Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Có tiếng nhưng chưa có miếng

02/12/2019 - 06:50

PNO - Đã gần 17 tháng kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu thu thuế 25% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ... Thật đáng ngạc nhiên, tác động đó không lớn như mọi người vẫn nghĩ.

Đã gần 17 tháng kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu thu thuế 25% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, khoảng thời gian đủ để đánh giá tác động kinh tế của cuộc chiến thương mại, nhưng thật đáng ngạc nhiên, tác động đó không lớn như mọi người vẫn nghĩ.

Chien tranh thuong mai My - Trung: Co tieng nhung chua co mieng
Cảng nước sâu quốc tế Yantian tại Thâm Quyến, Trung Quốc

Một điều chắc chắn khi so sánh 9 tháng đầu năm 2019 với cùng kỳ năm 2018, xuất khẩu hàng hóa đã giảm ở cả hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ, lần lượt là 13 và 15%. Nhưng theo chuyên gia John Edwards từ Viện Lowy -  cơ quan nghiên cứu chính sách độc lập tại Úc - có những lý do khác bên cạnh cuộc chiến thương mại dẫn đến sụt giảm xuất khẩu. So với GDP của cả hai quốc gia, tác động từ thay đổi trên cũng không đáng kể, chỉ khoảng 0,3% GDP của Trung Quốc và 0,25% GDP của Mỹ.

Các yếu tố ngoài mức thuế quan 

Phần lớn sự sụt giảm trong xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc nằm ở các lô hàng đậu nành. Trung Quốc nhập khẩu đậu nành chủ yếu để nuôi heo, và sự suy giảm đột ngột trùng với việc Trung Quốc phải giết mổ hàng loạt đàn heo để đối phó với dịch tả heo châu Phi.

Ở hướng ngược lại, khoảng một nửa sự sụt giảm trong xuất khẩu của Trung Quốc đến Mỹ nằm ở nhóm mặt hàng thiết bị thông tin và truyền thông - chủ yếu là điện thoại di động và máy tính - mà rất có thể là do doanh số iPhone và máy tính ở thị trường Mỹ đã bão hòa. Thuế quan không thể là nguyên nhân của sự sụt giảm đối với nhóm hàng nhập khẩu này từ Trung Quốc, bởi cho đến nay, điện thoại di động và máy tính vẫn chưa bị tăng thuế.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp Mỹ “tranh thủ” nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc trước khi thuế quan có hiệu lực có thể phóng đại tác động lên GDP từ những thay đổi trong xuất khẩu và nhập khẩu trong năm 2019 so với năm 2018. Điều này thể hiện rõ qua sự gia tăng mạnh trong xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2018 so với năm 2017.

Chuỗi cung ứng không thay đổi bất thường

Theo Nhà Trắng, một số biện pháp chống lại Trung Quốc nhằm phá vỡ chuỗi cung ứng ở nước này, buộc doanh nghiệp phải chuyển đi nơi khác, như Tổng thống Trump đã tuyên bố vào giữa tháng 11 “các chuỗi cung ứng của họ đang bị rạn nứt rất nặng nề”. Nếu điều này là đúng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc sẽ giảm đáng kể. Trên thực tế, số liệu cho thấy điều ngược lại. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng rõ rệt trong năm 2018 so với năm 2017.

Rất lâu trước cuộc chiến thương mại, một số quy trình chuỗi cung ứng đã chuyển từ Trung Quốc sang Bangladesh, Ấn Độ hoặc Việt Nam để ứng phó với mức tiền lương tăng nhanh ở Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại không mang lại sự tăng tốc cho xu hướng trên. Trường hợp thường được dẫn chứng là gã khổng lồ điện thoại di động Samsung của Hàn Quốc công bố kế hoạch đóng cửa nhà máy điện thoại di động cuối cùng tại tỉnh Quảng Đông. Nhưng thực chất, Samsung bắt đầu chuyển dây chuyền đến Việt Nam từ năm 2005, và thị phần của doanh nghiệp trên thị trường điện thoại di động Trung Quốc đã giảm xuống còn 1%. 

Công ty Mỹ chần chừ, không muốn rời bỏ Trung Quốc

Mức thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc là quân bài để thương lượng. Các tập đoàn chẳng thể thực hiện một quyết định đắt giá khi biết rằng thuế quan có thể sẽ được loại bỏ như một phần của thỏa thuận thương mại trong tương lai. Đối với nhiều doanh nghiệp, thị trường tiêu dùng Trung Quốc hiện có mức tăng chi tiêu hằng năm lớn hơn Mỹ hoặc bất kỳ nền kinh tế nào khác là một lý do tốt để họ ở lại. Và ngay cả khi thuế quan của Mỹ dự kiến sẽ duy trì suốt vài tháng tới, thị trường Mỹ vẫn chiếm chưa đến 1/5 lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Nhìn rộng hơn, việc Washington cố gắng tách rời nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc cũng không hữu dụng. Như thống kê từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), doanh số bán hàng tại Trung Quốc của những chi nhánh thuộc các tập đoàn Mỹ tiếp tục vượt xa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc và xu hướng này đã duy trì trong nhiều năm. Vì vậy, mặc dù Tổng thống Trump đưa ra yêu cầu “bắt đầu tìm kiếm sự thay thế cho Trung Quốc ngay lập tức”, chắc chắn các doanh nghiệp Mỹ không sẵn lòng rời khỏi thị trường này, bỏ lại miếng bánh ngon cho đối thủ cạnh tranh. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI