Chiêu trò thao túng chứng khoán của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

29/10/2023 - 09:36

PNO - Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lôi kéo cả người thân để cùng thực hiện các phi vụ thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính trăm tỉ.

Như đã đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết cùng 20 người khác trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Bị can Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC
Bị can Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC

Kết luận cho thấy, ông Quyết là người sáng lập Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và 50 công ty khác. Bị can này chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế (nhân viên kế toán thuộc Tập đoàn FLC) mượn chứng minh nhân dân của 45 người, thành lập đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán nhằm thực hiện hành vi thao túng chứng khoán.

Ngoài ra, ông Quyết còn chỉ đạo bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán BOS), Trịnh Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán BOS) cấp khống hạn mức mua chứng khoán cho nhóm tài khoản do bà Huế quản lý và sử dụng.

Đầu giờ giao dịch hằng ngày, bà Huế sẽ liên lạc với bà Nga thông báo các tài khoản thiếu tiền cần được cấp hạn mức để đặt lệnh mua cổ phiếu theo chỉ đạo của ông Quyết. Từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2022, bị can Nga đã chỉ đạo nhân viên cấp hạn mức khống cho các tài khoản của bị can Huế quản lý tổng số tiền hơn 170.000 tỉ. Số tiền này được bị can Huế sử dụng các tài khoản được cấp hạn mức khống này để mua cổ phiếu của 5 mã thuộc "họ" FLC gồm: AMD, HAI, GAB, ART, FLC.

Vẫn theo cáo buộc, em gái ông Quyết sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán thông qua các chiêu trò như liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh…

Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của bị can Quyết, bị can Huế đã bán 5 mã cổ phiếu ra thị trường, qua đó giúp cho Chủ tịch Tập đoàn FLC thu lời bất chính 723 tỉ đồng.

Đáng chú ý, kết luận điều tra cho hay, với mã chứng khoán GAB, nhóm bị can Quyết thao túng, "thổi giá" tăng tới gần 20 lần, từ giá 10.900 đồng lên 193.600 đồng, qua đó thu lợi bất chính hơn 44 tỉ đồng. Hay như mã chứng khoán HAI, tăng đến mức hơn 459%, thu lợi bất chính hơn 238 tỉ.

Đặc biệt, các bị can còn đẩy giá mã chứng khoán FLC của Tập đoàn FLC, trong vòng hơn 1 năm tăng từ 3.050 đồng lên hơn 21.000 đồng/cổ phiếu, hơn 593%, thu lợi bất chính hơn 397 tỉ.

Riêng ngày 10/1/2022, ông Quyết chỉ đạo đặt bán hơn 76,7 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu cổ phiếu, thu về gần 1.700 tỉ đồng, nhưng không công bố thông tin. Giao dịch này sau đó bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ, nhà đầu tư được hoàn tiền.

Số tiền có được từ thao túng chứng khoán, ông Quyết sử dụng để mua cổ phần của Công ty CP hàng không Tre Việt; mua cổ phần của FLC Travel; chỉ đạo em gái gửi 100 tỉ tiết kiệm vào ngân hàng và dùng một phần để trả nợ…

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI