Chiêu 'mượn nợ' giúp nhân viên ngân hàng chiếm luôn tiền vay của khách

29/07/2019 - 07:03

PNO - Liên quan đến vụ việc "Hỗ trợ hồ sơ vay tiền, nhân viên ngân hàng chiếm luôn tiền vay của khách", nạn nhân tiếp tục cung cấp những giấy tờ được cho là "bùa phép" để người ngân hàng chiếm đoạt tiền.

Ông Đào Đông Hà - nạn nhân vụ chiếm đoạt tiền tỷ này - cung cấp cho chúng tôi giấy cho vay tiền giữa ông Hà và Đ.M.H. - cán bộ phòng giao dịch của một ngân hàng tại Q.11.

Đơn vay tiền có nội dung: “Hôm nay, ngày 7/6/2018, tôi Đ.M.H. có nhận tiền vay của anh Đào Đông Hà số tiền là 1 tỷ đồng, được chuyển khoản/nộp tiền mặt vào tài khoản của tôi tại Sacombank. Tôi cam kết sẽ hoàn trả trước ngày 17/6/2018. Nếu không, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Đơn vay có chữ ký, kèm căn cước công dân của ông Đ.M.H.

Theo ông Đào Đông Hà, ngày ông chuyển tiền cho ông H. là 7/6/2018. Ngày 28/6/2018, ông Hà đến phòng giao dịch Q.11 gặp giám đốc để báo việc ông Đ.M.H. không trả lại tiền vào tài khoản cho ông Hà như đã hứa thì vị giám đốc này cho biết, ông H. đang nghỉ phép, yêu cầu đừng báo công an và ngân hàng mà để vị này gọi cho ông H. giải quyết. Nhưng sau đó, phòng giao dịch này vội vàng cho ông H. nghỉ việc mà không thông báo cho ông Hà. Ông Hà chỉ vô tình biết được qua thông tin của một cán bộ Công an TP.HCM. 

“Phải chăng phòng giao dịch biết được sai phạm của ông H., sợ liên lụy đến uy tín ngân hàng và thoái thác trách nhiệm với khách hàng nên vội vàng ký giấy cho ông H. nghỉ việc. Cách giải quyết này của phòng giao dịch thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm với khách hàng. Tại sao không tổ chức cuộc làm việc có tôi, ông H. và giám đốc phòng giao dịch để thống nhất cách giải quyết số tiền bị chiếm đoạt?” - ông Hà nói. 

Chieu 'muon no' giup nhan vien ngan hang chiem luon tien vay cua khach
Ông Hà tin tưởng H. nên chỉ viết giấy vay nợ bằng tay

Về nội dung các hợp đồng tín dụng không ghi ngày tháng, ông Hà vừa cung cấp thêm thông tin: hiện ông đang giữ hai bản chính không ghi ngày, tháng, không ghi số tài khoản ngân hàng cấp cho ông Hà, không ghi lãi suất vay. Chi nhánh quản lý phòng giao dịch này cho rằng, lỗi không ghi ngày tháng trong hợp đồng này do cán bộ tín dụng và không phải là yếu tố quan trọng dẫn đến việc ông Hà bị chiếm đoạt số tiền vay. 

Theo ông Hà, cách giải thích như vậy là không đúng quy định pháp luật, thiếu trách nhiệm với khách hàng. Từ việc sai sót cũng có thể là cố tình này, đã dẫn đến việc cán bộ tín dụng ngân hàng dễ dàng lừa khách. Ông Hà cho rằng, do ông nghĩ hợp đồng cấp hạn mức thấu chi không ghi ngày tháng nên chưa có hiệu lực (điều 8 của hợp đồng quy định: hợp đồng chỉ có hiệu lực từ ngày ký). Thêm vào đó, trong hợp đồng, không ghi số tài khoản ông Hà được ngân hàng cấp nên khi ông Đ.M.H. yêu cầu ông Hà làm thủ tục chuyển tiền, ông Hà không biết đó là tài khoản thấu chi của ông Hà. 

“Tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm thủ tục hợp thức hóa giúp ông H. và phòng giao dịch Q.11 làm thủ tục đáo hạn cho khách hàng, không phải là thỏa thuận cho vay mượn cá nhân như ngân hàng trả lời khiếu nại của tôi” - ông Hà thông tin thêm. 

Ngoài ra, việc chuyển tiền sai mục đích vay là có phần trách nhiệm của phòng giao dịch Q.11 vì không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm theo điều 10, bản phụ lục về điều kiện, điều khoản cấp và sử dụng hạn mức thấu chi (quy định quyền và nghĩa vụ của ngân hàng trong việc kiểm tra, theo dõi, giám sát việc sử dụng hạn mức thấu chi bên vay) và khoản 2, điều 24 về kiểm tra sử dụng khoản vay (tổ chức tín dụng thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng). 

Quy định rõ như thế nhưng vì sao phòng giao dịch Q.11 không kiểm tra, giám sát trước khi giải ngân khoản vay thấu chi? Phải chăng, đây là sự cấu kết của một số cán bộ tín dụng phòng giao dịch Q.11 cố ý làm trái quy định để giúp ông Đ.M.H. lừa, chiếm đoạt số tiền vay thấu chi?

Theo lời kể, sở dĩ ông dễ dàng tin tưởng ông H. và giám đốc phòng giao dịch này vì được người quen giới thiệu. Họ lợi dụng người quen biết để lấy lòng tin rồi chiếm đoạt tiền. Nhưng ông bức xúc nhất chính là thái độ giải quyết của phòng giao dịch đối với khách hàng. 

Tại buổi làm việc với công an, ông H. cũng thừa nhận đã lừa để vay tiền ông Hà, nhưng phòng giao dịch không hỗ trợ ông Hà thu lại khoản tiền này thông qua hình thức khấu trừ lương hoặc phúc lợi mà ông H. chưa lãnh tại ngân hàng, hoặc có thể tạo điều kiện cho ông Hà giảm thời gian đóng tiền lãi. Đằng này, mỗi tháng, ông Hà phải đóng lãi hơn 8 triệu đồng khiến gia cảnh lâm vào khó khăn. Thậm chí, do vài lần đóng trễ, ông H. bị ngân hàng liệt vào nợ xấu nhóm II. 

Về phần mình, dù đã viết giấy cam kết (tại cơ quan công an) rằng sẽ trả nợ cho ông Hà hằng tháng nhưng từ đó đến nay, ông Đ.M.H. chỉ trả một lần với số tiền 10 triệu đồng. 

“Tôi định cầm cố nhà để trả vào phần bị ông H. chiếm đoạt nhưng phía ngân hàng thông báo tôi bị nợ xấu nhóm II, phải 1 năm sau mới vay vốn được, còn nếu không tất toán 1 tỷ đồng này đúng hạn, tôi sẽ bị nợ xấu nhóm III, thậm chí nhóm IV. Nếu vậy, phải mất ít nhất 5 năm nữa mới được vay ngân hàng, trong khi tôi cần tiền để lo cho vợ, con. Nghĩ vậy, tôi đành chạy khắp nơi vay mượn để tất toán với ngân hàng” - ông Hà thất vọng. 

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính ngân hàng - trong vụ việc này, ngân hàng chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lợi của mình mà không thấy mình cũng có trách nhiệm để tích cực cùng khách hàng giải quyết. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI