'Chiêu độc' của báo cáo viên pháp luật

26/01/2015 - 07:18

PNO - PN - Với lối nói chuyện chân tình, dí dỏm, những buổi tuyên truyền luật do cô Phạm Thị Nhung, hội viên phụ nữ P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM phụ trách luôn chật kín người nghe. Biết luật để không vi phạm luật, biết luật để bảo vệ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cô Nhung từng công tác tại Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Ban Dân số gia đình. Đến năm 2005, cô chuyển về Phòng Văn hóa - thông tin quận, công tác đến khi về hưu. Là người say mê công việc, nên dù xấp xỉ lục tuần, cô Nhung vẫn đảm trách công việc quản lý học viên tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, kiêm báo cáo viên pháp luật của quận.

Điều làm người khác bất ngờ và khâm phục ở cô Nhung là tuy không qua trường lớp chuyên môn về luật, nhưng bất kỳ lĩnh vực nào mọi người cần tư vấn, cô đều có thể trợ giúp. Cô Nhung chia sẻ: “Ngày trước công tác ở lĩnh vực trẻ em, văn hóa… nên từng bước tiếp cận với kiến thức luật. Tôi tự học bằng cách mua sách, nghiên cứu tài liệu qua báo, mạng. Mình là dân “tay ngang” nên phải cố gắng nhiều, nhất là khi trở thành một báo cáo viên pháp luật”.

Đi nhiều, cô Nhung biết vẫn còn nhiều PN, trẻ em phải chịu thiệt thòi. Trẻ mới hai-ba tuổi bị xâm hại nhưng người nhà vẫn im lặng; nhiều chị em lấy chồng người khác vẫn không biết mình đã vi phạm pháp luật; bị bạo hành mà không biết vì cho rằng chồng “có quyền đánh”, còn mình phải cam chịu… là những trường hợp mà cô Nhung từng chứng kiến. Các buổi báo cáo chuyên đề, tuyên truyền luật cho HV, PN tại Quận Hội, Phường Hội vẫn chưa có tác động mạnh đến người dân, họ vẫn chưa thấy được sự cần thiết, quan trọng của luật trong cuộc sống. Cô Nhung trăn trở làm thế nào để đưa luật đến với mọi người, chỉ cho họ biết điều gì là đúng, sai; làm gì để người dân cảm thấy hào hứng, tự giác tham gia các buổi tuyên truyền? Nghĩ là làm, bắt đầu từ việc “cải tiến” phương pháp tuyên truyền; trước các buổi báo cáo, cô Nhung đều tìm tư liệu, các câu chuyện thực tế trong đời sống có liên quan đến nội dung tuyên truyền để làm ví dụ; cập nhật các luật mới sửa đổi, bổ sung để kịp thời thông tin đến người nghe…

Một “bí quyết” được cô Nhung “rỉ tai” giúp người nghe không chán và bỏ về sớm, đó là tuyệt đối không đơn thuần đề cập đến các điều khoản, quy định, văn bản pháp luật trong các buổi tuyên truyền. Bởi theo cô, đối tượng tham gia phần lớn là người lao động, buôn bán… thì làm sao hiểu những điều đó. Mình chỉ cần đưa ra các hành vi đã xảy ra tại địa phương; phân tích có vi phạm hay không, nếu vi phạm sẽ xử lý ra sao... để giúp người nghe hiểu và ghi nhớ dễ dàng.

'Chieu doc' cua bao cao vien phap luat

Cô Phạm Thị Nhung trong một buổi tuyên truyền luật giao thông cho học sinh

Ngoài thay đổi về cách thức tuyên truyền, yếu tố tạo sự thành công cho buổi báo cáo luật còn nằm ở đối tượng người tham dự. Không ngại chỉ ra những điểm chưa hợp lý ở các buổi tuyên truyền tại các chi, tổ Hội, khu dân cư… cô Nhung thẳng thắn cho biết: “Công tác tổ chức còn nặng về chỉ tiêu, làm sao cho đủ số lượng người tham dự, còn đối tượng đến nghe có phù hợp với nội dung cần tuyên truyền hay không thì chưa được quan tâm”.

Cụ thể, khi tham gia phổ biến các luật về phòng, chống tác hại thuốc lá, giao thông đường bộ, cô Nhung lại nảy ra sáng kiến vận động thêm đối tượng trẻ em, học sinh đến sinh hoạt cùng; chính các em sẽ nhắc nhở cha mẹ, người thân chấp hành quy định pháp luật. Hay những buổi chuyên đề về bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất định phải có nam giới tham dự. Bằng “chiêu” mềm mỏng, khéo léo của mình, cô Nhung luôn khơi trách nhiệm, sự yêu thương của những người trụ cột gia đình với vợ con, người thân của họ; biết luật không chỉ để ứng xử văn minh mà còn để bảo vệ mái ấm của mỗi người.

Tự nhắc bản thân “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”, dù đã lớn tuổi nhưng cô Nhung vẫn trau dồi, nghiên cứu kiến thức về luật. “Công việc tuyên truyền vất vả lắm, có khi còn bị ghét vì “tội” nói nhiều; nhưng vì lỡ “yêu” và gắn bó lâu rồi làm sao dứt được”, cô Nhung nói vui. Vinh dự đạt được nhiều giải thưởng cao qua các cuộc thi báo cáo viên - tuyên truyền viên pháp luật do TP, quận, phường tổ chức, cô Nhung xem đó là sự khích lệ tinh thần để tiếp tục gắn bó với công tác xã hội.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu, Chủ tịch Hội LHPN P.Sơn Kỳ nhận xét: “Cô Nhung rất nhiệt tình với công tác Hội, hễ ở đâu cần là cô sẵn sàng giúp sức. Nhờ có sự linh hoạt trong tuyên truyền, cô Nhung đã có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động Hội”.

 VIỆT PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI