Chiêu trò lừa gạt mới dẫn dụ người dùng facebook tới các website giả mạo

25/11/2019 - 12:16

PNO - Tạo ra website giả mạo có giao diện giống hệt mạng xã hội facebook sau đó dựng chuyển để dẫn dụ người dùng đăng nhập nhằm chiếm đoạt tài khoản cá nhân và thông tin thẻ tín dụng....

Bộ Công an tiếp tục đưa ra cảnh báo về các hoạt động lừa đảo qua mạng xã hội có xu hướng diễn biến phục tạp vào dịp cuối năm với những thủ đoạn tinh vi từ các nhóm tội phạm.

Cụ thể, theo đơn vị này, qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng công an phát hiện, có trường hợp tội phạm dẫn dụ người dùng đăng nhập vào các đường link giả mạo để đánh cắp mật khẩu và tài khoản người dùng bằng cách: gửi tin nhắn thông báo chủ các tài khoản Facebook bị báo chí xuyên tạc với nhiều nội dung khác nhau và yêu cầu kích vào đường link, đăng nhập tài khoản Facebook của mình để tiếp tục xem nội dung mà báo chí viết.

Hoặc là gửi tin nhắn thông báo các chủ tài khoản đã có gia đình là có vợ, chồng đi ngoại tình và bị các đối tượng chụp ảnh, ghi hình lại; chủ tài khoản Facebook muốn lấy hình ảnh và biết cụ thể thì đăng nhập vào tài khoản Facebook để xem hình ảnh, video được tải lên internet.

Ngoài ra còn gửi tin nhắn thông báo các chủ tài khoản là con, bạn bè thân thiết... đang tham dự một cuộc thi, hiện đã lọt top 10 nên cần lượt chia sẻ để tăng like, lượt xem, bình chọn nên nhờ chủ tài khoản đăng nhập Facebook và làm theo hướng dẫn của website...

Sau khi hack được tài khoản facebook, các đối tượng lừa đảo sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện với bạn bè của chủ facebook bị hack và dựa trên các thông tin đó sẽ giả là chủ của tài khoản facebook bị hack gửi tin nhắn trò chuyện với những người có quan hệ gia đình, làm ăn thân thiết với chủ facebook, để thực hiện các hành vi lừa đảo phổ biến như vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại; nói mình mới mua nhà, bất động sản, xe hơi ở nước ngoài nên thiếu tiền và cần vay tiền gấp để đặt cọc...

Các tài khoản facebook mà các đối tượng lựa chọn để hack thường là tài khoản của những người lớn tuổi, vì những người này thường đặt mật khẩu tài khoản một cách dễ nhớ, giản đơn. Hoặc các chủ tài khoản facebook đang sinh sống tại nước ngoài, để khi bị lừa đảo vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại... các bị hại sẽ khó liên hệ ngay được với chủ facebook để kiểm chứng thông tin.

Theo Bộ Công an, người dùng facebook cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn nhắn tin vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại... cần gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tài khoản facebook để xác minh thông tin và nội dung trao đổi. Chỉ đăng nhập tài khoản trên website chính thức của facebook; tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web nghi vấn hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản một cách bất thường. Cài đặt mật khẩu facebook có yếu tố bảo mật cao; hạn chế sử dụng các thông tin như họ tên, biệt danh, ngày tháng năm sinh để cài đặt mật khẩu; luôn cài đặt mã xác thực 2 yếu tố qua điện thoại hoặc hòm thư điện tử tin cậy; luôn cài đặt cảnh báo đăng nhập, để kịp thời phát hiện các đăng nhập từ thiết bị bất thường...

Mới đây, LienVietPostBank thông tin, đã có trường hợp khách hàng của ngân hàng này bị lừa đảo bởi thủ đoạn giả mạo facebook. Theo đó, kẻ gian sẽ gửi lời cảnh báo đến người dùng với thông điệp “tài khoản facebook của họ đã bị khóa”. Kẻ gian gửi yêu cầu người dùng bấm vào đường link để chuyển hướng đến website giả mạo giống hệt facebook và yêu cầu người dùng đăng nhập, cung cấp thông tin về thẻ tín dụng đang dùng để tiếp tục sử dụng dịch vụ...

Nếu người dùng thực hiện những thao tác này, các thông tin cá nhân như tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập facebook và thông tin về thẻ tín dụng của người dùng sẽ tự động được gửi về cho các nhóm tội phạm. Các thông tin này sẽ bị kẻ gian sử dụng để thực hiện các giao dịch gian lận. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI