Căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Hồi thượng tuần tháng 7/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bắt đầu quy trình để áp mức thuế nhập khẩu 10% lên số lượng hàng nhập khẩu khác từ Trung Quốc có kim ngạch xuất khẩu 200 tỉ USD. Mức thuế này thậm chí có thể tăng lên 25% vào năm sau. Trung tuần tháng 9/2018 là thời điểm để Nhà Trắng đưa ra quyết định.
Trước đó, hồi giữa tháng 6/2018, sau tuyên bố từ tháng 3/2018, Tổng thống Trump đã quyết định áp thuế nhập khẩu tới 25% đối với 1.100 sản phẩm từ Trung Quốc có tổng giá trị 50 tỉ USD kể từ ngày 6/7/2018. Theo CNN, Mỹ nói đây là đòn trừng phạt việc Trung Quốc ăn cắp công nghệ và các bí mật kinh doanh của Mỹ.
|
Mỹ đẩy rào chắn thuế quan lên giai đoạn 2 với quyết định áp thuế nhập khẩu trên khối lượng hàng nhập từ Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD |
Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Mỹ còn hé mở rằng nếu Trung Quốc đáp trả lại các doanh nghiệp Mỹ, ông vẫn còn trong tay số hàng nhập khẩu khác trị giá 267 tỉ USD của Trung Quốc mà ông có thể tiếp tục áp thuế quan. Theo các chuyên gia, nếu ông Trump quyết định như vậy, hầu như bất cứ mặt hàng nào của Trung Quốc xuất sang Mỹ cũng đều phải chịu thuế quan.
Có lẽ vấn nạn ăn cắp công nghệ và bí mật kinh doanh từ phía Trung Quốc là lý do bề mặt để Washington dễ được cộng đồng quốc tế thông cảm hơn, cũng như có thể lách luật quốc tế.
Thật ra, đòn trừng phạt thuế quan được Mỹ áp dụng ở đây mang tính kinh doanh thương trường hơn. Trước sau như một, ông Trump là một tổng thống xuất thân từ một doanh nhân tỷ phú vẫn luôn tuyên bố đòi lại lẽ công bằng cho người dân Mỹ mà bao năm qua chịu nhiều thiệt thòi trong quan hệ quốc tế, cụ thể là phải gánh vác quá nặng nề cho cái gọi là nghĩa vụ quốc tế của cường quốc số 1 thế giới.
Ngày 18/9, Trung Quốc đã thông báo áp thuế đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nhập từ Mỹ nhằm đáp lại quyết định cùng ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết mức thuế 5-10% sẽ có hiệu lực lên khoảng 5.200 sản phẩm và hàng hóa Mỹ vào ngày 24/9, cùng ngày với mức thuế mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.
|
Đối với Trung Quốc, ông Trump muốn bù lại mức thâm thủng mậu dịch quá khủng trong giao thương Mỹ - Trung Quốc. Hồi năm 2017, Trung Quốc đã xuất siêu sang Mỹ lên tới con số kỷ lục 375 tỉ USD.
Tất nhiên, cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước khó thể không leo thang khi Bắc Kinh không thể khoanh tay chịu trừng phạt mà không trả đũa theo kiểu "ăn miếng, trả miếng". Liều thuốc tiên cho cuộc chiến này chỉ có thể là thỏa thuận mà hai bên đạt được trên bàn đàm phán thương mại song phương. Mà đó lại là chuyện của tương lai, chắc chắn chẳng dễ dàng.
... Và ảnh hưởng tới Việt Nam
Do Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn số 1 và số 2 thế giới, lại có những mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam, cuộc chiến giữa họ nhất định có những ảnh hưởng không nhỏ đối với Việt Nam. Thậm chí, nguy cơ "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết "không phải là kém thực tế.
Một số nhà phân tích cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhân cơ hội này để tăng xuất khẩu sang Mỹ, chí ít là có thể bù đắp cho số hàng hóa mà Trung Quốc bị kém lợi thế trên thị trường này. Lẽ đương nhiên, cùng một mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam sẽ chịu thuế thấp hơn nên có giá bán cạnh tranh hơn.
Nhưng những người thực tế hơn hoài nghi về điều này. Chủ yếu bởi họ biết chắc năng lực thật sự của doanh nghiệp Việt Nam. Và hơn nữa, thuận lợi này sẽ mất đi nếu như Mỹ và Trung Quốc lại bắt tay hữu hảo với nhau – khả năng này cực lớn khi hai ông lớn này thực tế vẫn hiểu được lợi ích song phương lâu dài của nhau.
|
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhất định có những ảnh hưởng không nhỏ đối với Việt Nam |
Có hai nguy cơ nhãn tiền mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc căng thẳng. Đó là hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn qua biên giới sang Việt Nam nhiều hơn và có những sản phẩm Trung Quốc sẽ đội lốt hàng Việt Nam để xuất sang Mỹ. Cả hai chuyện này đều gây tổn hại cực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Trước nay, khi mối giao thương Mỹ - Trung Quốc bình thường, hàng hóa từ Trung Quốc đã luôn gây khốn đốn cho hàng Việt Nam. Ta không nói tới các sản phẩm do các tổ hợp, cá nhân sản xuất. Còn các sản phẩm do các nhà máy, các hãng lớn của Trung Quốc sản xuất được gắn nhãn "Made in China" chẳng phải đều là hàng kém chất lượng đâu. Rất nhiều trong chúng đang được bán trên khắp thế giới. Nhưng vào Việt Nam, giá bán của hàng Trung Quốc nhiều khi còn rẻ hơn hàng do Việt Nam làm ra.
Chưa cần nói những dích dắc và khuất tất trong chuyện đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam, nhất là khi biên giới giữa hai nước đúng nghĩa là "phên giậu", bản thân hàng Trung Quốc vẫn có thể bán với giá "không thể hiểu được làm sao họ có thể sản xuất với giá đó". Đơn giản là thị trường Trung Quốc cực lớn, với hơn 1,3 tỉ dân, chỉ cần bán cho nội địa là đã đủ khấu hao và có lãi rồi, có đem sang Việt Nam bán cũng chỉ là kiếm thêm và làm thương hiệu.
|
Khi hàng Trung Quốc bị dội khẩu từ Mỹ tràn ngập thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam càng khốn khó hơn. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp trong nước |
Bây giờ, khi hàng Trung Quốc bị dội khẩu từ Mỹ tràn ngập thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam vốn đang khốn khó lại càng thêm tai ương. Họ khó lòng cạnh tranh. Như đã nói, không phải hàng Trung Quốc nào cũng đều kém chất lượng và người tiêu dùng thông minh sẽ biết chọn cho mình sản phẩm ưng ý với giá tốt nhất.
Đó là chưa kể những chiêu trò lâu nay biến hóa xuất xứ sản phẩm mà giới thương nhân Việt Nam chẳng phải dạng vừa, nhất là khi tâm đầu ý hiệp với phía Trung Quốc. Trong tình hình thị trường như vậy, các bà nội trợ quả là thêm hoa mắt nhức đầu.
Còn chuyện sản phẩm do Trung Quốc sản xuất đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu cũng đâu phải mới lạ gì. Người ta có trăm mưu ngàn kế để "hô biến" sản phẩm Trung Quốc thành hàng "Made in Vietnam". Bây giờ, khi chuyện "hồn Trương Ba, da hàng thịt" này trở thành đại trà và phía Mỹ đã chú ý hơn, Việt Nam có nguy cơ sẽ đi theo Trung Quốc lãnh đòn trừng phạt kinh tế từ phía Mỹ và những thị trường khác.
Vì lẽ đó, nếu các cơ quan hữu trách không có những biện pháp hữu hiệu, nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc. Chuyện của Mỹ và Trung Quốc thật ra cũng là chuyện của chính Việt Nam.
Phạm Hồng Phước