Hai vợ chồng vội vàng chạy ra ban công. Theo hướng chỉ tay của thằng bé, phóng tầm mắt phía xa, thấy dáng bay chấp chới của một bóng chim lẻ loi giữa không trung mênh mông mà bàng bạc sương khói của chiều cuối năm. Rồi chỉ trong nháy mắt, hình ảnh nhỏ nhoi chuyển động ấy cũng mất hút vào một bờ cây xanh nơi khúc sông sau dãy nhà phố lô nhô. Dấu vết còn lại của con chim cu gáy là một đám lông vũ màu nâu và trắng rụng trên sàn ban công, bên những cánh mai vàng sớm nở. Có lẽ nó đã rất hốt hoảng khi thoát ra chiếc khỏi lồng; đã cố hết sức trong những cái đập cánh đầu tiên để bay thoát lên vùng trời tự do rộng lớn sau một thời gian dài sống cảnh đủ đầy trong chật chội và tù hãm.
Thằng bé sợ bị rầy la, nên líu nhíu giải thích: “Con cho em Milk ăn (Milk là tên nó đặt cho con chim cu gáy), rồi mở cửa lồng vẩy nước tắm để em sạch sẽ ăn tết mà quên đóng cửa lồng. Con xin lỗi ba mẹ vì con đã để chim bay mất rồi…”.
Vợ chồng tôi nhìn nhau, cả hai đều không giấu được cảm xúc trống trải, hiu hắt trước sự việc bất ngờ. Nhưng rồi tôi lựa lời an ủi con: “Thôi, lỡ rồi, con đừng buồn. Bây giờ mình treo cái lồng lên, mở cửa đợi ở đó, biết đâu nó sẽ nhớ nhà mà quay về”.
|
Ảnh: Khắc Hiếu |
Vợ tôi cũng nói nối theo: “Phải đó, chắc nó sẽ thấy đói vì không ai cho ăn, thế nào cũng quay về thôi. Con đừng buồn nữa…”. Đâu ngờ, lời khuyên của người lớn không xoa dịu mà còn mở ra một mối lo khác cho con trẻ. Thằng bé thẫn thờ nói: “Tội nghiệp nó quá mẹ ơi. Ví dụ nó có quay về thì chung cư chỗ mình quá trời cánh cửa các căn hộ giống nhau, làm sao nó biết chỗ nào là chỗ nào. Lỡ nó bay vào nhà người khác, người ta nhổ hết lông rồi nấu cháo thì sao?”.
Tôi lại phải an ủi: “Không sao đâu con. Mình cứ chờ xem, nó sẽ nhớ đường quay về và chui vào nhà của nó cho coi. Còn giả như nếu nó đi lạc, thì chắc chắn cũng sẽ gặp chủ nhà yêu thương nó như gia đình mình thôi con à”.
Chắc chắn những trấn an lúc này có hay ho cách mấy cũng chưa thể làm nguôi dịu nỗi day dứt, lo lắng và muộn phiền bên trong tâm hồn thằng bé. Thằng bé đang đau khổ vì trong tích tắc mất đi con chim mà nó từng xem như người bạn thân thiết. Một năm qua, hằng ngày đi đâu về nó cũng sà đến ngồi bên con chim rồi cả hai cứ “grù grù” nói chuyện với nhau. Sự thân thiết ấy có lúc khiến tôi nghĩ có thể đứa trẻ và con chim cúc cu đã hiểu được ngôn ngữ của nhau ở mức độ thuần túy nhất của mọi giao tiếp.
Có lẽ, từ khởi thủy của thế giới, con người cũng đã chuyện trò với muôn loài như vậy.
Tôi vươn tay treo chiếc lồng đang mở cửa sẵn lên trên góc cao của ban công. Trong lòng vẫn nghĩ, chim đã sổ lồng thì bay đi tìm bầu trời rộng lớn, đời nào có chuyện quay về góc lồng chật chội. Bởi dù ở trong lồng, có được nâng niu chăm sóc đủ đầy hằng ngày, thì đó vẫn là cách nghĩ của con người chứ đâu phải của loài chim. Những ngày qua, con cu gáy phải cam chịu cảnh mất tự do để thỏa mãn thứ lòng tốt đi cùng với tính sở hữu của giống loài văn minh. Và nó đã làm tròn vai: mang lại thứ biểu trưng của giới tự nhiên giữa cảnh sống đô thị cằn cỗi. Tiếng hót cúc cu cúc cu của nó đánh thức không gian của những khu rừng, khoảng vườn xanh bốn mùa bình yên, xoa dịu những nặng nề của thế giới ngày càng xộc xệch mà con người tạo ra.
Với thằng bé, tình bạn của nó với chú chim cu gáy có thể là mô phỏng theo một tình bạn tốt giữa con người với muôn loài như đã gặp trong những chuyện kể ngày xưa. Và tuy không vuốt ve được con chim trong lồng hằng ngày như cách người ta nuôi thú cưng, nhưng chắc rằng trong chúng tôi - vợ chồng tôi và thằng bé - đều nghĩ rằng, mình đang yêu thương và dưỡng nuôi con chim theo cách tốt nhất. Đó là một ân huệ cho nó. Chính ý nghĩ ấy choán hết tâm trí, che chắn mọi chiều kích, khiến chúng tôi chưa từng cảm nhận theo hướng ngược lại, rằng con chim cu gáy tội nghiệp kia đang hy sinh tự do, đánh mất bầu trời rộng lớn khi ở trong chiếc lồng nhỏ xíu nơi này.
Chiếc lồng trống mở cửa đã được treo lên cao. Và suốt mấy ngày tết, hễ chạy xe ra đường là thằng bé cứ đưa mắt dáo dác nhìn lên những tàn cây cao, miệng nó kêu “grù grù, cúc cu, cúc cu…”. Khi về đến nhà, việc đầu tiên là nó chạy ra ban công ngó lên. Rồi lần này đến lần khác, nó đứng xuôi tay, thẫn thờ nhìn về những bụi cây xanh phía khúc sông.
Trong đầu nó đang nghĩ gì, chúng tôi không thể biết. Có một điều chắc chắn, là sự vắng mặt bất ngờ của con chim đang làm cho những ngày tết trở nên trống trải, hẫng hụt trong tâm hồn nhạy cảm của nó.
Tối mùng Hai, khi cả nhà ngồi ăn tối ở bên chậu mai nở hoa vàng, thằng nhỏ nói: “Ba, chắc bây giờ em Milk đã kiếm được thức ăn ngoài tự nhiên rồi hả ba?”. Tôi nghĩ nhanh, rồi nói: “Chắc chắn vậy rồi con. Nó tìm được thức ăn và thấy vui với cuộc sống bên ngoài nên không về nhà mình nữa”. “Vậy ba còn treo cái lồng lên đó làm chi vậy ba?”. “Ờ thì… - tôi ấp úng trước câu hỏi lắt léo - … chúng ta cứ để đó làm kỷ niệm về nó. Nó đã từng đến đây, ở với nhà mình một năm rồi còn gì”.
Tôi nói vậy, nhưng vẫn biết, đó chỉ là cách chống chế. Việc treo chiếc lồng chim lên cao hệt như treo lên một niềm hy vọng và đợi chờ vô căn cứ. Nhưng rõ ràng cả chính tôi cũng cần đến niềm hy vọng và đợi chờ quá đỗi mong manh đó: Một ngày con chim sẽ trở về nơi chốn thân quen.
Trong bữa ăn, vợ tôi ngồi nhắc lại chuyện con chim một hôm từ đâu bay đến, đậu trong phòng khách lúc 10 giờ tối, cũng một đêm mùa xuân. Nó đứng lim dim mắt trên thành ghế sofa. Nó dạn dĩ đến mức lấy điện thoại đưa đến gần để chụp ảnh mà cũng không buồn nhúc nhích. Thằng con phụ họa nhắc chuyện hai cha con phải chạy nhanh về nhà để chứng kiến điều kỳ lạ, rồi ba đã tắt hết đèn, tóm lấy nó như thế nào. Nó cũng nhắc cả chuyện ba tháng trời con chim chỉ gật đầu “grù grù” với hai mẹ con, trong khi không thèm chào “ông ba mặt nhăn” một tiếng nào chỉ vì giận việc nhốt nó vào lồng, rồi còn vẩy nước tắm, làm nó hốt hoảng…
“Nghĩ lại thấy chim chóc gì mà cũng đỏng đảnh phát ớn”, thằng nhỏ nói.
Câu chuyện về con chim cúc cu đã trở thành chủ đề của bữa ăn tối ở ban công trong một cái tết thành phố không nhiều màu sắc. Qua điện thoại, thằng nhỏ cũng báo tin với bà nội, bà ngoại nó ở quê chuyện con chim cúc cu đã bay rồi, không quay về nữa. Bên kia điện thoại, nội ngoại đều khuyên nó rằng thôi để ít bữa người ta buôn bán trở lại, ba ghé tiệm chim cá kiểng mua cho một con chim khác đặt vào trong cái lồng trống đó, rồi thì con sẽ lại có bạn thôi mà.
Thằng nhỏ không chấp nhận khả năng đó, nó nói: “Nhưng con đã đặt tên cho nó rồi. Nó là bạn, là em của con, còn chim mua ngoài cửa hàng về thì nó đâu có gắn bó với mình. Mà mua chim ngoài tiệm về nuôi, mai mốt nó lại bay như em Milk thì sao…”.
Người lớn cũng hết lời an ủi nó trong suốt mấy ngày trời. Và hơn ai hết, tôi hiểu rõ nhất cảm xúc trống vắng đến chuếnh choáng của nó lúc này, không thể qua một cái tết mà có thể nguôi khuây.
Đêm trước khi ngủ, trong bóng tối, tôi thầm thì kể với nó câu chuyện khi còn là một cậu bé, ba đã nuôi nhiều loài chim rừng, nhưng cũng nhiều lần phải mang xác chim đi chôn chỉ vì có lúc chúng bị nhiễm bệnh, có lúc chúng lại bị mèo vồ, có lúc thì chúng vì già mà chết… Ba cũng buồn như con bây giờ. Và mỗi con chim chết, ba đều vun một ngôi mộ nhỏ, rồi cầu nguyện cho linh hồn chúng được bay về thiên đường, chờ mình ở đó.
Câu chuyện về sự cứu rỗi loài người được gán ghép vào loài chim, bởi hạt mầm yêu thương loài vật trong tâm hồn ấu thơ mà mỗi đứa trẻ lớn lên nơi thôn quê đều được gieo vào. Sự mất đi của những con vật nuôi thân thương cũng là những kinh nghiệm quý giá để đối diện, vượt qua sự mất mát, chấp nhận lãng quên để tiếp tục bước đi trong đời. Sự ra đi của những loài vật từng quấn quýt cũng là những trải nghiệm báo trước về cuộc đời phía trước sẽ có những điều ta yêu thương, trân quý một ngày nào đó không còn ở lại. Những bài học được gửi đến từ tự nhiên cho ngày thơ ấu như phương thuốc quý, giúp ta điềm đạm hơn, biết đón nhận những run rủi xảy đến trong cuộc sống vô thường.
“Và cho đến khi lớn lên, mỗi khi đi xa về, ba vẫn ra vườn ngồi nghe tiếng hót của bầy chim, ba vẫn thấy hình dáng của chúng nhảy nhót, tìm châu chấu, tìm lúa ở trong khoảng sân nhỏ, cạnh cái giếng hay trên bờ rào… Chúng vẫn cất tiếng hót văng vẳng đâu đó trong vườn. Là con sáo biết nói những câu dễ thương “Anh ơi, anh à”, “Anh đi đâu về đó?”, “Nhà mình có khách, xin chào”, đến con chèo bẻo có chiếc cờ trên cánh đuôi dài giữ nhà thiệt giỏi, con chích chòe vẫn bay lên cây dừa hót líu lo mỗi giấc trưa và cả con chim sâu nghệ nhỏ xíu đậu trên vai ba kêu zách zách…”. Tôi kể say sưa. Và khi nhìn lại thì thằng bé đã đi vào giấc ngủ sâu.
Trong bóng tối, có lẽ môi nó đang chúm chím như miệng chú chim non và thỉnh thoảng sẽ nở nụ cười trong giấc mơ lành của một đêm xuân mát mẻ.
Chiếc lồng tôi vẫn treo ở đó cho đến hôm nay. Và cánh cửa phòng khách đêm đêm tôi vẫn mở ra khoảng cây xanh góc ban công. Đã gần một năm trôi qua, ngôi nhà của con cúc cu vẫn trống. Tôi không đón về một con chim nào khác. Thằng nhỏ cũng không muốn vậy. Nó dần tin rằng, em Milk của nó đã tìm được bạn bè, gia đình trong tự nhiên. Có thể con chim đó đã sinh ra những quả trứng hồng, những quả trứng đã kịp nở những con cúc cu non. Bây giờ thì nó bận rộn đi kiếm mồi, làm sao còn nhớ đường quay về ngôi nhà cũ.
Tôi tự hỏi, trong ký ức của con chim tự do có bao giờ chợt hiện hình ảnh cậu bé từng nói chuyện với nó hàng giờ ở bên một ban công nhiều cây xanh hay khuôn mặt khó đăm đăm của một người đàn ông trung niên đang hồi tưởng những khu vườn đã mất?
Nhiều lần, trong tĩnh lặng của đêm trăng, chúng tôi mở sofa-bed nằm hóng gió, và nghe bên ngoài vang lên những tiếng “grù grù”, cả tiếng đập cánh rất gần. Thằng bé nói: “Ba, con vừa nghe em Milk ghé qua ngoài ban công kìa”. “Thật không? Ba cũng vừa nghe thấy nó “grù grù grù grù” thì phải…”, tôi đáp.
Vào phút giây đó, tôi thấy mừng thầm vì sống giữa thành phố nhưng thằng bé đã nghe được thứ âm thanh tự nhiên ngay cả khi không cần phải cầm buộc tự do của một cánh chim nào.
Đã từ lâu, suốt bốn mùa, tôi nghe tiếng chim trong khu vườn quê nhà cũng bằng một cách đầy bí mật như vậy.
Nguyễn Vĩnh Nguyên