|
Clip: Công an triệt phá tổ chức lừa đảo quốc tế ở đặc khu Tam giác vàng |
Đưa phụ nữ đơn thân vào “tầm ngắm”
Ngày 16/8, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục mở rộng chuyên án liên quan đến một tổ chức lừa đảo quốc tế ở đặc khu kinh tế Tam giác vàng (tỉnh Bò Kẹo, Lào) vừa được đơn vị này phối hợp với các cơ quan chức năng triệt phá ít ngày trước.
155 đối tượng là người Việt Nam trong đường dây nhằm vào người Việt Nam để lừa đảo do Hoàng Bích Ngọc (30 tuổi, trú Hải Phòng) cầm đầu cũng đã được Công an tỉnh Hà Tĩnh đưa về nước để phục vụ điều tra.
|
Tòa nhà của nhóm lừa đảo nhằm vào người Việt Nam tại đặc khu Tam giác vàng - Ảnh: Công an cung cấp |
Tại cơ quan công an, Đinh Văn Châu (tổ trưởng trong đường dây) khai, khi đến tỉnh Bò Kẹo làm việc, Châu quen biết một số người bạn và được họ rủ vào công ty do họ lập ra cùng làm việc chung. Thời gian đầu, Châu làm việc như một nhân viên văn phòng bình thường, không biết đây là công việc lừa đảo.
Chỉ một thời gian ngắn, Châu được đề bạt lên làm tổ trưởng. Song để nhận chức vụ thì phải ký hợp đồng, nếu muốn về phải đền 70 triệu đồng. Công việc hàng ngày của Châu là lên công ty để giám sát, đôn đốc các nhân viên làm việc.
Tùy thuộc các nhiệm vụ, nhân viên sẽ được giao theo ngày hoặc theo tuần. Các nhân viên được giao nhiệm vụ đi kết bạn trên mạng xã hội, mỗi người sẽ được giao phải “kết bạn và nói chuyện” được với bao nhiêu khách hàng mỗi ngày. “Quá trình chát phải làm sao tạo tình cảm, niềm tin để sau này đưa con mồi vào ứng dụng kêu gọi đầu tư” - Châu khai.
“Con mồi” mà nhóm này nhắm đến phần lớn là phụ nữ đơn thân, thiếu thốn tình cảm. Tất cả nhân viên đều được tổ chức lừa đảo này cung cấp “tài liệu lừa đảo” một cách chi tiết từ quy trình đi tìm khách hàng, làm quen, chào hỏi, nói chuyện với khách hàng như thế nào để tình cảm ngày càng sâu hơn.
Một nữ nhân viên tên L. trong đường dây này khai, khi được giới thiệu vào làm việc, L. được hứa trả lương mỗi tháng 5.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên 2 tháng đầu không có doanh thu, bị phạt, nên chỉ nhận được 4.000 nhân dân tệ.
Mỗi ngày, L. được quản lý là tổ trưởng giao cho các Facebook ảo để đi nói chuyện với những phụ nữ trung niên ở Việt Nam. Các Facebook ảo được cung cấp luôn mạo danh những doanh nhân thành đạt, giàu có, thường xuyên đăng ăn chơi những nơi sang trọng.
|
Đinh Văn Châu tại cơ quan công an - Ảnh: Công an cung cấp |
Khi vừa làm quen, L. chỉ hỏi năm sinh, quê quán, rồi sau đó nói chuyện quan tâm đến cuộc sống của nạn nhân. Khi thấy nạn nhân đã tin tưởng, L. dụ dỗ nạn nhân vào các ứng dụng do tổ chức lừa đảo này viết ra để họ đầu tư, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Trong vòng 3 ngày nếu không có khách hàng tiềm năng nói chuyện, các nhân viên trong đường đường dây này sẽ bị trừ tiền lương, bị phạt chống đẩy, thậm chí bị đánh thậm tệ. “Nhiều lần em muốn về nhưng bị họ nhốt không cho ra khỏi tòa nhà, em cũng gọi điện hỏi vay tiền đền hợp đồng để về nhưng không vay được” - người phụ nữ này nói.
Với chiêu bài trên, một nhân viên tên H. cho biết, trong thời gian qua, H. đã lừa được hơn 200 người Việt Nam. Có nạn nhân của H. bị lừa đến 5 tỉ đồng. Trung bình mỗi tháng H. được trả từ 25-36 triệu tiền lương, tương ứng với 7-11% số tiền lừa được từ các nạn nhân.
Bơi sông thoát khỏi tổ chức lừa đảo
Anh L.V.Đ (34 tuổi, trú tại Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) - người may mắn đào thoát khỏi tổ chức lừa đảo quốc tế ở đặc khu Tam giác vàng mới đây cho biết, đầu năm 2024, anh lên đường xuất ngoại đi làm việc với lời hứa hẹn thu nhập 20 - 30 triệu đồng/tháng.
|
Các đối tượng được tổ chức lừa đảo cung cấp đầy đủ các kịch bản để lừa đảo - Ảnh: Công an cung cấp |
Sau nhiều chặng đường đi ô tô và ca nô, anh Đ. và nhóm người đi cùng được đưa đến Myanmar. Tại đây, người quản lý phân công và hướng dẫn anh Đ. cách thức thực hiện các vụ lừa đảo nhắm vào người Việt Nam ở trong nước. Sau 2 tháng làm việc, anh bỏ trốn vào rừng, song thất bại, sau đó bị đưa đến đặc khu Tam giác vàng.
Tại đây, anh Đ. tiếp tục bị ép buộc tiếp tục công việc lừa đảo dưới sự giám sát, đe dọa của quản lý và những nhân viên bảo vệ tòa nhà. Vì không đáp ứng được công việc, anh Đ. bị ép gọi điện về nhà, yêu cầu gia đình gửi sang 150 triệu đồng tiền chuộc. Nhưng vì nhà quá nghèo, không có tiền nên anh lo sợ sẽ bị đánh đập nếu không có tiền chuộc.
Lợi dụng sơ hở khi bị chở từ Lào quay lại Myanmar, anh Đ. liều lĩnh nhảy xuống sông, cố sức để bơi thật nhanh để thoát khỏi nhóm buôn người. Khi đã đuối sức, anh Đ. may mắn gặp tấm xốp đang trôi trên sông nên bám lấy chiếc phao này để xuôi theo dòng nước.
Đến lúc cảm thấy đã an toàn, anh Đ. bơi vào bờ, men theo con đường dọc bờ sông, di chuyển về hướng hạ nguồn sông Mê Kông. Sau 7 ngày ròng rã vừa đi bộ vừa bơi trên sông, anh Đ. được người dân bản địa và một nhóm người Việt Nam làm ăn, sinh sống ở Lào phát hiện, giúp đỡ, cho đồ ăn.
Đến ngày 8/5, anh Đ. mới trở về đến biên giới Việt - Lào và được Công an huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) cùng gia đình đến đón về nhà khi đã mượn điện thoại liên hệ trước.
Phan Ngọc