Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):

Chiến tranh và nỗi đau của một người mẹ kiên cường

30/04/2025 - 06:33

PNO - Trưa 30/4, với chức danh Chủ tịch kiêm Bí thư chi bộ phường Bến Đá, bà Đặng Thị Ngọc Lan (bí danh Tư Nguyệt) được lệnh vào tiếp quản phường Hàng Thái và phường Bến Đá thuộc quận 7 cũ, nay thuộc quận 8. Giữa bề bộn công việc phải làm để ổn định tình hình sau chiến tranh, trong tâm trí của bà lúc nào cũng vang lên câu hỏi: “Giữa Sài Gòn mênh mông này, biết tìm 2 đứa con trai ở đâu?”.

Tranh thủ giải quyết công việc và xin nghỉ phép ngày Chủ nhật, bà đi khắp nơi hỏi thăm tin tức của con. Mãi đến tháng 6/1975, khi cầu chữ U ở bến Bình Đông bị sập, bà gặp lại người thân trong đám đông đến xem. Họ nhận ra bà khi thấy tên trong danh sách Ban Quân quản quận 7. Bà nức nở kể: “Tôi mừng quá, ôm chầm lấy con khóc nức nở. Thằng Dũng Sỹ khi đó mới 6 tuổi đứng nép vào dì dượng tôi chứ không chịu cho tôi ẵm. Nhưng thỉnh thoảng, nó lén nhìn tôi rồi mắc cỡ cúi xuống mỗi khi tôi nhìn nó. Xa mẹ từ lúc 13 tháng, 5 năm sau mới gặp lại, nó không nhận ra tôi là đúng rồi”. Dũng Sỹ là đứa con được bà Ngọc Lan sinh ra trong nhà tù Hố Nai, Biên Hòa. Đứa trẻ đã cùng mẹ trải qua những ngày tháng gian khổ, sống không bằng chết.

Bà Đặng Thị Ngọc Lan lưu lại những kỷ niệm thời đấu tranh gian khổ  trong quyển nhật ký - ẢNH: THU LÊ
Bà Đặng Thị Ngọc Lan lưu lại những kỷ niệm thời đấu tranh gian khổ trong quyển nhật ký - Ảnh: Thu Lê

Bà Ngọc Lan tham gia dân quân du kích từ năm 17 tuổi. Năm 1962, bà lấy chồng nhưng 2 năm sau, chồng bà hy sinh. Năm 1968, bà sinh đứa con đầu lòng sau khi “đi bước nữa” với người đồng chí hoạt động chung, đặt tên là Hùng Dũng. Con được 4 tháng, bà gửi cho dì để tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Ngày 4/4/1969, bà bị địch bắt khi đang mang thai đứa con thứ hai. Địch dùng những hình thức tra tấn tàn bạo cho đến tận ngày bà sinh. Đêm 1/9/1969, bà vượt cạn một mình trong trạm xá của nhà tù Hố Nai. Bà đặt tên con là Dũng Sỹ bởi con đã kiên cường chống chọi những trận đòn tra tấn của kẻ thù.

Con được hơn 3 tháng, bà Lan bị đày đi nhà giam Phú Tài (Quy Nhơn). Tại đây, địch nhiều lần bắt con bà nhưng không được. Bà xé dây mùng quấn, buộc con trong người nhưng đêm vẫn thức để phòng địch bắt con đi. Tháng 4/1970, khi Dũng Sỹ được 13 tháng, nhờ sự can thiệp của phái đoàn Hồng thập tự quốc tế, bà tiếp cận được người quen ở trong tù, từ đó móc nối, gửi con về Sài Sòn nhờ đơn vị chăm sóc. Dũng Sỹ ở căn cứ cùng các cán bộ cách mạng, đến 9 tháng sau mới được chuyển về cho cô ruột.

Ngày 21/1/1973, hiệp định Paris được ký kết. 3 tuần sau, ngày 15/2/1973, bà Lan có tên trong số gần 1.000 tù binh trại giam Phú Tài được trao trả tại sân bay Lộc Ninh. Bà được tổ chức cho đi trị bệnh, an dưỡng, sau đó được cử đi học. Thời gian này, bà đi khắp nơi nói chuyện, tuyên truyền về hiệp định Paris, tố cáo tội ác của giặc, cho đến ngày đất nước thống nhất.

Vui mừng khi gặp lại Dũng Sỹ nhưng bà cũng vô cùng đau xót khi biết tin Hùng Dũng đã mất vì bệnh. Đứa con tội nghiệp của bà chưa một lần được gọi tiếng mẹ, cha. “Theo lời kể của bà dì, tôi cố đi tìm mộ của Hùng Dũng nhưng chỉ thấy những gò đất lô nhô, không biết đâu là mộ của con mình. Càng hận chiến tranh, tôi càng thấy sự hy sinh của mình cho nền độc lập hôm nay là xứng đáng” - bà Lan xúc động nói.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI