Chikungunya - “bệnh lạ” mà không lạ

24/07/2020 - 08:22

PNO - Truyền thông quốc tế đưa tin một “ổ dịch lạ” nghi nhiễm vi-rút Chikungunya đang tấn công khu người Việt ở Campuchia.

Theo các chuyên gia, bệnh này đã từng xuất hiện ở Việt Nam với các biểu hiện giống, thậm chí có thể nhầm lẫn với sốt xuất huyết.

Một ổ dịch lạ, theo giới truyền thông Campuchia, đang trở thành vấn đề đáng lo ngại khi tấn công TP.Poipet, tỉnh Banteay Meanchey của nước này. 10 người mắc bệnh có hàng loạt các triệu chứng giống nhau như sốt bất thường, đau họng, nổi mẩn da, đau khớp, trong đó một số người bị co giật. 

Ổ dịch lạ xuất hiện ở Campuchia
Ổ dịch lạ xuất hiện ở Campuchia

Hiện tại, các bác sĩ ở Trung tâm Y tế tỉnh Banteay Meanchey đang điều trị, theo dõi để chẩn đoán bệnh cho các bệnh nhân này. Dù tình trạng của các bệnh nhân đã được cải thiện nhưng bác sĩ vẫn đang cố gắng xác định nguyên nhân gây bệnh để kiểm soát, khống chế lây lan. Bước đầu, các bác sĩ nghi đây là bệnh Chikungunya, lây truyền qua muỗi Aedes. Đáng lưu ý, khu vực TP.Poipet ở biên giới Thái Lan và Campuchia là nơi có khoảng 2.000 người Việt sinh sống. Nhiều người Việt không khỏi lo lắng. Liệu ổ dịch có nguy cơ lây lan về Việt Nam?

Theo phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Chikungunya là bệnh nhiễm vi-rút Chikungunya, được truyền qua véc-tơ trung gian muỗi Aedes. Đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) và vi-rút Zika ở Việt Nam.

muỗi Aedes
Muỗi Aedes

Chikungunya có biểu hiện gần giống với SXH và tới nay chưa có vắc-xin phòng ngừa. Người bệnh thường có triệu chứng xuất hiện từ 3-7 ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt, thường gặp nhất là sốt và đau các khớp hoặc có thể đau đầu, đau cơ, sưng các khớp, phát ban.

Tuy diễn tiến nhẹ hơn SXH nhưng khi mắc Chikungunya, bệnh nhân có thể bị biến chứng trầm trọng và lâu dài do đau khớp, làm giảm chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ tử vong không cao nhưng có thể tăng ở các đợt bùng phát dịch lớn trong cộng đồng.

Mặc dù được giới truyền thông xem là “căn bệnh lạ”, PGS-TS Trần Đắc Phu khẳng định, Chikungunya không hề mới tại Việt Nam cũng như thế giới. Chikungunya từng lưu hành phổ biến ở châu Phi và sau đó lan ra nhiều quốc gia, lãnh thổ trên thế giới, trong đó đặc biệt là khu vực châu Á.

Tại Ấn Độ, chỉ trong giai đoạn ngắn từ năm 2005-2007 đã ghi nhận hơn 1,3 triệu người bị mắc loại dịch bệnh này. Tại các nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Lào và Campuchia đều đã ghi nhận các vụ dịch vừa và nhỏ.

Thực tế, Việt Nam cũng đã có chương trình giám sát Chikungunya và từng ghi nhận một số ca bệnh từ nhiều năm trước tại miền Trung, miền Nam. Cụ thể, năm 2015, nhóm nghiên cứu Viện Pasteur TP.HCM nghiên cứu, lựa chọn ngẫu nhiên 976 mẫu để làm xét nghiệm tìm vi-rút Chikungunya và ghi nhận bốn ca dương tính. Trước đó, năm 2007-2009, Học viện Quân y đã ghi nhận bốn trường hợp dương tính với Chikungunya.

Năm 2014, Viện Pasteur TP.HCM nghiên cứu trên 397 bệnh nhân chẩn đoán lâm sàng SXH tại Bệnh viện Chợ Mới (tỉnh An Giang), phát hiện ba trường hợp dương tính với IgM vi-rút Chikungunya và chín trường hợp dương tính với IgG vi-rút Chikungunya. Đặc tính lâm sàng các trường hợp này nổi bật với 100% bệnh nhân bị sốt, 50% đau khớp và 50% phát ban.

Hiện tại, Việt Nam chưa có ghi nhận Chikungunya nhưng khi nước láng giềng đã nghi ngờ có ca mắc, PGS-TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân tiếp tục các biện pháp phòng, chống tích cực. Do bệnh lây truyền qua muỗi Aedes nên chỉ cần thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc phòng, chống SXH cũng chính là bảo vệ người dân khỏi Chikungunya. 

Khi nghi ngờ mắc Chikungunya, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước. Dùng các thuốc như Acetamonophen hoặc Paracetamol để giảm sốt, giảm đau. Không sử dụng Aspirin và các thuốc kháng viêm non-steroid khác trừ phi đã loại trừ được bệnh SXH Dengue để giảm thiểu nguy cơ chảy máu.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI