Có rất nhiều thứ để bàn khi nhắc tới Children of heaven (Những đứa trẻ thiên đường) - bộ phim của điện ảnh Iran đã vang danh khắp năm châu bốn bể. Ra đời năm 1997 dưới bàn tay đạo diễn Majid Majidi, tác phẩm nhanh chóng được giới điện ảnh hàng đầu tán dương. Trên tờ Chicago Sun-Times, nhà phê bình gạo cội Roger Ebert nhận định đây là bộ phim gần như hoàn hảo cho trẻ em. Một số người khác thì so sánh nó với tác phẩm kinh điển Bicycle thieves (1948) của Vittorio de Sica.
|
Với điện ảnh Iran, Children of heaven luôn là một ví dụ cho thành công từ cách làm phim giản dị, chân thành |
Bản thân Children of heaven cũng trở thành một bộ phim kinh điển. Nó đại diện Iran dự hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc” ở Oscar năm 1998, nhận đề cử và chỉ chịu thua Life is beautiful của Roberto Benigni. Đây là lần đầu tiên Iran có tác phẩm vào được vòng 5 phim cuối cùng ở hạng mục này. Tiếng vang đó khiến Children of heaven được nhiều nước châu Âu mua lại để phát hành. Tác phẩm còn dự nhiều liên hoan và gặt hái các giải thưởng.
Nhìn về điện ảnh Iran, Children of heaven luôn là một ví dụ cho thành công từ cách làm phim giản dị, chân thành. Một bộ phim không giật gân, không có kỹ xảo nhưng nhẹ nhàng chạm tới trái tim của nhiều khán giả bằng câu chuyện xúc động. Những nhà làm phim Iran là thế, vẫn luôn gây sửng sốt cho thế giới trong điều kiện hoạt động cực kỳ gian khó.
Số phận của những đứa trẻ nghèo
Chuyện phim xoay quanh 2 anh em Ali (Amir Farrokh Hashemian) và Zahra (Bahare Seddiqi) thuộc một gia đình nghèo ở Tehran (Iran). Trong một sự cố, cậu bé Ali làm mất đôi giày của em gái. Bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ali không dám nói thật chuyện này với cha mẹ.
|
Hiếm có bộ phim nào làm về tình anh em hay như Children of heaven |
Để che giấu sự việc, Ali và em gái bày ra một “chiêu”: cả hai sẽ thay phiên nhau mang giày của cậu bé. Mỗi sáng, Zahra đi giày của anh trai đến trường, đến khi về lại trả để Ali đi học. Tuy qua mắt được cha mẹ, trò này lại khiến Ali trễ học nhiều lần do phải chờ em gái về mới có thể bắt đầu đi…
Vận rủi còn chưa buông tha gia đình Ali. Cha cậu nhận được công việc hậu hĩnh tại khu nhà giàu ở Tehran và Ali cũng giúp sức đáng kể. Trên đường về nhà, người cha có ý định mua một đôi giày mới. Vậy mà niềm vui của họ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi thắng xe đạp bị hư và cha cậu bị thương trong vụ tai nạn.
Hy vọng lại được thắp sáng khi Ali hay tin về cuộc thi chạy 4km dành cho trẻ em, với phần thưởng cho người về thứ 3 là một đôi giày. Cậu tham gia giải này với khát khao lớn nhưng trớ trêu là không nhắm đến chức vô địch mà quyết về đích đúng vị trí thứ ba…
Hiếm có bộ phim nào làm về tình anh em hay như Children of heaven. Dù trải qua hoàn cảnh gian khó, thiếu thốn về vật chất, 2 đứa trẻ vẫn hết mực gắn bó với nhau. Em gái thì xấu hổ vì phải đi đôi giày rộng của anh trai còn anh trai phải chạy cật lực đến trường. Thế nhưng, chúng vẫn dành những điều quý nhất trong cuộc sống cho nhau. Phim tạo ra những khoảnh khắc nho nhỏ nhưng xúc động, như phân đoạn cậu bé nhận được cây bút phần thưởng từ thầy giáo rồi tặng lại cho em gái như một cách bù đắp.
Cuộc chạy đua là cao trào trong mạch phim và cũng mở ra nhiều tình tiết thú vị. Do mang chung giày, Ali trở thành chân chạy cừ khôi… bất đắc dĩ. Mỗi ngày, cậu phải ba chân bốn cẳng di chuyển từ nhà đến trường với nỗi lo trễ học. Khi hết thời hạn đăng ký, Ali đến gặp riêng thầy với tiếng khóc nức nở và lời hứa sẽ đoạt giải. Chỉ khi chứng kiến tốc độ xuất thần của cậu bé, người thầy mới cho Ali dự thi.
Ở cuộc thi, Ali lại gặp tình huống oái oăm khi… chạy quá nhanh và dẫn đầu cuộc đua. Cậu phải tìm cách giảm tốc để về đích đúng thứ hạng mong muốn nhưng khi có quá nhiều đứa trẻ bám đuổi nhau sát nút gần vạch đích thì đó là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
|
Children of heaven là một trải nghiệm để bạn có thể mỉm cười |
Chủ đề của bộ phim rất phổ quát và không bị gói gọn trong biên giới Iran. Có thể nói, đây đúng là một bộ phim dành cho trẻ em và khiến những khán giả nhí thích thú lẫn hồi hộp. Có ai trong chúng ta chưa từng trải qua hoàn cảnh như Ali và Zahra: lỡ làm sai gì đó và sợ “chịu tội” với phụ huynh? Nỗi sợ đó chân thật và dễ gây đồng cảm hơn nhiều bộ phim Hollywood về chủ đề giải cứu thế giới. Và, “thế giới” trong mắt những đứa trẻ đôi khi chỉ đơn giản là những điều nhỏ nhặt như thế.
Sự giản dị trong cách làm phim
Children of heaven không có kỹ xảo hay những cảnh quay cần quá nhiều hiệu ứng đặc biệt. Phim được quay khá đơn giản và rất ít dùng nhạc nền để khán giả tập trung vào âm thanh của đời sống. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đây là một tác phẩm sơ sài. Trái lại, nó có nhiều sự dụng công để đạt đến độ tinh anh về nghệ thuật.
Một cảnh tuyệt vời trong phim là khi cha con Ali đạp xe từ những con đường và ngõ hẻm lạc hậu ở khu phố cổ đến các ngôi nhà cao tầng sang trọng nơi người giàu có sinh sống. Người cha rất muốn có được công việc làm vườn nhưng lại sợ hãi việc phải nói chuyện qua hệ thống phát thanh ở cổng nhà. Một người chất phác, hiền lành như ông cảm thấy e dè trước kiểu giao tiếp này.
|
Ngay cả lúc tuyệt vọng nhất, Ali cũng có những chú cá vàng bầu bạn |
Cái máy phát thanh trở thành biểu tượng phân cách sự giàu nghèo trong phim. Ở cảnh sau đó, khi Ali thay cha trò chuyện với một cậu bé trong nhà, sự chia tách 2 thế giới càng rõ rệt hơn, với hình ảnh cậu bé nhà nghèo phải ngước lên cái máy để có thể giao tiếp. Đó là cách đạo diễn Majid Majidi lồng ghép khéo chủ đề về xã hội vào tác phẩm.
Những cảnh cận của phim cũng mang nhiều dụng ý nghệ thuật. Đầu phim là cảnh đôi bàn tay người thợ sửa chiếc giày kéo dài hơn một phút.
Cuối phim lại là cảnh đôi chân của cậu bé đang sưng rộp sau cuộc thi chạy được ngâm vào nước. Lũ cá vàng bơi đến xung quanh như đang muốn chữa lành nó, tạo ra một hình ảnh đầy chất thơ và kết nối với chủ đề chung. Cả bộ phim cũng là những nỗ lực “vá víu” của những con người đời thực như Ali, cha cậu hay em gái nhưng không bao giờ thiếu tình yêu thương dành cho nhau. Ngay cả lúc tuyệt vọng nhất, Ali cũng có những chú cá vàng bầu bạn với mình.
Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng 2 diễn viên nhí chính là linh hồn của Children of heaven. Amir Farrokh Hashemian có đôi mắt to đượm buồn, như muốn truyền tải nỗi vất vả của nhân vật qua từng cảnh quay. Đôi mắt ướt lệ, nhìn thẳng vào khán giả của Ali sau cuộc thi chạy là một phân cảnh tiêu biểu như thế. Có lẽ vì cảnh này quá buồn, đạo diễn phải tiếp nối ngay bằng một phân đoạn cho thấy cha cậu bé đã xoay xở để mua được đôi giày mới cho các con. Một “chiến thắng” khiến bộ phim kết thúc đẹp đẽ hơn.
Trailer phim Children of heaven:
Với cô bé Bahare Seddiqi trong vai Zahra, nhiều khán giả hẳn sẽ ấn tượng với vẻ trong trẻo và lanh lợi. Sinh ra trong cảnh nghèo khó, Zahra cũng chứng tỏ sự tháo vát khi đảm đương nhiều việc nhà từ nhỏ. Một trong những cảnh quay đáng nhớ của Zahra là khi cô mang trang phục của phụ nữ Hồi giáo đến trường, tương phản với chiếc giày to bè và không hề phù hợp vóc dáng. Ở đoạn kết phim, cô bé xoay người và nở một nụ cười đẹp như thiên thần khi chờ đón anh trai về.
Nếu đã quá mệt mỏi, căng cứng với những bộ phim tràn ngập kịch tính, xung đột hay lên gân, Children of heaven là một trải nghiệm để bạn có thể mỉm cười, thả mình theo những cảm xúc dịu ngọt và cổ vũ cho các nhân vật hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ân Nguyễn - Ảnh: Internet