Hơn một tháng nay, Thu An luôn phải chạy ra khuôn viên bệnh viện để tìm ông cụ mỗi khi đến giờ phát thuốc. Chẳng hiểu sao từ khi bệnh viện xây thêm hòn non bộ bên cạnh là một gốc cây si cảnh có cành rễ um tùm, trong lòng hồ thả vài con thuyền nhỏ trang trí thì chiều nào ông cũng ra ngồi nhìn đến tận tối mịt, cho đến khi y tá ra năn nỉ ông mới chịu vào lại phòng bệnh.
- Tới giờ uống thuốc rồi. Ngày mai con dẫn ông ra đây chờ người nữa nghe.
Tay ông run run, miệng nhẹ phát ra từng chữ chậm chạp.
- Nhưng đừng cho người ta biết nha! Biết là hổng gặp tui nữa đâu.
- Dạ rồi. Con biết mà. Con dẫn ông ra nhìn người ta lén lén thôi hen!
Thu An dẫn ông về phòng, dìu ông ngồi xuống giường bệnh. Mấy ông cụ cùng phòng bệnh nhìn ông chọc ghẹo.
- Ông đi gặp người yêu về đó hả? Có gặp được hông?
Ông đưa ngón tay nhăn nheo đầy vết đồi mồi lên môi run run suỵt nhỏ rồi cười móm mém.
- Đã nói đừng có la lớn mà. Người ta biết là hổng cho tui ra đó nữa đâu.
Trăng len vào khung cửa sổ, đưa dậy hương nguyệt quế thơm lừng.
***
Dãy nhà tập thể dành cho giáo viên chỉ là ba căn nhà lá được dựng lên tạm bợ sơ sài bằng mấy cây tràm non gầy guộc, mái nhà được lợp bằng lá và những tàu dừa nước khô queo, teo ngắt. Cạnh dãy nhà là một khoảng đất rộng chạy dài dọc bờ sông, ven bờ phủ kín kèo nèo, loại rau dại mà người ta hay gọi bằng cái tên dân dã khác là rau chai, có hoa nhỏ li ti đủ tím cả chiều buồn mênh mông bên bờ sông đầy gió.
Gió lồng lộng thổi từ sông lên. Trên bờ, con Mén nước mắt nước mũi ròng ròng, cứ đứng gào khóc gọi mẹ. Giữa dòng sông, mẹ nó đang phải vật lộn chèo chống tứ tung để đưa cái xuồng tam bản không chịu nghe lời xoay như chong chóng vào bờ.
Hiên thoắt đưa mắt nhìn con từ dưới sông. Càng nôn nóng cô càng không biết xoay trở với cái xuồng ra sao. Hai mẹ con nhìn nhau mếu máo.
Phía xa, có tiếng máy nổ đang dần tiến lại gần.
- Chị không biết chèo sao mua xuồng làm chi?
Tiếng đàn ông vang lên bên cạnh, Hiên giật mình nhận ra là thầy Hạnh dạy cùng trường. Cô lúng túng với cây sào trong tay.
- Tui thì mua chi thứ này. Của bà Tư gán nợ đó. Bữa bả nợ tui gạo, giờ không có gì trả, gán cái xuồng để tui đi bán trừ nợ, lấy đủ phần mình còn dư bao nhiêu trả lại bả.
Hạnh cặp ghe mình sát cạnh xuồng rồi nhảy xuống.
- Chị ngồi đó đi để tui cặp vô bờ cho.
- Vậy còn ghe của thầy?
- Thằng em tui dắt về.
Hiên nhìn ra sau lưng Hạnh, một cậu nhóc chừng mười lăm, mười sáu tuổi với làn da rám nắng đang nhe răng cười toe toét. Thầy Hạnh nhón chân một cái đã đáp được xuống xuồng của Hiên. Như nhận ra vẻ thắc mắc của cô, vừa giơ tay cầm lấy mái dầm, Hạnh vừa trả lời Hiên mà không nhìn vào cô.
- Nó là em họ tui thôi. Con bà dì lấy chồng xa bên Campuchia.
Hiên nhìn Hạnh cột dây xuồng vào một nhánh rễ cây cà na mọc ngả ra mé sông thở phào nhẹ nhõm. Khi Hạnh tiến về phía cô cười xởi lởi thì cô mới nhớ ra.
- Giờ sao thầy về nhà?
Hạnh vẫn giữ nụ cười.
- Nhằm gì. Lát tui quá giang ghe người ta.
Hiên cười ái ngại.
- Cảm ơn thầy nhiều nghen. Không có thầy… tui cũng không biết làm sao nữa.
- Ủa, vậy chồng chị đâu? Sao không kêu ảnh cặp ghe cho chị?
Hiên hơi khựng lại vài giây, cô gỡ cái nón lá đội trên đầu, quơ quạt cho con Mén, cất lời nhẹ hẫng:
- Ảnh đi làm thợ cưa bên Miên, nửa năm nay rồi chưa thấy tin tức gì về.
Hơi lạnh từ lòng sông phả lên khoảng không mênh mông nghe se sắt ruột gan.
***
Rồi Kiên cũng về, trông như người bị sốt rét lâu năm, nước da vàng vọt, bủng beo, gầy đét. Hiên vừa cặm cụi nấu ăn vừa đưa mắt quan sát chồng rồi không khỏi xót xa. Con Mén vẫn tíu tít bên Kiên, kể cho ba nghe bao nhiêu là chuyện từ ngày ba nó đi xa.
Bữa cơm dọn ra dưới ánh đèn dầu leo lét. Kiên thoáng nhíu mày nhìn mâm cơm chỉ có hai miếng tàu hũ chiên và dĩa rau chai luộc chấm nước muối pha loãng.
Con Mén hét toáng lên.
- A, nay được ăn ngon. Nay có thịt sườn nữa.
Hiên nhắc con nhỏ tiếng lại rồi gắp vào chén cho Kiên và con Mén mỗi người một miếng tàu hũ.
Kiên đặt chén đũa xuống bàn, hơi cau mày đứng dậy. Anh lưỡng lự rồi móc trong túi quần ra một gói nhỏ đưa cho Hiên, kêu cô mở ra. Bên trong lớp giấy cũ nhàu là một đôi bông tai nhỏ xíu bằng vàng mười tám.
- Làm ăn bên đó giờ không dễ chút nào. Chỉ có thể mua cho em bấy nhiêu. Ở nhà ráng nuôi con, tui kiếm đủ tiền rồi về với hai má con.
Kiên bỏ ra bờ sông ngồi trầm ngâm. Thỉnh thoảng, anh liếc mắt vào nhà nhìn hai mẹ con. Cách đó một khoảng xa, trong bóng tối dưới mé sông cạnh cây cà na ngả rạp ra mặt nước, Hạnh ngồi dưới ghe, cũng trầm ngâm dõi mắt về đốm lửa le lói trong căn nhà đột ngột có bóng đàn ông.
Hai ngày sau, Kiên lại lên đường. Hiên bịn rịn trao cho Kiên cái giỏ vải bên trong có gấp vài bộ quần áo đã cũ.
***
Thu An về phòng trực ngả người trên chiếc ghế bố, xoa bóp hai cánh tay. Cô đồng nghiệp đang kiểm tra lại lịch trực ở góc phòng đối diện. Thu An lấy điện thoại ra bấm số, miệng cười thật tươi khi đầu dây bên kia nghe máy.
- Alô, ngoại hả? Ngoại ngủ chưa?
- Con lo nghỉ ngơi đi. Lo chi cho ngoại hả?
Thu An chợt thở dài, vẻ nhõng nhẽo.
- Đợt này con gặp một ca khó quá mà hổng biết xử lý sao cho chấm dứt đây nè, ngoại à!
Rồi Thu An kể cho ngoại nghe. Có một ông cụ. Hình như còn ám ảnh mối tình xưa cũ hay sao đó, cứ chiều chiều lại ra khuôn viên bệnh viện ngồi cho tới tối mịt. Đồng nghiệp của con ra năn nỉ không bao giờ được, chỉ khi thấy con ra thì ông cụ mới chịu vô. Ông cụ nói là bên hòn non bộ dựng thêm ba căn nhà nhỏ xíu làm nhà tập thể cho mấy cô giáo nữa mới giống, rồi còn đòi đi tìm rau dại, rau chai, kèo nèo gì đó về trồng nữa. Nghe nói gia thế ông cụ cũng lớn nên bệnh viện chiều ý ông lắm… Ủa ngoại. Nãy giờ con nói ngoại còn nghe hông?
- … Ờ còn.
Tiếng ờ của ngoại nghe chừng như tiếng thở dài. Chắc ngoại lại nhớ đứa cháu gái rồi, tranh thủ sớm mai ra ca trực, Thu An sẽ về thủ thỉ, vùi đầu vào lòng ngoại cho thỏa nhớ mong.
***
Ba tháng sau ngày Kiên đi, có vài người bạn làm chung hết hợp đồng về nhà.
- Thằng Kiên nó muốn ở lại bên đó với Út Lan, mà cô Út Lan đó… ba tháng trước là vợ sắp cưới của tui. Cũng vì vậy mà tui bỏ hết để về, để không phải nhìn mặt hai người đó. Tui… không hiểu sao họ có thể làm vậy.
Hiên đổ bệnh. Cô sốt mê man suốt mấy ngày liền. Mấy cô giáo trẻ ở cùng dãy nhà nhìn con Mén đói khát nên qua nấu giùm nồi cháo và xin về vài viên thuốc cảm. Đến ngày thứ tư thì Hiên cũng khỏe dần.
Hiên ôm thau đồ ra bờ sông ngồi giặt. Cầm từng cái quần cái áo của con vò mà cảm thấy tâm can mình cũng đang bị vò nát, vò càng nhanh thì nước mắt càng rơi xuống nhiều hơn, ướt đầm, nóng hổi. Nhớ về những tháng ngày vất vả cùng chồng để cuối cùng lại đổi lấy cái ngày anh dứt áo ra đi, rũ bỏ vợ con vì một người đàn bà khác. Hiên nấc lên nghẹn ngào.
- Chị tội tình gì phải đau khổ vì người không đáng?
Tiếng của Hạnh lại đột ngột vang lên, cô giật mình gạt ngang cái thau nhôm va vào bậc đá bờ sông kêu loảng xoảng. Hiên ngước mắt lên nhìn rồi vội vàng cúi xuống quẹt nhanh nước mắt. Cô kéo cái thau nhôm lại chỗ cũ rồi tiếp tục giặt giũ. Cô nói bằng cái giọng đã nghẹt cứng vì nước mắt.
- Người không đáng là sao chứ. Là chồng tui chứ có phải người ngoài đâu?
- Giờ đâu còn là người thân của chị nữa? Họ phũ phàng…
- Còn hay không là chuyện riêng của tui. Thầy đừng bận tâm, đừng tới đây nữa, không thôi mấy cô trong trường bóng gió mỉa mai hoài tui mệt lắm.
- Chị… cho tui cơ hội… lo cho mẹ con chị được không?
Lời đề nghị đột ngột của Hạnh như gáo nước lạnh tạt thẳng vào Hiên. Cô mở to mắt nhìn Hạnh vẻ kinh ngạc. Lúc sau cô giãn nét mặt, bật cười, gom hết quần áo bỏ trở lại thau.
- Bộ thầy thấy tui chưa đủ thê thảm hay sao mà còn muốn gây thêm thị phi?
Hạnh hoảng hốt xua tay:
- Tui thiệt lòng chứ không ác ý. Tui thương chị, muốn chăm lo cho mẹ con chị. Chỉ là trước đây chị còn chờ đợi chồng trở về nên tui không dám thổ lộ. Mấy bữa nay thấy chị khổ sở… tui cũng đâu có yên trong lòng. Cũng đau đớn thắt ruột thắt gan.
Hiên nhìn Hạnh. Cô tin những lời nói ấy là thật, nhưng cô không thể đón nhận tình cảm đó. Vì giữa cả hai là cả một trời cách biệt, chênh lệch vời vợi không gì có thể khỏa lấp.
Hiên cặp thau đồ ngang hông rồi đứng lên.
- Thầy có thương thì đừng làm cuộc sống của mẹ con tui bị xáo trộn. Miệng lưỡi thế gian ác nghiệt lắm thầy à.
Hiên đi thẳng không để Hạnh ngăn lại. Hạnh chỉ biết nhìn theo cho đến khi Hiên vào trong nhà, ánh lửa leo lét sau vách lá vội vàng vụt tắt. Hạnh rùng mình, thấy ngọn lửa ấy cũng tắt nhanh như lửa lòng của Hiên vậy. Anh xuống ghe tháo dây rồi nằm dài ra ghe ngửa mặt nhìn trời, để mặc con nước đưa anh trôi vô định.
***
Phòng giám hiệu thông báo họp hội đồng khẩn cấp.
Cái tin thầy Hạnh và cô Hiên có tình cảm với nhau lan ra khắp trường chỉ sau một đêm. Mọi việc còn đi xa đến nỗi mọi thứ được đồn thổi thành cô Hiên quyết tâm rù quến thầy Hạnh.
Cuộc họp diễn ra kín đáo, ban giám hiệu của trường không muốn ảnh hưởng đến thành tích thi đua, mọi chỉ trích tội lỗi đều đổ dồn về phía Hiên. Cả trường muốn cô làm vật hy sinh, bởi ai cũng tin tin đồn là thật, ai cũng tin Hiên cố tình dụ dỗ thầy Hạnh, ai cũng không tin thầy Hạnh trẻ trung độc thân sao lại đi thương một người đàn bà hơn tuổi lại gãy đổ hôn nhân. Hay đơn giản vì dù sao thì thầy Hạnh cũng là một giáo viên giỏi, gia đình bề thế.
Nhưng, sự thể không ngờ, một tuần sau thầy Hạnh nghỉ việc. Cả trường đều coi cô Hiên là tội đồ. Riêng Hạnh lại thấy nhẹ nhõm vì đã rút lui, trả lại sự bình yên như Hiên hằng mong muốn. Suy cho cùng tất thảy mọi việc đều từ phía Hạnh chứ Hiên nào có chấp nhận. Hiên luôn cự tuyệt một trái tim ấm nóng, một khát khao bù đắp. Hiên chưa một lần thương Hạnh.
Thời gian sau đó, thỉnh thoảng đêm khuya, Hiên thấy dưới bến sông có đốm lửa đỏ lập lòe từ điếu thuốc của ai đó. Những lúc ấy, cô vội vàng tắt đèn rồi kéo con đi ngủ.
***
Dạo này, Thu An thấy lạ. Ngày nào ngoại cũng gợi để cô kể cho bà nghe chuyện ông cụ trong bệnh viện. Tỷ như câu chuyện ông cụ vì thương cô giáo đồng nghiệp lỡ làng phận duyên mà đành từ bỏ công việc mình yêu thích. Đôi khi thương một người đâu nhất thiết phải níu kéo người đó về phía mình. Mà thương một người là sẵn sàng hy sinh tất thảy miễn người mình thương sống bình an. Mặc cho đời mình như những dề lục bình mải miết phần đời miên di.
Hay như chuyện ông cụ từ hôn một cô gái con nhà môn đăng hộ đối, dù cha mẹ nài ép cho đến van xin năn nỉ. Từ đe nẹt cho đến dọa dẫm đủ thứ, ông cụ vẫn cứ từ chối. Một khi lòng mình trót thương ai đó, là thương trọn cuộc đời. Trái tim vốn dĩ có lý lẽ riêng của nó. Chẳng ai có thể hiểu nổi. Chỉ riêng một mình mình hiểu. Vậy mà cả một đời, người con gái xưa xa của ông vẫn chẳng thể hiểu nổi lòng ông.
Bà dõi ánh mắt xa xăm ra phía lòng sông, không dưng trước mắt như có ánh lửa lập lòe mỗi đêm của cái thời son trẻ.
***
Một ngày chạng vạng, Thu An đi ra hòn non bộ tìm ông cụ, thấp thoáng từ xa hình như có bóng dáng một người quen… Ủa? Ai như bà ngoại mình…