Chỉnh lại cái “nóc nhà”

06/01/2022 - 05:29

PNO - Đã có rất nhiều con thuyền hôn nhân chìm đắm và tan vỡ không phải vì những cơn sóng lớn mà chỉ vì đáy hư hỏng, nước rỉ vào mỗi ngày.

Mấy hôm nay chị cứ nghĩ mãi về câu nói của Thùy: “Bạn sướt mướt vừa thôi. Ai khi yêu cũng cần tài lẻ, nhưng đến khi cưới thì tài chính mới quan trọng”.

So với bạn bè, chị đúng là khác biệt. Gần 40 tuổi, mà lúc nào chị cũng nhìn đời màu hồng, sống thong dong. Trong khi bạn bè tất bật kiếm tiền để sắm nhà cửa xe cộ, mua bảo hiểm, tích lũy vốn cho con du học, thì vợ chồng chị cứ tà tà lương công chức, chỉ đủ chi tiêu đắp đổi qua ngày. Không ít lần bạn bè mời chị cùng hợp tác kinh doanh, chị đều từ chối. Chị muốn dành thời gian cho con cái, gia đình.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Trong mắt bạn bè, vợ chồng chị là những người ngại cố gắng, chị không biết giải thích sao về khái niệm tri túc chính là biết đủ của mình.

Càng sống chị càng nhận ra, mọi vấn đề đều nằm ở góc nhìn, nên không thể đem cẩm nang sống của người này áp thành sách gối đầu giường của người kia. Đơn giản, ngày nối ngày, vợ chồng chị tiếp tục sống theo cách mà mình đã lựa chọn, không để ai ảnh hưởng đến mình, và mình cũng không lên tiếng gây ảnh hưởng đến ai.

Dạo gần đây, chị chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân khá đau đầu và đau lòng, đều liên quan đến vấn đề tài chính. Nhất là chuyện của Tuyết, em gái chị.

Vừa mới cưới, vợ chồng Tuyết đã có nhà riêng, có xe hơi, cộng thêm ít vốn liếng bất động sản. Quân, em rể chị, là người rất tháo vát, nhìn đâu cũng thấy cơ hội làm giàu. Quân có một công ty nhỏ chuyên buôn bán, cho thuê, sửa chữa đồ gia dụng, điện lạnh, điện máy hoạt động sầm uất ngay Q.4, TP.HCM. Ngày cưới Tuyết, cả dòng họ, ai cũng mừng cho em. Họ so sánh: “Cô chị nhiều tuổi hơn nhưng cô em lại khôn ngoan hơn, Tuyết thật khéo chọn chồng”.

Trong mùa dịch, chị chứng kiến không ít người vật lộn với khó khăn, vậy mà gia thế của em gái lại vững vàng, việc làm ăn luôn tịnh tiến, chị mừng lắm. Thế nhưng gần đây, Tuyết thường xuyên chia sẻ những dòng trạng thái không vui lên trang cá nhân. Tối hôm qua Tuyết đăng tút “Mệt mỏi, tủi thân, muốn biến mất khỏi cuộc đời”. Dòng trạng thái đăng lên vài phút rồi bị gỡ bỏ nhưng cũng đủ khiến chị cảm nhận được những ức chế, bất hạnh của em.

“Việc làm ăn quá bận rộn khiến Quân không có thời gian dành cho gia đình. Chiều nào anh ấy cũng đi ký hợp đồng về rất muộn. Từ ngày cưới đến nay đã gần một năm nhưng anh ấy ăn cơm tối với em khoảng được 20 lần. Con đau, con sốt gì cũng một mình em bồng bế trên tay cả ngày. Em mệt, mất ngủ gần kiệt sức cũng chẳng có một lời động viên, hỏi thăm”, Tuyết chia sẻ. 

Câu chuyện của em gái rất cũ. Chị đã từng nghe, từng thấy rất nhiều trường hợp như thế. Những người đàn ông kiếm ra tiền luôn được xem là “nóc nhà” của gia đình. Nhiệm vụ của họ là bươn chải, tích lũy tài sản; còn hàng trăm nhiệm vụ lớn nhỏ khác trong nhà người phụ nữ phải lo liệu, gánh vác. Và điều lạ là, mỗi khi gia đình âm ỉ sóng gió thì tất cả những người họ hàng, bạn bè thân thích đều xúm vào khuyên người phụ nữ nên uyển chuyển để xoay xở. Nào “chồng nó kiếm được tiền là nhất rồi, nó không ki bo, keo kiệt là tuyệt rồi”; nào “chồng giỏi kiếm tiền lại không hoang phí, gái gú, lô đề, làm vợ thế, còn muốn gì nữa”…

Từng sống và lớn lên bên nhau, chị hiểu tính em gái mình. Tuyết nhẫn nại và khép kín. Vậy nên, khi em đã để mọi chuyện bục rỉ ra, có nghĩa là mọi ấm ức đã quá giới hạn chịu đựng.  

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Chị nghĩ, dù làm bất cứ công việc gì, người đàn ông của gia đình cũng không thể một tháng vắng bữa cơm tối đến gần 30 lần, con đau, con ốm cũng giao hết cho vợ. Bận rộn không đồng nghĩa với vô trách nhiệm.

Một tổ ấm không phải là một cửa hàng kinh doanh để đặt việc chốt đơn, ký được hợp đồng lên hàng trọng tâm. Ai cũng kiếm tiền để tạo ra hạnh phúc, nhưng nếu không biết tiết chế và cân đối thì việc kiếm tiền sớm muộn gì cũng sẽ dự phần rất lớn vào việc chôn vùi hạnh phúc.

Đã có rất nhiều con thuyền hôn nhân chìm đắm và tan vỡ không phải vì những cơn sóng lớn mà chỉ vì đáy hư hỏng, nước rỉ vào mỗi ngày.

Với trách nhiệm của một người đi trước, chị lựa lời để thức tỉnh em gái mình. Chị nhắn: “Em có thể sống với một người chồng quá bận rộn như Quân một năm, hai năm. Nhưng để sống chung năm năm, mười năm là điều rất khó. Người đàn ông nào cũng như một đứa trẻ to xác, em chiều quá, nhịn quá, sinh hư đấy. Hãy ngồi lại, quyết liệt yêu cầu sự thay đổi rốt ráo một lần. Là rường cột, thì cũng có lúc lắp đặt sai.

Không phải lúc nào kèo, rui cũng phải loay hoay, xoay chiều theo rường cột!”. 

Minh Thi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI