“Chỉnh Đảng phải có trọng tâm”

03/02/2020 - 08:20

PNO - Đảng còn vì dân thì dân còn vững tin vào Đảng. Một cán bộ - đảng viên thật sự vì dân thì phải trung thực đặt việc dân lên trên hết.

Hôm nay là 3/2, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng tôi lại nghĩ nhiều về điểm mốc lịch sử, ngày 6/1/1930, đó là ngày các đại biểu thống nhất tán thành cả ba nhóm Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên đoàn thành một Đảng.

Trong tập san Sinh hoạt nội bộ, số 13, tháng 1/1949, tác giả Trần Thắng Lợi (tức lãnh tụ Hồ Chí Minh) đã viết: “Một nước mà ba đảng cộng sản. Cả ba nhóm đều ngầm hiểu như thế là sai. Quần chúng đều hiểu rằng như thế là không đúng. Cả ba nhóm đều tìm cách để đi đến thống nhất. Nhưng bệnh hẹp hòi và cách làm không khéo, cho nên càng muốn gần nhau, lại càng xa nhau”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ tại chiến khu Việt Bắc
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác chỉnh huấn cán bộ 

Từ ngày-thống-nhất ấy, trải qua 90 năm thực hiện sứ mệnh lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn giữ vững một khối “tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí”. Nhưng để cố kết từ lòng dân đến ý Đảng, trong từng giai đoạn cách mạng và nhất là từ cột mốc lịch sử 90 năm trở đi, là vận hội mà cũng chính là thử thách không nhỏ. Trong đó, tổ chức Đảng vẫn kiên định mục đích lý tưởng cao đẹp của mình, vai trò lịch sử của nó vẫn gắn chặt với vận mệnh đất nước, cơ đồ dân tộc; vấn đề còn lại là con người của tổ chức Đảng, tức đảng viên, nhất là đảng viên - cán bộ, lại là cán bộ cao cấp, người đứng đầu trong hệ thống đảng các cấp sẽ nắm giữ vận mệnh ấy ra sao, trong tâm thế và phẩm cách như thế nào.

Bởi rốt cùng, “Cán bộ quyết định mọi việc. Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí” - phát biểu của Hồ Chủ tịch tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của trung ương, ngày 11/5/1952.

Gần 70 năm sau, người đứng đầu Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của mọi then chốt.

Thử nhìn lại vài năm gần đây, từ một phần của thực tiễn phòng chống tham nhũng - vốn chỉ “dành” cho cán bộ - sẽ nhận diện một “nhóm không nhỏ” len lỏi, luồn lách trong tổ chức Đảng; nhân danh vị trí, vai trò, trách nhiệm mà tha hóa, băng hoại mọi điều lệ, đạo đức, pháp lý.

Chính họ, ngấm ngầm từng bước hủy hoại sức mạnh tự thân của Đảng, làm lung lay sức mạnh cố kết niềm tin về Đảng trong nhân dân. Đảng muốn “mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu” thì phải loại bỏ những cán bộ - đảng viên loại ấy, phải có công cụ đánh giá, kiểm soát và kiểm tra cán bộ - đảng viên một cách khoa học, khách quan, minh bạch, phải gia cố yếu tố “pháp quyền” trong tổ chức Đảng một cách mạnh mẽ, bài bản, quyết liệt hơn nữa.

Cũng tại lớp chỉnh huấn cán bộ đảng, dân, chính ở cơ quan trung ương, năm 1953, Hồ Chủ tịch thẳng thừng phê bình một bộ phận “tưởng là đảng viên thì muốn làm trời làm đất gì thì làm”. Người yêu cầu: “Chỉnh Đảng phải có trọng tâm. Chỉnh huấn cán bộ rồi mới chỉnh huấn toàn thể đảng viên”.

Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thật sự chúng ta đã học, đã làm theo đúng cái tinh thần ấy? Nếu đã học đúng, làm đúng thì trong từng tổ chức đảng, tính đảng ở mỗi đảng viên có đủ trách nhiệm, dũng khí để phê bình, góp ý, phản biện, bảo lưu phản biện đối với đảng viên - cán bộ cấp trên của mình?

Bản thân những cán bộ - đảng viên có học đúng, làm đúng theo Người cái tinh thần “tự phê” một cách trung thực, trách nhiệm để không trượt dài trong sai phạm, sai phạm cấu kết? Một khi cán bộ - người đứng đầu tự vuốt ve, thỏa mãn trước những lời khen, hoặc... đã triệt tiêu mọi phê bình, góp ý, phản biện thì đồng nghĩa tổ chức đảng ở đấy cũng đã tê liệt mất rồi.

Thực tiễn đang minh định, Đảng còn vì dân thì dân còn vững tin vào Đảng. Một đảng vì dân thì từng đảng viên, nhất là đảng viên - cán bộ, sau trước phải phục vụ nhân dân. Một cán bộ - đảng viên thật sự vì dân thì phải trung thực đặt việc dân lên trên hết, mưu cầu lợi ích cho dân trước khi cho mình, cho gia đình mình. Đạo đức thì tự trui rèn, giữ gìn cho trong sạch, với mình, với dân. Kiến thức, hiểu biết thì phải học và tích lũy, học để biết, để nắm, thậm chí phải học để cho... bằng dân. Chỉ cần nắm giữ hai việc ấy, và nắm giữ một cách trung thực, liêm chính thì lòng dân sẽ hợp quần ý Đảng, Đảng trường tồn cùng dân tộc, vững bền với nước non...

Ái Mỹ
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI