHCM sớm khởi sắc

17/04/2023 - 06:22

PNO - Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM sáng 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã lắng nghe, phản hồi các ý kiến phản ánh và kiến nghị của lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM về những khó khăn, vướng mắc khiến tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong quý I/2023 quá thấp.

Sẽ có giải pháp với tình trạng cán bộ e dè, sợ trách nhiệm

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - thẳng thắn thừa nhận, sự trì trệ của hệ thống hành chính là một trong những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến tăng trưởng kinh tế của TPHCM quý I/2023 chỉ đạt 0,7%. Ông nói: “Tình trạng lo ngại khi thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức là có thật”. 

Bên cạnh chỉ thị sắp tới của Ban Thường vụ Thành ủy về nội dung này, ông kiến nghị Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý để cán bộ yên tâm làm việc, đảm bảo vừa phòng chống tham nhũng hiệu quả, vừa tạo môi trường làm việc, phát triển cho cán bộ.

Lãnh đạo các bộ, ngành trong đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng nhất trí rằng, đây là nội dung quan trọng, cần khẩn trương giải quyết. Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng, tình trạng cán bộ lo ngại, e dè trong thực thi công vụ không chỉ xảy ra ở TPHCM: “Có những việc thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng cán bộ quá thận trọng, không dám quyết nên phải lấy ý kiến rất nhiều cơ quan có chức năng”. Nhưng theo ông, không thể cho rằng nguyên nhân tâm lý e ngại là do việc kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm trong thời gian qua. 

 

Cống ngăn triều Tân Thuận (quận 7) đã hoàn thành 93% nhưng chưa thể về đích do vướng mắc thủ tục. Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng là một trong những dự án trọng điểm của TPHCM đang vướng mắc cần được tháo gỡ ẢNH: NGUYỄN VĂN
Cống ngăn triều Tân Thuận (quận 7) đã hoàn thành 93% nhưng chưa thể về đích do vướng mắc thủ tục. Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng là một trong những dự án trọng điểm của TPHCM đang vướng mắc cần được tháo gỡ - Ảnh: Nguyễn Văn

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho rằng, điều quan trọng là phải “giải phóng” tư tưởng cho cán bộ, khắc phục tư tưởng “3 không”, gồm không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm, vừa nghe ngóng. Để làm được điều này, bên cạnh chủ trương, cần có cơ chế, chính sách tạo môi trường làm việc an toàn cho cán bộ. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho hay, tới đây, Đảng bộ, chính quyền TPHCM sẽ có giải pháp cho vấn đề này: “Cái nào ra cái đó. Phải kiểm tra, giám sát và xử lý những trường hợp có tư tưởng chưa ổn, e dè, thiếu sức chiến đấu, cầu an. Ai không phù hợp công việc thì điều chuyển, không cải thiện thì cho nghỉ việc”. 

Theo ông, cán bộ cần làm việc với tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Trước hết là tìm cách giải quyết những nhu cầu bức thiết của xã hội hay các vấn đề mới phát sinh. Ông nhấn mạnh chủ trương: “Cái gì của anh thì anh làm, vướng chỗ nào thì báo cáo cấp trên, nếu thuộc thẩm quyền thì giải quyết và giải quyết trong thời gian nhất định”.

Cần sự phối hợp của cấp trung ương

Một trong những nội dung quan trọng trong cuộc làm việc là đảm bảo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành với UBND TPHCM. Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, thông tư để tháo gỡ các vướng mắc. 

Theo Thủ tướng, sự phối hợp chặt chẽ là rất quan trọng, và cần dựa trên tình hình của địa phương, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông gợi ý: “Các giải pháp, chính sách đã ban hành đã đi thẳng vào cuộc sống hay chưa? Quá trình tổ chức vận hành còn vướng mắc điều gì, cần bổ sung, hoàn thiện, điều chỉnh ra sao cho phù hợp với tình hình?”.

Tiếp lời, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu nhiều kiến nghị quan trọng cần sự phối hợp, giải quyết của các cơ quan cấp trung ương. Chẳng hạn, dự án xây đường Vành Đai 4 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương có đường này đi qua chủ động lập phương án. Tuy nhiên, hiện nhiều khả năng dự án này ở 2 tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỉ đồng - mức vốn buộc phải trình Quốc hội thông qua. “Từng địa phương làm thì cần nhất trí tiến độ và cần một đầu mối thống nhất” - ông Phan Văn Mãi nói.

Sắp tới, Thành ủy TPHCM sẽ có chỉ thị về tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai (trong ảnh: Cán bộ UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đang tiếp nhận hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính của dân) ẢNH: SƠN VINH
Sắp tới, Thành ủy TPHCM sẽ có chỉ thị về tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai (trong ảnh: Cán bộ UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đang tiếp nhận hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính của dân) - Ảnh: Sơn Vinh

Bàn về gỡ khó cho doanh nghiệp, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an - thừa nhận, đang có ý kiến cho rằng, các quy định phòng cháy, chữa cháy gây cản trở hoạt động cũng như sự phát triển của doanh nghiệp. Ông khẳng định, một số quy định đòi hỏi sự quản lý liên ngành, trong đó có những tiêu chuẩn đã cũ, lạc hậu và Bộ Công an cũng thường xuyên kiến nghị các bộ, ngành thay đổi: “Có những quy định áp vào như trên trời rơi xuống, doanh nghiệp kêu 
là phải”.

Ông Lê Quốc Hùng cho rằng, cần điều chỉnh một số quy định về phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp, không để trở thành rào cản của sự phát triển. Tuy nhiên, cũng cần xác định là, không thể vì muốn phát triển kinh tế mà hạ thấp tiêu chuẩn, bởi các tiêu chuẩn này nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Phản hồi nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị trong tuần tới, các đơn vị liên quan phải có biện pháp giải quyết, theo hướng rà soát có trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn của Việt Nam và có tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ông nói: “Phải có giai đoạn chuyển tiếp. Việc xây dựng, thực thi chính sách không được giật cục mà phải chuyển đổi một cách có lộ trình”.

Quan tâm hơn giải pháp huy động nguồn lực xã hội

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, trong bức tranh ảm đạm của kinh tế thế giới, tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 0,7% của TPHCM cho thấy nỗ lực rất lớn của địa phương. Dự báo thời gian tới, sẽ còn rất nhiều khó khăn.

Theo ông, chính quyền TPHCM cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ bối cảnh, tình hình của thế giới và của TPHCM để có sự chia sẻ, đồng hành. Chính quyền TPHCM cần tập trung triển khai các chương trình, đề án phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định quy hoạch. Việc này rất quan trọng bởi nếu chậm tiến độ, sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt dự án, chương trình phát triển của thành phố.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Diên, UBND TPHCM cần tận dụng các cơ chế đặc thù, nghiên cứu đề xuất những chính sách để huy động được nguồn lực xã hội cho đầu tư xã hội, thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics. Chính quyền thành phố cũng cần tập trung thúc đẩy chương trình đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nói, TPHCM hiện có hơn 22.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh thu xấp xỉ 3 tỉ USD/năm. TPHCM cũng nằm trong nhóm đứng đầu cả nước và thế giới về phát triển phần mềm, có ưu thế quy tụ nguồn nhân lực công nghệ cao. Vì vậy, cần có chính sách để TPHCM phát triển thành trung tâm vi mạch của cả nước. TPHCM nên đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực kinh tế số; sớm ban hành chiến lược quản trị dữ liệu, xây dựng trung tâm chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.

Khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi

Kết thúc buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến về 29 đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo TPHCM, gồm 24 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Thủ tướng và 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu dự buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM - ẢNH: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu dự buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM - : VGP

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã nêu kiến nghị khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng để xây dựng đường Vành Đai 3 trong bối cảnh thiếu cát san, đắp nền. Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, lãnh đạo bộ đã đồng ý với đề xuất này của UBND TPHCM. Bộ đề nghị UBND TPHCM đánh giá tác động môi trường sơ bộ trước khi cấp phép cho các doanh nghiệp vào khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng để không gây tác động xấu tới môi trường. Ông Võ Tuấn Nhân cũng kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM khẩn trương khai thác các mỏ cát theo hướng “cấp giấy phép đến đâu thì khai thác ngay đến đó”.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TPHCM trong hơn 35 năm đổi mới, trong phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào thành tựu chung của cả nước.

Theo ông, những kết quả của TPHCM trong quý I/2023 góp phần cùng cả nước đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm sự cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
 

Trong buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, lãnh đạo bộ này đã đồng ý với đề xuất khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng để làm vật liệu đắp nền đường Vành Đai 3 (trong ảnh: Đoạn đường Vành Đai 3 giáp ranh TPHCM và tỉnh Long An) - ẢNH: NGUYỄN MINH
Trong buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, lãnh đạo bộ này đã đồng ý với đề xuất khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng để làm vật liệu đắp nền đường Vành Đai 3 (trong ảnh: Đoạn đường Vành Đai 3 giáp ranh TPHCM và tỉnh Long An) - Ảnh: Nguyễn Minh

Cơ bản nhất trí với đánh giá của các đại biểu về các vướng mắc, hạn chế, khó khăn của TPHCM, Thủ tướng phân tích thêm một số nguyên nhân chính khiến tăng trưởng GRDP của TPHCM thấp. 

Theo ông, thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế nước ta với độ mở lớn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép cả từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ bên trong. 

“Khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Chúng ta phải tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo động lực, truyền cảm hứng để doanh nghiệp và người dân cùng tham gia phục hồi, phát triển kinh tế” - Thủ tướng nói.

Sẽ điều chỉnh quy định về mua sắm linh kiện thiết bị y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên xác nhận những vướng mắc mà lãnh đạo Bệnh viện Ung Bướu TPHCM nêu ra trong chuyến làm việc thực tế của Thủ tướng Chính phủ ở bệnh viện này ngày 15/4. Theo đó, khi mua sắm 1 thiết bị, cần có 3 bản báo giá (có thể của các hãng khác nhau) để lựa chọn, nhưng khi thiết bị hỏng 1 linh kiện mà vẫn quy định cần phải có 3 bản báo giá là không phù hợp bởi linh kiện cần được mua từ chính hãng sản xuất thiết bị đó. Bộ Y tế sẽ tiếp thu và xử lý vấn đề này trong thông tư sắp được ban hành.

Liên quan tới kiến nghị của UBND TPHCM về nguồn vốn mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức sắp hoàn thành phần xây dựng, ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế sẽ cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết kiến nghị này. Ông đề nghị UBND TPHCM xác định định mức trang thiết bị của từng bệnh viện, rà soát các thiết bị hiện có, phê duyệt dự án cụ thể để triển khai.

TPHCM chưa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng

Trong các yếu tố nội tại tác động tới mức tăng trưởng kinh tế thấp vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phân tích thêm, những động lực tăng trưởng của thành phố vốn đã suy yếu trong nhiều năm, lại đại dịch COVID-19 và suy giảm kinh tế thế giới bào mòn; những động lực mới để phát triển trong giai đoạn mới chưa được xây dựng và phát huy. Cũng có những vướng mắc cũ chưa được giải quyết triệt để. 

Dù vậy, trước mắt, TPHCM chưa điều chỉnh mức tăng trưởng, tức vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8% trong năm 2023.

Chủ tịch UBND TPHCM đưa ra nhiều giải pháp như tập trung giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Ông đồng thời gửi một số kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành cấp trung ương, như kiến nghị lập đoàn công tác phối hợp cùng UBND TPHCM nghiên cứu tái cơ cấu kinh tế và xác định các động lực phát triển để đảm bảo vai trò, vị trí của thành phố, gỡ khó các dự án giao thông liên vùng, cho phép TPHCM thí điểm cấp phép lao động điện tử cho người lao động nước ngoài.

Tuyết Dân - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI