Chiêu lừa "bán mật ong rừng" tái xuất

17/12/2024 - 13:14

PNO - Chị Thu (quận 3, TPHCM) nhận được cuộc gọi của một người đàn ông tên Dũng, tự xưng là cán bộ phòng quản lý thị trường quận 3 thông báo sẽ giao mật ong rừng mà chị Thu đã đặt mua trước đó về địa chỉ nơi chị đang làm việc.

Sau giây lát kiểm tra trí nhớ, chị Thu trả lời không đặt mật ong. Người đàn ông này liền cung cấp đúng tên chị Thu, địa chỉ nơi chị Thu đang làm việc. “Anh gặp em trong một chuyến đi công tác tại Cần Giờ, lúc đó nghe anh nói muốn tìm mua mật ong rừng để ngâm hoa đu đủ chữa bệnh, em dặn hãy để cho em một lít. Bẵng đi mấy tháng, hôm nay thằng em ở Cần Giờ thông báo có 4 lít mật ong rừng, nếu em còn nhu cầu lấy thì anh chia lại cho em một lít” - người đàn ông thuyết phục chị Thu.

Khi chị Thu hỏi giá, người đàn ông này tiếp tục phân trần: "Em cứ yên tâm, anh để giá ưu đãi cho em là 700.000 đồng/lít thôi. Bình thường, mật ong rừng tự nhiên cũng có giá 2 triệu đồng/lít, riêng mật ong rừng Sác Cần Giờ này có tiền cũng khó mua được. Do em là chỗ quen biết, em cùng công tác trong cơ quan nhà nước giống anh nên anh mới chia lại”.

Do đang bận công việc, nghĩ là mình đã từng đặt mà không nhớ, nếu không lấy thì ngại nên chị Thu đành mua một lít. Người đàn ông này hẹn sẽ giao mật ong trong 3-4 ngày tới.

Chị Thu cứ suy nghĩ mãi về cuộc hội thoại trên nhưng không thể nhớ ra người đàn ông tên Dũng đó. Chị Thu đem câu chuyện kể cho các đồng nghiệp nghe thì mới biết một số người cũng nhận được cuộc gọi giống hệt chị. Và đây chỉ là chiêu lừa bán mật ong dỏm. Tức đối tượng vẫn giao mật ong cho chị Thu nhưng chỉ là mật ong nuôi chứ không phải mật ong rừng, giá chỉ 120.000 - 250.000 đồng/lít. Song điều chị Thu thắc mắc không rõ vì sao đối tượng bán mật ong kia lại có đầy đủ họ tên, nơi làm việc của chị để khiến chị tin rằng có quen biết nhau.

Hình ảnh mật ong rừng mà đối tượng đã gửi cho chị Thu - Ảnh nạn nhân cung cấp
Hình ảnh mật ong rừng mà đối tượng đã gửi cho chị Thu - Ảnh nạn nhân cung cấp

Ông Phạm Nguyễn Hoàng Bảo - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena - cho biết, có thể các đối tượng đã khai thác thông tin của chị Thu từ Facebook cá nhân hoặc bắt nguồn từ việc chị đã để lại bình luận mua trên các trang bán hàng, các nền tảng thương mại điện tử.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiêu lừa bán mật ong rừng này đã xuất hiện từ năm 2020, do mới đây rộ lên chiêu mạo danh người giao hàng (shipper) để lừa đảo chiếm đoạt tiền thì chiêu trò lừa bán mật ong nở rộ trở lại. Nhưng chiêu lừa bán mật ong đã được các đối tượng xây dựng thành một kịch bản khác, mục đích cuối cùng là chiếm tiền trong tài khoản của khách chứ không còn đơn giản là giao mật ong dỏm nữa.

“Đối tượng biết người mua mật ong làm việc ở cơ quan nhà nước nên sẽ cố tình giao mật ong vào buổi tối hoặc ngày nghỉ để người mua không kiểm tra được hàng hóa, sẽ chọn hình thức chuyển khoản cho shipper. Lúc này, shipper sẽ thông báo khách hàng chuyển khoản nhầm vào tài khoản công ty bảo hiểm, yêu cầu khách hàng hủy gói đăng ký bằng cách thực hiện các yêu cầu trên đường dẫn (link) mà đối tượng cung cấp để chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách” - ông Hoàng Bảo cảnh báo.

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra và phát hiện P.V.T. (sinh năm 1998, Hà Nội) mạo danh là nhân viên giao hàng gọi điện thoại cho khách hàng thông báo có đơn hàng từ các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, các cửa hàng bán hàng online…

Qua đấu tranh khai thác, T. cho biết từng làm nhân viên giao hàng. Trong quá trình làm việc, T. thấy nhiều khách mua hàng online thường không nhận hàng trực tiếp mà chỉ bảo nhân viên giao hàng gửi lại hàng hóa cho bảo vệ hoặc để lại trước cửa nhà, sau đó đề nghị nhân viên giao hàng gửi số tài khoản để chuyển tiền mua hàng. Nhận thấy có thể lợi dụng kẽ hở này để chiếm đoạt tiền từ người mua hàng nên T. đã lên mạng tìm mua tài khoản ngân hàng, thông tin khách hàng, sử dụng sim rác để thực hiện chiêu trò lừa đảo.

Ngày nào T. cũng gọi từ 100 - 200 cuộc gọi, nếu đầu dây bên kia trả lời có thể nhận hàng ngay thì T. tắt máy. Nếu đầu dây bên kia trả lời không có ở nhà hoặc ở chỗ làm thì T. thông báo sẽ để kiện hàng trước nhà hoặc phòng bảo vệ, sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào số tài khoản do T. đã mua trước đó để chiếm đoạt. Có khách nào đó chủ quan không kiểm tra lại thì T. tiếp tục gọi điện thoại thông báo có đơn hàng nữa rồi yêu cầu chuyển thêm tiền. Từ tháng 4/2024 đến nay, T. đã lừa được hàng trăm khách hàng, số tiền chiếm đoạt hơn 130 triệu đồng.

Theo khuyến cáo của cơ quan công an, người dân nên nâng cao tinh thần cảnh giác, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận, tuyệt đối không nhấp vào bất kỳ đường dẫn nào do người lạ gửi.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI