Mạo danh người nổi tiếng
Nhiều ngày qua, chị N.T.K. (quê Quảng Ngãi) trông chờ nhận lại 100 triệu đồng đã chuyển khoản để chuộc con. Tuy nhiên, khi phát hiện số tiền trên rơi vào tay kẻ lừa đảo, chị K. tuyệt vọng.
Giữa tháng 8/2022, cháu C. (con trai chị K.) lên mạng xã hội Facebook thì thấy thông tin một nhà hàng ở tỉnh Tây Ninh tuyển nhân viên với lương khởi điểm 12 triệu đồng/tháng. Khi C. gọi vào số điện thoại trên bài quảng cáo, bên tuyển dụng cho biết, ngoài mức lương trên, nhân viên còn được ăn ở và có thêm các khoản thưởng.
Ngày 15/8, C. trốn gia đình, bắt xe vào TPHCM để gặp “nhà tuyển dụng”. Khi C. vừa đến bến xe Miền Đông, một người đàn ông tên T. đã đợi sẵn, đón C. và hai thanh niên khác bằng ô tô riêng đến một nhà nghỉ ở tỉnh Tây Ninh.
|
Chị K. (ngồi giữa) và cháu C. lúc được lực lượng chức năng giải cứu về Việt Nam - Ảnh: L.Q |
Ngay trong ngày hôm đó, người đàn ông này đưa C. và sáu thanh niên khác đi nhiều chặng để sang Campuchia. Một ngày sau, bảy thanh niên được đưa vào một phòng máy tính để huấn luyện các chiêu trò, phương thức lừa đảo qua mạng. Mỗi ngày, nhóm thanh niên này bị ép làm việc từ 6g đến 23g. Không chịu được áp lực công việc, C. xin nghỉ việc để về nhà, liền bị quản lý ở đây đánh đập. Quản lý nói, muốn về nhà thì phải liên lạc với gia đình, yêu cầu gửi 5.500 USD tiền chuộc thân; nếu không chuyển tiền, sẽ bán C. sang công ty khác. Khi đó, số tiền chuộc sẽ còn tăng lên.
C. đành gọi điện thoại về nhà cầu cứu. Không biết làm sao để sang Campuchia chuộc con, chị K. và một số người thân đã đăng thông tin lên Facebook để mong được giúp đỡ. Một ngày sau, một tài khoản Facebook tên P.B. (trùng tên một youtuber nổi tiếng) liên lạc với gia đình chị K., nói có thể giải cứu C. về Việt Nam. Qua các phương tiện truyền thông, biết được youtuber P.B. từng cứu được nhiều nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia và đưa về Việt Nam, chị K. rất tin tưởng. Ngày hôm sau, tài khoản Facebook P.B. liên lạc với người nhà chị K., cho biết, bạn mình là N.G. đang ở Campuchia, có thể chuộc C. ra ngoài.
Gia đình chị K. rất mừng. Hôm sau, một người tự xưng là N.G. gọi điện thoại, yêu cầu gia đình chị K. chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản do Trần Ngọc Đức đứng tên để chuộc C. ra ngoài. Lo lắng cho sự an toàn của con, chị K. đã đi vay mượn 100 triệu đồng, gửi vào tài khoản theo yêu cầu.
Một ngày sau đó, người tự xưng là N.G. tiếp tục yêu cầu gia đình chị K. chuyển thêm 35 triệu đồng vào tài khoản mới đủ điều kiện chuộc người. Chị K. nhờ nhóm này “tạm ứng” số tiền trên và sẽ trả lại khi đưa C. về Việt Nam nhưng N.G. tắt máy. Sau khi chị K. chuyển khoản 100 triệu đồng, cháu C. vẫn bị giam giữ trong một casino ở bên kia biên giới. Chị K. được N.G. hứa sẽ trả lại tiền khi về Việt Nam.
Tương tự, sau khi chị N.T.A.T. (quê ở tỉnh Đồng Tháp) đăng tin con mình bị lừa bán sang Campuchia, nhiều tài khoản Facebook đã liên hệ với chị. Các tài khoản này đều có tên giống những người nổi tiếng. Sau vài ngày, các đối tượng này thường gọi điện thông báo nạn nhân đang gặp nguy hiểm, cần phải giải cứu gấp và yêu cầu người nhà chuyển tiền. Rất may, do đã được cảnh báo về chiêu trò này nên chị A.T. không bị lừa. Vừa qua, con gái chị đã được một nhóm người tốt bụng ở TPHCM giải cứu, đưa về nhà miễn phí.
Không nên chuyển tiền cho người lạ
Trở lại vụ việc của chị N.T.K. Sau nhiều ngày không liên lạc được với C., chị đã gọi điện thoại cầu cứu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh. Ngay sau đó, cháu C. đã được lực lượng chức năng Campuchia giải cứu khỏi một sòng bạc ở TP.Bà Vẹt, tỉnh Svây Riêng và bàn giao cho phía Việt Nam.
Khi chúng tôi liên lạc với anh L.V.P. (youtuber P.B.), anh P. cho biết, chưa từng liên lạc với gia đình chị K. và không biết về trường hợp cháu C. Khi chúng tôi cùng anh P. liên lạc với chị K., chị mới biết mình đã bị đối tượng xấu mạo danh anh P. để lừa. Anh L.V.P. cho biết, vài tháng trước, khi sang Campuchia du lịch, tình cờ biết tin về các nạn nhân, anh đã bỏ ra khoảng nửa tỷ đồng để giải cứu một số người. Sau đó, có rất nhiều người đã copy hình ảnh của anh rồi tạo tài khoản Facebook mạo danh để lừa đảo.
|
Những bài đăng cầu cứu trên các trang mạng vô tình trở thành miếng mồi ngon để các đối tượng lừa đảo ra tay |
Khi tìm trên Facebook, chúng tôi ghi nhận, có một số nhóm được lập với tên “Hội giải cứu người Việt tại Campuchia” hay “Hội giải cứu người tại Campuchia”. Các nhóm này có hàng ngàn đến hàng chục ngàn thành viên. Trên các nhóm này, hằng ngày, có nhiều bài đăng tin cầu cứu của thân nhân các nạn nhân bị lừa sang Campuchia. Các bài đăng này vô tình tiết lộ quá rõ về nhân thân và tình trạng hiện tại của nạn nhân. Các đối tượng lừa đảo đã dựa vào các thông tin này để lên kịch bản lừa gia đình nạn nhân.
Mới đây, Công an tỉnh Đồng Tháp đã phát cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo trên. Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng đã cảnh báo về chiêu lừa “việc nhẹ lương cao”.
Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), hành vi của các đối tượng mượn danh “giải cứu” để lừa tiền có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý. Người dân tuyệt đối không được tin vào các lời mời gọi, dụ dỗ xuất cảnh trái phép sang Campuchia để làm việc. Người nhà nạn nhân không nên chuyển tiền cho các đối tượng mà mình không quen biết. Khi phát hiện hành vi lừa đảo, người dân cần trình báo công an để được hỗ trợ. |
Nhóm phóng viên