PNO - Nhiều nhà nghiên cứu về bình đẳng giới đều khẳng định chủ nghĩa xã hội đã tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tốt hơn, giúp họ có tiếng nói trong xã hội và ngày càng bình đẳng hơn với nam giới, điều mà ngay cả một số nước công nghiệp hiện đại phương Tây ngày nay vẫn chưa làm được.
Kỷ niệm 105 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2022) - Ngày này 105 năm trước, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thành công, đưa nhân dân lao động đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống của mình. Thực hiện những cam kết trong lý luận cốt lõi của Chủ nghĩa Mác, Liên Xô và các quốc gia xã hội chủ nghĩa sau này đã triển khai nhiều chính sách giải phóng người phụ nữ, giúp phụ nữ có điều kiện phát triển bình đẳng với nam giới. Việt Nam, một quốc gia đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, và theo đuổi tư tưởng giải phóng phụ nữ của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, vì vậy Việt Nam đã được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong những quốc gia đạt thành tựu bình đẳng giới ấn tượng nhất.
Giúp phụ nữ bình đẳng với nam giới
Năm 2018, Kristen Rogheh Ghodsee - nhà dân tộc học người Mỹ và là giáo sư nghiên cứu về Nga và Đông Âu tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cùng với Julia Mead - tiến sĩ nghiên cứu về bình đẳng giới của Đại học Chicago (Mỹ) - đã công bố một bài báo với tiêu đề Chủ nghĩa xã hội (CNXH) đã làm được gì cho phụ nữ?. Hai nhà nghiên cứu đã trích dẫn một bài báo trên tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh số ra ngày 9/3/2018, cho biết: Trong báo cáo đặc biệt về “Phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ”, người ta nhận thấy 8 trong số 10 quốc gia có tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao nhất là các nước XHCN trước đây, nơi đã từng khuyến khích phụ nữ tham gia các lĩnh vực toán học, khoa học kỹ thuật. Tờ Thời báo Tài chính cho rằng chính điều này đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sự thành công của phụ nữ thậm chí 3 thập niên sau khi bức tường Berlin sụp đổ.
Sau chuyến bay của Yuri Gagarin - người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ ngày 12/4/1961, trong phiên họp tháng 12 năm đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định cử một đại diện phụ nữ bay lên vũ trụ. Valentina Tereshkova đã được chọn và bà trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ
Trở lại năm 2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) báo cáo rằng 6 trong số 10 quốc gia hàng đầu có tỷ lệ nữ bác sĩ cao nhất cũng thuộc các nước XHCN trước đây. Điều đáng kinh ngạc là có tới 3/4 các bác sĩ ở Estonia là phụ nữ, so với con số 1/3 ở Mỹ. Một báo cáo khác của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cho thấy, so với Tây Âu, các nước Đông Âu có tỷ lệ phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển cao hơn nhiều. Thống kê năm 2012 cho biết, 2/3 thẩm phán ở Nga là phụ nữ. Lời giải thích cho những con số đó chính là các nước XHCN đã đảm bảo quyền giáo dục và việc làm cho phụ nữ.
Những năm đầu Chiến tranh lạnh, các nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng việc các nước XHCN khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động chính thức là phi tự nhiên, là phá vỡ kết cấu gia đình. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phụ nữ Mỹ được huy động tham gia sản xuất, nhưng theo nhà sử học Elaine Tyler May thì ngay khi chiến tranh kết thúc, họ đã bị đẩy trở lại nhà bếp khi những người lính trở về từ chiến trường. Ngược lại, các nước Đông Âu và Liên Xô lại khuyến khích phụ nữ tham gia vào công trường, nhà máy, văn phòng… một phần do thiếu lao động, nhưng khi sự mất cân bằng nhân khẩu học đã được điều chỉnh thì phụ nữ cũng không bị tước đi những cơ hội đó. Cam kết đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục và phát triển nghề nghiệp của phụ nữ được thực hiện ở tất cả các nước theo chế độ XHCN tuy mức độ có khác nhau.
Các chính sách bình đẳng giới của các nước XHCN đã giúp phụ nữ tiếp cận với nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, các kỳ nghỉ có lương, nhà trẻ và quỹ hưu trí độc lập của riêng họ. Hơn nữa, ở một số quốc gia, phụ nữ có thể nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm.
Hỗ trợ phụ nữ cân bằng công việc và gia đình
Việc duy trì sự tham gia lực lượng lao động chính thức của phụ nữ xuất phát từ cam kết đối với tư tưởng giải phóng phụ nữ bắt nguồn từ các lý thuyết cốt lõi của CNXH và nhu cầu ngày càng tăng của phụ nữ đối với sự độc lập kinh tế khỏi nam giới. Các nhà lãnh đạo các nước XHCN luôn tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển.
Ví dụ, vào những năm 1980, khi nhận thấy phụ nữ vừa tham gia làm việc ngoài xã hội vừa phải chăm sóc gia đình, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã xem xét các giải pháp để giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ trong quá trình làm việc và trách nhiệm gia đình. Họ cũng cố gắng xã hội hóa công việc gia đình của phụ nữ thông qua việc xây dựng nhà ăn công cộng, tiệm giặt ủi, hợp tác xã may mặc và các cơ sở chăm sóc trẻ em.
Bên cạnh đó khi các nhà lãnh đạo các nước XHCN đã tiến hành vô số cuộc khảo sát cho thấy sự phân công công việc nhà không đồng đều, họ đã cố gắng thuyết phục đàn ông giúp một tay. Ngay từ những năm 1950, Chính phủ Đông Đức đã bắt đầu khuyến khích nam giới đóng vai trò tích cực hơn trong gia đình, Ủy ban Phụ nữ Bulgaria đã cố gắng khuyến khích nam giới chia sẻ việc nhà và đào tạo ra một thế hệ trai trẻ sẵn sàng giúp đỡ các công việc trong nhà.
Hàng ngàn người tuần hành để đánh dấu ngày Quốc tế Phụ nữ ở Melbourne vào ngày 8/3/2019 với những khẩu hiệu yêu cầu phụ nữ phải được đối xử bình đẳng như nam giới
Hơn nữa, các đảng cộng sản đã đưa ra những sửa đổi triệt để đối với luật hôn nhân gia đình: đảm bảo bình đẳng nam nữ, tự do hóa ly hôn, đối xử bình đẳng với trẻ em (dù trong hay ngoài hôn nhân), và (ở hầu hết các quốc gia) bảo đảm quyền sinh sản của phụ nữ (nghĩa là phụ nữ khi sinh con được nghỉ ngơi và hưởng nguyên lương, được quyền quyết định sinh con hay không).
Trong một cuộc khảo sát những công dân Liên Xô cũ nhập cư vào Mỹ (do Bộ Quốc phòng, CIA và Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ) từ năm 1979 đến 1983, người Mỹ đã bị sốc bởi tỷ lệ hài lòng với công việc của những người này khá cao. “Điều thú vị nhất là mức độ hài lòng của phụ nữ đối với công việc của họ ở Liên Xô rất cao” - báo cáo viết. Các nhà nghiên cứu đã hỏi phụ nữ ở Liên Xô liệu họ có ở nhà không nếu chồng của họ có thể hỗ trợ, 80% cho biết họ thích làm việc hơn.
Một câu chuyện thú vị được kể bởi chính các nhà báo đến từ Tây Âu khi họ tham dự một hội nghị của Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế vào những năm 1970: khi gặp nhau, phụ nữ các nước phương Tây thì nói về công việc của chồng mình, còn phụ nữ các nước XHCN thì kể về công việc của mình.
Nói như vậy cũng không có nghĩa là bình đẳng giới và sự giải phóng phụ nữ không có ở các nước tư bản, nhưng những nỗ lực để đạt được bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các nước XHCN trước đây và hiện nay được hoạch định có hệ thống và xuyên suốt từ đảng cộng sản cầm quyền, quốc hội, chính phủ. Ở mỗi quốc gia XHCN đều có một ủy ban phụ nữ hoặc hội phụ nữ, và cơ quan này là đại diện của phụ nữ trong hệ thống chính trị. Còn ở các nước tư bản cho đến ngày hôm nay, các chính sách hỗ trợ phụ nữ được xem xét nhỏ lẻ, không hệ thống và chỉ nhờ vào quá trình đấu tranh của phong trào nữ quyền.
Trong kết luận bài báo CNXH đã làm được gì cho phụ nữ?, hai nhà nghiên cứu khuyến nghị: Phải ghi nhận những thành tựu về những gì các nước XHCN đã đạt được, để học hỏi từ họ và tiến lên phía trước, nhất là cuộc sống của phụ nữ dưới chế độ XHCN và những chính sách đãi ngộ dành cho phụ nữ. “Những người quan tâm đến việc thúc đẩy bình đẳng giới có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước XHCN Đông Âu, bởi vì các giải pháp được thiết kế từ giới hoạch định chính sách đã thúc đẩy những thay đổi xã hội và văn hóa cho phép phụ nữ cân bằng tốt hơn cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của mình so với các đối tác của họ ở phương Tây”.
Trong bài báo Bình đẳng giới không có CNXH sẽ không chữa lành xã hội bất bình đẳng đăng trên báo The Guardian của Anh ngày 8/3/2019, nữ nhà báo Ellie Mae O’Hagan cho rằng: “Bất bình đẳng giới là điều kiện cần của chủ nghĩa tư bản, thì CNXH là điều kiện cần để giải phóng thực sự phần lớn phụ nữ” và “nếu chỉ có phụ nữ đấu tranh cho bình đẳng giới mà không có hệ thống luật pháp thay đổi nhận thức xã hội như các nước XHCN đã làm thì không thể có bình đẳng giới”.