Tổng chi tiêu cho rượu bia mỗi năm “ngốn” hơn 16.300 tỷ đồng. Số tiền này có thể mua được 1,77 triệu tấn gạo, đủ nuôi sống gần 21 triệu người/năm. Trong khi đó, nhiều địa phương vô tư cấp giấy phép kinh doanh rượu sai luật.
Đâm vợ hơn 20 nhát dao vì rượu
Nếu năm 2005, lượng cồn (có trong bia, rượu) được Việt Nam tiêu thụ bình quân đầu người là 3,8 lít/người thì hiện đã cán mốc 6,6 lít/người/năm. Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á với ba tỷ lít mỗi năm và đứng thứ tư ở châu Á (sau Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc). Thông tin vừa được tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam công bố khiến nhiều người ngao ngán.
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng - Phó hiệu trưởng Đại học Y Dược TP.HCM cảnh tỉnh: “Khác với trước đây, hiện nay số lượng phụ nữ uống rượu bia đã tăng mạnh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, như TP.HCM. Một nghiên cứu trên 2.000 người dân từ 25-64 tuổi vừa được Đại học Y Dược TP.HCM công bố cho thấy, có 80% nam giới và 22% phụ nữ ở TP.HCM “nốc” rượu bia. Nếu đàn ông uống quá chén dẫn đến say xỉn chiếm 26% thì chị em uống “quên cả lối về” là 0,9%. Phụ nữ ở các vùng ngoại thành, nông thôn thì e ngại bia rượu hơn, 10% phụ nữ ở Cần Thơ và 7% phụ nữ ở các tỉnh miền Bắc chấp nhận “cụng ly”. Tuy nhiên, ở các vùng ngoại thành thì nhiều người uống rượu kiểu sát phạt để say nhiều hơn”.
Bệnh nhân nữ bị loạn thần do rượu đang được thăm khám
Rượu bia đứng thứ tư trong tám nguy cơ gây bệnh tật lớn nhất ở Việt Nam. Có đến 1/5 các trường hợp tử vong ở Việt Nam do bia rượu gây ra. Các rối loạn tâm thần liên quan đến rượu chiếm 2% bệnh nhân đến khám ngoại trú và 10% bệnh nhân nội trú tại BV Tâm Thần TP.HCM. BS Huỳnh Thanh Hiển - Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM nhắc nhở: “Những năm gần đây, số bệnh nhân phụ nữ đến điều trị các bệnh loạn thần do rượu đã xuất hiện. Nhiều gia đình tan nát, chồng vào tù, vợ tử vong cũng do rượu gây ra. Sáu tháng đầu năm nay, BV điều trị nội trú cho 22 bệnh nhân nữ và 222 bệnh nhân nam bị loạn thần do rượu. Bên cạnh các bệnh loạn thần do rượu phổ biến như: ngộ độc rượu, sảng rượu, trầm cảm, nhân cách phi xã hội, rối loạn chức năng tình dục… BV cũng thường gặp những dạng bệnh “lạ” do rượu như: hoang tưởng ghen tuông, bịa chuyện”.
Ca hoang tưởng ghen tuông của bệnh nhân T.V.G. 52 tuổi, đâm chết vợ bằng 22 nhát dao là trường hợp đáng buồn nhất trong số 30 ca mà BS Huỳnh Thanh Hiển từng gặp. Ông G. làm nghề xây dựng nên có thói quen nhậu. Sau một thời gian dài, tư duy của ông bắt đầu giảm sút, lúc nào cũng nghi ngờ vợ ngoại tình. Mỗi khi thấy vợ mua chai nước hoa mới hoặc mua quần áo mới là ông nổi cơn ghen. Đến một ngà y, cả xóm đang nghỉ trưa thì nghe tiếng kêu cứu thất thanh từ nhà ông G., hàng xóm chạy đến phát hiện ông G. cầm dao ngồi trên lưng vợ và đâm nhiều nhát. Theo bác sĩ Hiển, những ca bị hoang tưởng ghen tuông kiểu này khó điều trị hơn những ca loạn thần thông thường do rượu.
BS Trần Duy Tâm, BV Tâm Thần TP.HCM cho biết, BV từng tiếp nhận bệnh nhân nữ C.T.T.K. 45 tuổi bị nghiện rượu dẫn đến hội chứng Korsakoff. Bà K. thường bịa chuyện cho người khác nghe, dù bản thân bà không cố tình và không hay biết. Ngồi cạnh bác sĩ và chồng, bà kể hôm qua đi siêu thị gặp chị A. hàng xóm đứng bên cạnh mua táo; tối hôm qua, khi bà dẫn chiếc xe máy để tạm trước cửa nhà chị A. thì bị chồng chị quát mắng. Nghe chuyện vợ kể, chồng bệnh nhân lắc đầu cho bác sĩ biết vợ chồng chị A. đã đi du lịch nước ngoài. Câu chuyện vợ ông kể đã xảy ra từ nhiều năm trước. BS Tâm lý giải: “Người bệnh bịa chuyện là do rượu đã tác động kéo dài lên vùng lưu trữ trí nhớ ở não, làm giảm lượng vitamin B, sa sút trí nhớ… Người bệnh khi kể chuyện thườ ng chắp vá những câu chuyện có thật trong quá khứ “gắn” vào hiện tại nhưng họ kể rất vô tư, không cảm thấy sai hay xấu hổ…”.
Luật lỏng lẻo
Việt Nam có đến 58% hộ gia đình thường xuyên uống rượu bia. BS Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam trăn trở: “Đáng nói, hộ giàu và có học vấn cao lại mạnh tay chi tiền cho rượu bia. Nhiều gia đình tuy nghèo khổ nhưng cũng chi bạo cho rượu bia. Ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo, số tiền chi cho rượu bia tương đương với 146 ly bia/năm. Nếu các gia đình này nhịn bia rượu thì họ có thể mua được 122 ly sữa cho con”.
Chính vì nhà nhà uống rượu bia nên trẻ em Việt Nam cũng hình thành thói quen xấu từ nhỏ; thậm chí nhiều người lớn thường ép trẻ nhỏ uống bia và tán thưởng. Tỷ lệ sử dụng rượu bia trong nhóm tuổi từ 14-17 tăng từ 35% lên 47,5% và nhóm từ 18-21 tuổi tăng từ 56% lên 67%. Chi tiêu cho rượu bia quá lớn nên số hộ nghèo tăng lên.
Theo BS Phạm Thị Hoàng Anh, để kiểm soát và hạn chế lượng rượu bia bán ra thị trường thì Nhà nước phải đánh thuế cao và tăng giá bán. Như vậy sẽ hạn chế được số lượng người nghèo và người trẻ uống bia rượu; đặc biệt sẽ giảm số người uống nhiều. Tuy nhiên, hiệ n chính sách thuế trên các sản phẩm rượu bia còn quá thấp, thuế nhập khẩu bia mới chỉ 35%, rượu từ 48-55%. Giá bia rượu ở Việt Nam còn rẻ hơn nước lọc có thương hiệu!
Số lượng công ty nước ngoài mở nhà máy sản xuất bia tại Việt Nam ngày càng nhiều. Nhiều hộ gia đình cũng tranh thủ kinh doanh sản xuất rượu tại nhà mà không bị xử lý. Theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu, với dân số 400.000 dân thì địa phương không được cấp quá một giấy phép cho nhà phân phối; còn 100.000 dân thì cấp không quá một giấy phép cho nhà bán buôn; nếu chỉ 1.000 dân thì cấp không quá một giấy phép cho nhà bán lẻ.
Thế nhưng qua khảo sát của trường Đại học Y tế công cộng (Hà Nội) tại ba tỉnh Khánh Hòa, Thái Bình, Đồng Tháp từ 2013-2015 cho thấy, chỉ với 161.000 dân, nhưng Sở Công thương ở các tỉnh này đã cấp đến 65 giấy phép, chưa kể các cơ sở làm chui. Như vậy, dù nhà sản xuất là bán lẻ, bán buôn, phân phối thì Sở Công thương của ba tỉnh này đã cấp sai quy định của Chính phủ. Còn theo báo cáo của lực lượng quản lý thị trường các tỉnh này thì trong 161.000 dân phát hiện thêm 477 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu lậu.
Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên siết chặt giờ và ngày bán bia rượu, việc cấp phép cho các cơ sở nấu rượu cần phải chặt chẽ. Riêng sản phẩm bia, hiện pháp luật còn thiếu các quy định về quản lý, sản xuất. Hiện nay, việc sản xuất kinh doanh bia vẫn được xem như thực phẩm thông thường, chưa được kiểm soát. BS Hoàng Anh cảnh tỉnh: “Không giống những sản phẩm công nghiệp khác, việc làm giàu từ rượu bia đồng nghĩa với việc kinh doanh trên sức khỏe, xương máu của người dân, chứ nó không tạo ra được giá trị nâng cao đời sống của người Việt”.
Người uống rượu bia tiêu thụ 37,7 gam cồn mỗi ngày
BS Phạm Thị Hoàng Anh cho biết: “Rượu bia không phải là đồ uống bình thường mà là chất gây tổn hại to lớn đối với người sử dụng và toàn xã hội. Trung bình một ngày, người uống rượu bia tiêu thụ 37,7g cồn nguyên chất. Do đó, rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, trong đó 20% ca tử vong do tai nạn giao thông, 30% ca ung thư thực quản, ung thư gan, động kinh và giết người, 50% ca tử vong do xơ gan. Đồng thời, đây là nguyên nhân khiến 15-20% người lao động vắng mặt trong giờ làm việc, 21% nam vị thành niên Việt Nam lái xe sau khi uống rượu bia và bị các chấn thương phải nghỉ học, nghỉ làm ít nhất một tuần trở lên. 34% bạo lực gia đình ở Việt Nam là do rượu bia gây ra”.