Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chuyện của chúng ta

09/07/2018 - 08:30

PNO - Có “chiến tranh” hay “đình chiến” thương mại thì kinh tế Việt Nam cũng cần thiết lập và đảm bảo thực lực, tuân thủ một cách bền chặt quy luật thị trường để từ đó đủ sức đề kháng trước mọi hiệu ứng rủi ro

Chỉ hai ngày sau lễ Quốc khánh, Mỹ chính thức phát pháo mở màn cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc (lúc 0g ngày 6/7 - giờ Mỹ), theo đó, đợt áp thuế đầu tiên này sẽ áp dụng lên 818 mặt hàng của Trung Quốc với tổng trị giá 34 tỷ USD; đáp trả, cũng từ ngày 6/7, Trung Quốc áp thuế 25% lên 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với tổng trị giá 50 tỷ USD. 

Chien tranh thuong mai My - Trung va chuyen cua chung ta
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình dự quốc yến tại Đại sảnh Nhân dân Bắc Kinh nhân chuyến thăm Trung Quốc của ông Trump tháng 9/2017.

Trong xu thế mở và kết nối toàn cầu, sự tồn tại, phát triển của mỗi quốc gia đều đóng vai trò là một phần còn lại tất yếu của thế giới. Do đó, một khi tiếng nói hòa giải và các biện pháp hóa giải đã không thể chuyển hóa xung đột mà ngược lại, đã đẩy tới chiến tranh thương mại thì ngoài tác động tiêu cực trực tiếp đến hai quốc gia tham chiến còn có những ảnh hưởng gián tiếp bất lợi cho các nước và khu vực kinh tế. Việt Nam, xuất siêu sang Mỹ, nhập siêu từ Trung Quốc hẳn nhiên không thể không chịu tác động.

Một phản xạ có điều kiện lập tức bộc phát: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hành động của Việt Nam, kèm theo đó không ít mơ mộng cho một sự đón đầu những thách thức thành cơ hội, nào là thu mua được nguyên liệu giá rẻ, nào là thu hút thêm các nhà đầu tư FDI từ Mỹ, Trung Quốc, nhất là tận dụng nguồn vốn của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, nào là mở rộng thị trường phân phối xuất khẩu các nhóm hàng trong diện bị áp thuế…

Nên nhớ, các mặt hàng mà Trung Quốc bị áp thuế chủ yếu là sản phẩm công nghệ cao, vốn không phải là thị trường mà Việt Nam đủ sức thay thế. Ngay cả khi lọt vào trong nhóm các nhà xuất khẩu hàng hóa trung gian sang Trung Quốc thì Việt Nam vẫn chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, giá trị gia tăng cũng khá thấp trong cơ cấu chuỗi giá trị. 

Hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, lọt qua các hàng rào kỹ thuật về thuế quan… duy trì và đảm bảo quy chuẩn xuất - nhập khẩu một cách bền vững, ổn định là sự tự thách thức với chính chúng ta trong tiến trình thâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Chiếc “thẻ vàng” hải sản của Ủy ban châu Âu (EC) vẫn còn treo lơ lửng đến tận tháng 1/2019 cũng có nghĩa là chính chúng ta đã tước đi những cơ hội để tiến vào các lãnh địa “nhà giàu”. 

Hay bài học về việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên thép Việt Nam vào tháng Năm vừa qua liệu có rút ra được điều gì cho giai đoạn “chiến tranh” sắp tới? Qua điều tra, Bộ Thương mại Mỹ đã đồng tình với khiếu nại của các nhà sản xuất thép ở Mỹ về việc có tới 90% giá trị sản phẩm của thép cán nguội, thép chống ăn mòn được sản xuất tại Việt Nam lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Trước đó, từ năm 2015-2016, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên thép Trung Quốc. 

Chắc chắn trong giai đoạn sắp tới, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ được “chăm sóc” kỹ lưỡng hơn, khắt khe hơn. 

Nương theo tâm lý, thói quen chuộng cái lợi trước mắt mà quên cái ích lâu dài, chấp nhận làm “thị trường nhãn mác” để nhập khẩu “giùm” hàng hóa dưới cái “kim bài” tạm nhập tái xuất, nhưng nên nhớ sẽ không là “miễn tử” đối với thị trường có đầy đủ quy chuẩn nền tảng, tính minh bạch, tính cạnh tranh của nó. 

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trước hết sẽ tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á luôn xoay trục quanh Trung Quốc. Vì vậy, đối với Việt Nam, vấn đề vẫn là chất lượng nội lực tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà.

Thoát dần sự lệ thuộc vào các ngành khai khoáng để gia tăng doanh nghiệp trong các ngành sản xuất; có kiểm soát khu vực gia công giá rẻ và tập trung đẩy mạnh ngành công nghiệp chế tạo; hạn chế sự phát triển chủ yếu dựa vào đầu tư về vốn, tạo doanh thu mà giá trị gia tăng thấp…

Tóm lại, có “chiến tranh” hay “đình chiến” thương mại thì kinh tế Việt Nam cũng cần thiết lập và đảm bảo thực lực, tuân thủ một cách bền chặt quy luật thị trường để từ đó đủ sức đề kháng trước mọi hiệu ứng rủi ro, đủ sức cạnh tranh giữa những lằn ranh không khoan nhượng. 

Chiến tranh, dù là chiến tranh quân sự hay thương mại thì cũng sẽ là tấn công và sát thương lẫn nhau. Ngoại trừ những kẻ thích ngửi mùi thuốc súng, không ai đi tìm những cú ăn may trên sự hoang tàn của trận mạc.

Với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam tự vệ bằng chính sức mạnh nội tại của mình, bằng tâm thế kết nối đa phương, trong đó một “nước Mỹ trên hết” và một Trung Quốc đang ôm ấp “giấc mơ bá chủ toàn cầu”… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI