Chiêu lừa "hỗ trợ trả góp" để chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng

28/05/2024 - 06:36

PNO - Nhiều chủ thẻ tín dụng nhận cuộc gọi như các đối tượng mạo danh nhân viên hàng hướng dẫn khách chuyển đổi trả góp, mục đích là chiếm đoạt tiền trong thẻ.

Anh Quốc Cường (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, gần đây anh liên tục nhận được nhiều cuộc gọi từ số máy bàn, tự nhận là nhân viên Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mời chào chuyển đổi trả góp thẻ tín dụng.

Qua cuộc trao đổi (mục đích chính của đối tượng là khai thác thông tin thẻ - PV), biết anh Cường đã sử dụng gần hết hạn mức thẻ gần 30 triệu đồng, người này tư vấn: “Nếu chuyển đổi trả góp sang kỳ hạn 12 tháng thì mỗi tháng anh sẽ thanh toán số tiền 2,5 triệu đồng, không bị tính lãi suất. Ngược lại, nếu anh thanh toán tối thiểu thì số tiền gốc được cấn trừ vào thẻ chỉ 2-5%, còn lại phải chịu lãi suất 30%/năm, tương ứng 2,5%/tháng”.

Thấy điều kiện chuyển đổi trả góp tương đối dễ, đem đến nhiều lợi ích, anh Cường đồng ý. Song "nhân viên" này yêu cầu anh phải thanh toán vào thẻ số tiền 5 triệu đồng với lý do ngân hàng yêu cầu thẻ phải còn 20% hạn mức. Điều khiến anh Cường không nghi ngờ là "nhân viên" này không hề hối thúc anh phải thanh toán thẻ ngay mà hẹn anh Cường nên thanh toán sớm trong vài ngày tới.

Đối tượng nhắn tin yêu cầu anh Cường chụp màn hình tin nhắn sao kê thẻ với mục đích muốn biết số thẻ của anh Cường để dễ dẫn dắt anh vào bẫy - Ảnh: Nạn nhân cung cấp
Đối tượng nhắn tin yêu cầu anh Cường chụp màn hình tin nhắn sao kê thẻ với mục đích muốn biết số thẻ của anh Cường để dễ dẫn dắt anh vào bẫy - Ảnh do nạn nhân cung cấp

Sau đó, "nhân viên" này cầu anh Cường chụp màn hình tin nhắn thông báo dư nợ sao kê thẻ tín dụng để nhân viên này xem xét. Thực tế mục đích chính là đối tượng muốn biết dãy số in trên thẻ tín dụng (trong tin nhắn sao kê có hiển thị 4 số cuối của thẻ là 3864 - PV).

“Sau đó, có 1 người khác gọi điện hỏi tôi có phải là chủ thẻ với bốn số cuối là 3864 hay không. Khi nghe tôi xác nhận đúng thì đối tượng này yêu cầu tôi đọc tiếp các số còn lại của thẻ trước khi làm hồ sơ chuyển đổi trả góp. Nghe đối tượng đọc đúng 4 chữ số trên thẻ, nhiều người nghĩ đó là nhân viên ngân hàng, nhưng chẳng ngân hàng nào lại yêu cầu chủ thẻ tín dụng cung cấp đầy đủ số thẻ. Một khi có thông tin dãy số trên thẻ, mã số CVV, đối tượng sẽ chiếm sạch tiền trong thẻ. Do đó tôi dừng liên lạc với những người này ” - anh Cường thông tin.

Đại diện Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết, gần đây xuất hiện một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên MSB để gọi điện thoại mời chào khách hàng sử dụng dịch vụ trả góp qua thẻ tín dụng với lãi suất thấp. Nếu khách đồng ý, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin của thẻ bao gồm số thẻ, mã CVV hoặc hình ảnh 2 mặt của thẻ.

Dựa trên thông tin được cung cấp, đối tượng sẽ thực hiện 1 giao dịch trực tuyến, khách sẽ nhận được mã OTP về tin nhắn điện thoại. Nhưng lúc này đối tượng sẽ lừa rằng đó là mã hợp đồng cho dịch vụ chuyển đổi trả góp mà đối tượng đang thực hiện cho khách. MSCB cảnh báo, khi nhận được các cuộc gọi tự xưng là nhân viên MSB, khách nên xác minh lại thông qua tổng đài. MSB không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin liên quan đến thẻ hoặc tài khoản ngân hàng của khách

Theo chia sẻ từ đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cho biết, ngân hàng này cũng gặp tình trạng tương tự, không chỉ mời chào trả góp thẻ mà các đối tượng còn mời khách rút tiền, hỗ trợ đóng bảo hiểm thẻ tín dụng, hoàn phí tham gia bảo hiểm, lừa đảo mở thẻ tín dụng giả, lừa đảo nâng hạn mức thẻ và nâng tỉ lệ hoàn tiền.

Đối tượng sẽ lừa khách hàng nhấp vào các đường dẫn (link) giả mạo có giao diện giống hệt VPBank, yêu cầu khách tự nhập các thông tin cá nhân lên website giả mạo này hòng chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng. “Khách tuyệt đối không được truy cập vào đường dẫn lạ, cũng không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, thông tin thẻ vào đường dẫn không phải của ngân hàng” - đại diện VPBank cảnh báo.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI