Chính kiến... vỉa hè

05/06/2015 - 07:04

PNO - PN - Anh làm sếp của một cơ quan ở tỉnh, được đánh giá là có năng lực, tính tình nhân hậu và ngay thẳng. Nhưng, mấy lần ngồi với nhau, tôi đều nghe anh than là chỉ muốn... về câu cá.

edf40wrjww2tblPage:Content

Anh kể, tộc mình thuộc hạng lớn ở quê. Xây nhà thờ to đã đành, không rõ ông nào có... sáng kiến thuê họa sĩ vẽ truyền thần ông tiền hiền của tộc có gốc vùng Nghệ An. Mấy ông già gật đầu cái rụp.

Ngày khánh thành nhà thờ, ảnh được đưa ra cho con cháu ngắm: vóc dáng khôi vĩ và uy nghiêm, rõ là hàng danh tướng. Mọi người đều tấm tắc khen. Máu hay cãi nổi lên, anh hỏi một bậc chức sắc của tộc: cơ sở nào để vẽ ông này mặt mũi như vậy? Tại sao bậc tiền hiền cứ là quan lớn? Tất nhiên bậc tiên chỉ kia... tịt, nhưng đổi lại anh bị nện là thứ xỏ xiên, có học mà thiếu đạo lý, coi khinh ông bà.

Một người chửi, trăm người hùa theo. Anh nói, mình không bực mấy ông già, nhưng rất tức đám anh em có học. Hôm đó mấy chục người chẳng ai lên tiếng, dù sau đó ngồi với nhau họ nói anh nói đúng quá. Mình hỏi sao các chú im lặng? Họ trả lời không khác chi nhân viên cơ quan mình, là sợ đủ thứ, rồi nói cũng chẳng được chi!

Anh tiếp, chuyện cơ quan mình chán lắm, là đơn vị kinh doanh, va chạm bên ngoài bên trong thường xuyên, mọi hoạt động đều gắn liền với quyền lợi, uy tín và đời sống bao người, nhưng họp, hễ mình đưa ra những chuyện không tốt, những vấn đề đáng lo ngại phát sinh, nhất là trong mối quan hệ công việc của anh em trong cơ quan và yêu cầu mọi người nói thẳng, đáp lại gần như im lặng, dù mình biết sóng ngầm rất dữ. Đông đủ bá quan văn võ không nói, nhưng ra vỉa hè là thành... chính khách ngay, tụm năm tụm bảy bình... loạn, vẽ rắn thêm chân, mà trăm ngả đường đều dẫn đến... nói bậy.

Tôi nói, đó là bệnh của người Việt, chỉ ưng "tiểu ngạch" không ưng "đại lộ", thích mập mờ lờ đờ nước hến, thích làm... Khổng Minh nơi am cốc chứ không phải sa trường, mà tên gọi bao quát của bệnh này là khôn vặt, ngậm miệng ăn tiền, và đối với người có học thì đó là thói hèn, với người có chức quyền là thói tham sợ mất chức, mất lợi lộc.

Chinh kien... via he

Tại tỉnh nọ, có tiếng là hay cãi, hễ họp HĐND là các nhà báo... rình rập phiên chất vấn, nhưng đôi phen ba bận, rút ra kết luận là nên đi uống cà phê còn hơn, bởi chẳng ai cãi cọ, tranh luận dù ngổn ngang bao nhiêu vấn đề, nếu có lên tiếng thì chắc chắn là đại biểu làm ở Hội Cựu chiến binh bởi ông này... chẳng có gì để mất, rồi thêm một hai vị là lãnh đạo các huyện miền núi, nói thẳng cái bụng đồng bào. Không thấy ai khác nói gì.

Thế nhưng, giải lao là chuyện sôi lên, nhiều vị có chức quyền cao lại nói như trong ruột đi ra, bởi họ nắm rõ vấn đề. Tôi vài ba lượt hỏi thì được trả lời, nói cũng vô ích, hoặc họ... lobby trước, chỗ anh em cả cho qua, hoặc “nói rứa chứ tau còn lo nồi gạo”, nói cho lắm, đụng chạm...

Tôi đặt câu hỏi: Ông nói vậy, sai phạm cứ chồng lên nhau, không chịu sửa, rồi sẽ đi đến đâu, cử tri hỏi các ông trả lời sao? Câu trả lời là họ sẽ... từ từ khắc phục! Tôi truy tiếp: Ông sợ cơ quan ông cũng có chuyện bậy sẽ bị lôi ra chứ chi? Câu trả lời là... cười trừ!

Quan trường đã vậy, văn nghệ sĩ cũng chẳng hơn, dù họ được xếp vào hạng là chẳng ai hại được, bởi họ không ăn lương, văn nghệ, hội hè đoàn thể cũng là chốn “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Tôi nhớ một lần dự hội nghị viết văn trẻ, ban tổ chức yêu cầu các nhà thơ, nhà văn cả nước phát biểu. Hội trường lặng ngắt như giờ G siêu bão chuẩn bị đến. Hết giờ, đi nhậu, ối trời ơi, họ toàn là các nhà hùng biện, mà ác thay họ đều nói trúng và hay. Hỏi, thì được trả lời: Nói làm chi! Một nhà văn trong ban tổ chức sau đó nói với tôi: Cậu thấy không, đó là thói vong nô, không chính danh. Nhà văn mà không dũng cảm với chính mình thì tác phẩm của họ ra sao, khắc biết!

Đến bây giờ những tàn tích của lối sống sau lũy tre làng là co cụm, đèn nhà ai nấy sáng, thói tự ti mặc cảm, thích chọc khe bỏ nhỏ hơn tấn công trực diện, khôn vặt, tham vặt... của cán bộ công chức đến người dân ở làng quê vẫn còn. Nó có từ anh trí thức xuất thân chốn ruộng đồng đã đành, nhưng người có gia phả bốn đời cư ngụ đô thị cũng không thoát. Khoác lên mình đủ thứ danh vị, nhưng hành xử như trẻ con giấu kẹo, cho nên có lẽ đến giờ hai câu thơ chua chát của Tản Đà vẫn đáng suy ngẫm: Dân hai lăm triệu ai người lớn-Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con!

TRUNG VIỆT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI