Câu trả là nên! Chỉ có điều, mọi thứ đều cần mức độ. Nếu bạn quá nuông chiều, con bạn sẽ trở thành những đứa trẻ luôn đòi hỏi, không biết nghe lời và khó dạy dỗ.
Nhiều phụ huynh sai lầm khi nghĩ họ đang dạy dỗ trẻ, nhưng trên thực tế, từ khi sinh ra, trẻ em cũng góp phần giáo dục cha mẹ mình. Trẻ làm điều đó một cách hết sức mạnh bạo, đầu tiên là khóc, sau đó nhõng nhẽo và đòi hỏi. Hơn thế nữa, bọn trẻ “nghiên cứu” cha mẹ một cách tinh tế và rất giỏi xác định ranh giới mà chúng không nên bước qua. Nhiều đứa trẻ không bao giờ dám vượt ranh giới đó, nhưng những đứa trẻ được cưng chiều thì không biết đâu là giới hạn và chúng luôn phá vỡ mọi quy tắc.
Căn cứ vào đâu để nhận ra rằng con bạn là đứa trẻ được nuông chiều? Những dấu hiệu cơ bản là:
Trẻ thường cáu giận ngay cả khi chẳng có nguyên nhân. Những biểu hiện nhõng nhẽo có thể thấy khi trẻ còn rất nhỏ (bạn có thể thấy biểu hiện vòi vĩnh này của trẻ ở các cửa hàng bán đồ chơi).
Biểu hiện nổi bật nhất của một đứa trẻ được nuông chiều là nó từ chối thẳng thừng việc thu dọn đồ đạc của mình (đồ chơi, bút chì, sách vở…). Thậm chí, những đứa trẻ quá nuông chiều còn có thể cố tình làm hỏng cuốn sách của mình để thể hiện sự bất bình với ai đó. Với những đứa trẻ như vậy, để chúng im lặng, nhiều người lớn đã “hối lộ” hoặc “mua chuộc”.
Những đứa trẻ được nuông chiều dễ bị kích động. Chúng rất dễ chán mọi thứ, kể cả đồ chơi mới. Bạn có thể nhận ra chúng một cách dễ dàng: chúng luôn đòi hỏi món đồ chơi mà trẻ khác đang cầm.
Bạn cũng nên lo lắng khi trẻ biểu hiện “ông vua con”, nó muốn mọi người phải chiều theo đòi hỏi, mong muốn của nó. Những đứa trẻ như vậy không nghe lời ai, chỉ điều nó nói mới là quan trọng nhất.
Ðứa trẻ vị kỷ quá mức. Trẻ thường làm mọi điều để khẳng định mình và vị trí của mình. Thật tuyệt nếu chúng làm điều gì đó có ích, thí dụ như chơi thể thao hoặc học một môn nghệ thuật và siêng năng vì điều đó. Nhưng thông thường, những trẻ được nuông chiều ở tuổi lên năm sẽ khiến bố mẹ khó xử khi chúng cắt ngang lời người khác, không cho những đứa trẻ khác thể hiện tài năng của mình, gây sự với mọi người.
Ích kỷ là biểu hiện rõ nét của trẻ được nuông chiều. Chúng không muốn chia sẻ bất cứ điều gì với ai. Ðơn giản là bởi chúng không biết chia sẻ, do chúng không bao giờ bị yêu cầu điều đó. Sau đó, sự ích kỷ biến đứa trẻ thành keo kiệt và tạo nên tính cách đặc trưng. Ðấu tranh với biểu hiện này không khó. Ðầu tiên, bạn nên giải thích cho trẻ hiểu rằng chia sẻ là điều cần thiết, bởi vì sẽ có lúc nó cần phải hỏi xin một ai thứ gì đó và có thể bị từ chối. Cha mẹ có thể là một ví dụ hết sức hữu ích khi họ cho trẻ thấy cách sống của mình: biết chia sẻ với người khác và hạnh phúc vì điều đó.
Có những bậc cha mẹ thường thuyết phục trẻ làm điều gì đó và đổi lại bằng một món quà. Sớm hay muộn, những đứa trẻ ấy sẽ không muốn làm bất cứ điều gì nếu không có sự đổi chác. Và rồi cha mẹ sẽ chẳng còn biết “hối lộ” thứ gì nếu trẻ đã có tất cả.
Trẻ được nuông chiều thường không quen bị từ chối. Chúng không thích nghe từ “không” và chỉ cần người ta nói với chúng điều đó là chúng sẽ làm um sùm.
Bạn cần chú ý nếu con bạn đã bốn-năm tuổi nhưng vẫn không muốn chơi một mình và luôn đòi hỏi ai đó quan tâm tới mình. Thông thường, trẻ trong độ tuổi mầm non có thể tự chơi một mình với các món đồ chơi riêng.
Còn có một dấu hiệu nữa, đó là trẻ hoàn toàn dựa dẫm vào người lớn, thậm chí trong quan hệ của chúng với bạn bè. Trẻ thường phàn nàn rằng bạn bè bắt nạt trẻ hay cô giáo không để ý gì đến trẻ. Những đứa trẻ này thiếu ý thức về sự tự lập (thông thường trẻ ba tuổi trở lên đã muốn thể hiện sự độc lập của mình).
Tất cả những điều trên chỉ là các biểu hiện cơ bản giúp cha mẹ nhận biết con mình có được nuông chiều quá hay không. Trên thực tế, bằng trực giác, cha mẹ có thể cảm nhận và hiểu được nhanh chóng rằng con mình cư xử bình thường hay quá đà và điều chỉnh việc dạy dỗ trẻ.
Để không quá nuông chiều con
Dạy trẻ ra sao để chúng không nhõng nhẽo? Ðó không phải là điều quá khó nếu bạn tuân thủ những quy tắc sau:
* Không nên lập tức chiều theo yêu cầu của trẻ. Trẻ luôn thử xem kiểu đòi hỏi nào ảnh hưởng lên cha mẹ mạnh nhất và chúng sẽ sử dụng kiểu ấy thường xuyên hơn. Thí dụ khóc lóc, la hét, dậm chân, ăn vạ trước cửa hàng…
* Cần phải xác định ranh giới của những gì được phép và không được phép làm. Không bao giờ nhượng bộ nếu bạn đã nói điều đó là không được. Vì nếu bạn nhượng bộ, trẻ sẽ nghĩ mọi quy tắc đều có thể bỏ qua.
* Trong nhà nên có những “luật lệ” buộc trẻ phải tuân theo. Trẻ chỉ được xem phim hoạt hình đến 9 giờ. Cha mẹ phải nghiêm khắc kiểm tra điều đó và tắt ti vi lúc 9 giờ 1 phút. Nếu bạn bỏ qua một hai lần, trẻ sẽ biết rằng quy tắc chỉ là điều tương đối và không cần phải luôn luôn tuân theo.
* Bạn cần thể hiện sự kiên quyết của mình, đặc biệt là khi trẻ xin xỏ điều gì đó vô lý. Chỉ cần một lần nhượng bộ, trẻ sẽ tiếp tục mè nheo vào những lần sau đó.
* Nếu trẻ yêu cầu bạn mua một món đồ chơi, hãy hỏi con xem ngày hôm nay nó có xứng đáng với điều đó hay không. Nếu không, hãy dặn con rằng, hãy cố gắng để ngày mai có thể nhận được điều nó muốn.
* Trẻ cần có nghĩa vụ với ngôi nhà của mình. Ðiều ấy dạy trẻ biết tuân thủ kỷ luật và trở thành người có trách nhiệm, độc lập. Hãy trao cho trẻ một nhiệm vụ: dọn dẹp đồ chơi, trải giường, quét nhà… Hãy khen trẻ khi chúng hoàn thành nhiệm vụ.
* Dạy trẻ biết cách kiềm chế cảm xúc của mình, điều khiển những biểu hiện của sự thất vọng. Bởi trong cuộc sống sau này, không phải lúc nào trẻ cũng có thể nhận được những điều mình mong muốn. Nếu bạn không giải thích với con, sau này chúng sẽ rất khó hòa nhập với xã hội.
Ngoài những quy tắc nói trên và nhiều quy tắc khác cần được tuân thủ, bạn cũng cần nhớ rằng dù sao thì trẻ vẫn cần được chiều chuộng. Trẻ rất coi trọng cảm xúc của cha mẹ và cần được giao tiếp với cha mẹ. Vì thế việc trẻ được yêu chiều một cách đúng mực là cần thiết. Chiều chuộng con không có nghĩa là làm con hư. Cha mẹ đôi khi hiểu không đúng từ “chiều” mà bỏ qua những hoạt động như dạo chơi cùng con, đi nghỉ cùng con ở biển hay lên núi, mua những món đồ chơi đẹp và hữu ích vào ngày sinh nhật.
Làm gì khi con bạn nhõng nhẽo?
Nếu như con bạn đã là đứa trẻ nhõng nhẽo thì việc đầu tiên bạn cần làm là phân tích xem lỗi dạy con của bạn nằm ở đâu và sửa chữa. Vì sao trước tiên bạn cần nhìn lại những sai lầm của mình? Khi cha mẹ than phiền rằng trẻ nhõng nhẽo và không nghe lời, bạn cần nhớ rằng con cái chính là sản phẩm của bạn. Trẻ chỉ đơn giản là thể hiện ra những gì đã được dạy dỗ. Bạn có thể áp dụng vài lời khuyên để sửa chữa những đứa trẻ quá được nuông chiều như sau:
* Buộc trẻ tuân thủ nghiêm khắc thời khóa biểu trong ngày (đặc biệt là giờ giấc mà trẻ sử dụng máy tính hay ti vi).
* Buộc trẻ tham gia các việc gia đình và không ai được làm giùm trẻ, ví dụ cho mèo ăn hay tưới hoa.
* Theo dõi việc ăn uống của trẻ, bởi vì điều này liên quan đến sức khỏe và hệ thần kinh của trẻ.
* Hạn chế việc xem ti vi (nhiều nhất là hai giờ/ngày, vào những giờ còn lại tốt hơn hết là cho trẻ đi dạo, vẽ, lắp ráp mô hình…).
* Ghi tên trẻ vào các nhóm học hay chơi thể thao phù hợp. Tất nhiên cần quan tâm đến ý thích và năng khiếu của trẻ.
* Khen ngợi trẻ khi chúng đạt được thành tích nào đó, vì như thế trẻ sẽ luôn cố gắng để được khen ngợi nhiều hơn.
* Cần nói chuyện với trẻ, giải thích khi trẻ làm gì đó không đúng và khi trẻ làm được điều tốt. Hãy làm sao để những cuộc trò chuyện diễn ra trong một không khí tin cậy từ cả hai phía.
Song Văn